1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Dân mong Bí thư Thăng "giải cứu" 4 cây cầu già nua

(Dân trí) - Sau vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai, nhiều người dân TPHCM không khỏi hoang mang khi ngày ngày phải đi qua những cây cầu xuống cấp trầm trọng. Quá lo lắng cho sự an toàn, người dân huyện Nhà Bè đã gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Đinh La Thăng đề nghị sớm xem xét đầu tư xây dựng lại hàng loạt cây cầu sắt đã xuống cấp.

Ốc đảo giữa thành phố

Người dân 2 xã Nhơn Đức, Phước Kiển (huyện Nhà Bè) vừa gửi đơn đến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc xem xét “giải cứu” những cây cầu đã quá xuống cấp và sớm xây mới để người dân yên tâm đi lại, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.

Trong đơn kêu cứu, người dân cho biết, mấy chục năm qua khu vực này gần như trở thành ốc đảo khi 4 cây cầu sắt chạy dọc tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn từ đầu đường Nguyễn Văn Linh đến hết địa phận giáp ranh với tỉnh Long An) gồm Rạch Dơi, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Đỉa đã hạn chế rất nhiều trong việc đi lại của người, phương tiện.

Được biết, 4 cây cầu này đã có tuổi thọ gần 60 năm, được làm từ thời Pháp thuộc nên đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Không những vậy, cầu khá nhỏ với bề rộng từ 3-3,3m, chỉ lọt cho khoảng 3 chiếc xe máy đi qua và tải trọng có cây cầu dưới 1 tấn nên đã hạn chế đi lại, giao thương chuyên chở của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hai xã là Phước Kiển và Nhơn Đức. Tĩnh không thông thuyền (giữa mặt nước và thành cầu) không bảo đảm nên chuyện sà lan đâm va vào thành cầu thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Chiếc xe tải nhẹ đi qua, cầu Rạch Dơi không còn chỗ cho hướng lưu thông ngược lại
Chiếc xe tải nhẹ đi qua, cầu Rạch Dơi không còn chỗ cho hướng lưu thông ngược lại

Theo người dân xã Nhơn Đức, những cây cầu này còn thua cả những cây cầu ở vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Việc tồn tại 4 cây cầu “quá đát” này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự đi lại, phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì những cây cầu sắt tải trọng quá thấp và hẹp nên việc di chuyển của các phương tiện vận tải lớn trên đoạn đường này gần như không có. Đây cũng là nguyên nhân vì sao kinh tế khu vực này kém phát triển, rất ít nhà máy, xí nghiệp cơ sở kinh doanh lớn mọc lên vì xe lớn không thể nào tiếp cận được.

“Rất mong Bí thư Đinh La Thăng lưu tâm đến việc đầu tư xây dựng mới các cây cầu để giúp người dân đi lại được thuận lợi và an toàn hơn. Bởi những cây cầu này nguy cơ sập rất cao, nếu chỉ cần một va chạm nhẹ có thể làm cầu bị sập”, người dân Nhà Bè kiến nghị.

Kìm hãm sự phát triển

Theo tìm hiểu của PV, 4 cây cầu mà người dân cầu cứu đến Bí thư Đinh La Thăng xây mới đã được cơ quan chức năng cắm bảng hạn chế tải trọng dưới 1 tấn. Chính vì vậy, hầu như chỉ có xe máy là lưu thông qua được, xe ô tô, đặc biệt là xe tải thì… bó tay. Con đường dẫn vào cây cầu cũng được cắm bảng hạn chế tải trọng 10 tấn.

Những cây cầu này là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây bởi chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ là xem như kẹt cứng trong nhiều giờ liền. Điều đáng nói đây là con đường huyết mạch và cũng gần như là độc đạo của người dân xã Nhơn Đức, Phước Kiển và người dân Long An di chuyển vào TPHCM nên nếu xảy ra sự cố sẽ làm tê liệt hoạt động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân

Ông Võ Thanh Hùng (nhà gần cầu Rạch Dơi, xã Nhơn Đức) cho biết, người dân muốn vào trung tâm TP phải đi qua cầu này vì đường vòng xa hơn 5-10 km. “Chúng tôi sống ở khu vực này ngao ngán kêu lên rằng, giữa một thành phố lớn bậc nhất nước mà vẫn còn tồn tại những cây cầu sắt như thế là không thể chấp nhận được. Cầu ở thành phố mà thua xa những cây cầu ở vùng quê…”, ông Minh nói.

Cây cầu này đã tồn tại 60 năm tuổi, xuống cấp trầm trọng cần được thay thế
Cây cầu này đã tồn tại 60 năm tuổi, xuống cấp trầm trọng cần được thay thế

UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản kiến nghị nhưng việc xây dựng cầu mới vẫn không thấy động tĩnh gì. Cầu Long Kiểng nằm ở vị trí cửa ngõ vào xã Nhơn Đức nhưng tải trọng dưới 1 tấn nên việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, kinh tế, xã hội trên địa bàn cũng không phát triển nổi khi cầu yếu, già nua.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 200 cây cầu không đảm bảo tĩnh không và 30 cây cầu yếu tập trung trên địa bàn quận 7, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… Đây cũng là những cây cầu đã quá “già nua” và có thể sập bất cứ lúc nào.

Sau sự cố sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai, Sở GTVT TPHCM cho biết sẽ tiến hành rà soát lại hệ thống thông tin báo hiệu, bổ sung hệ thống chiếu sáng, có lộ trình để tiến hành thay thế cầu yếu trong giai đoạn 2016-2020.

Công Quang