Dân làng pháo Bình Đà kể về thời “cưỡi trên lưng hổ”
(Dân trí) - Sau 25 năm kể từ ngày "cấm pháo", làng Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) không còn mùi thuốc pháo đặc quánh vây bủa từ sáng tới chiều, ám cả trong giấc ngủ. Nghề pháo chỉ còn trong kí ức của những bậc cao niên trong làng.
Trong những ngày cận kề Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, PV Dân trí có dịp trở lại làng Bình Đà, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Sau 25 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 406/CT-TTg về việc cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo, làng Bình Đà đã không còn mùi thuốc pháo...
Ký ức kinh hoàng
Đã hơn 80 tuổi nhưng bà Bùi Thị Sứ (thôn Chợ, làng Bình Đà) vẫn nhớ rõ những kí ức về nghề làm pháo của làng.
Theo bà Sứ, vào những năm 1960, khi mô hình hợp tác xã còn hoạt động, nhà nào cũng có người tham gia làm pháo. Đây được coi là một nghề phụ thời bấy giờ, bên cạnh nghề chính là làm nông nghiệp.
“Làm cái nghề ý sợ lắm, nhiều trường hợp vô tình làm rơi vật gì vào chỗ thuốc pháo cũng dẫn đến cháy nổ ngay. Như mẹ tôi, khi xê dịch ngòi pháo phơi trên sào, một chút ma sát mà thuốc pháo cháy bỏng cả vùng mặt” - bà Sứ nhớ lại ký ức những ngày tai nạn, thương tích xảy ra là cơm bữa trong làng.
Cũng theo bà Sứ, khi mô hình hợp tác xã giải tán thì người dân Bình Đà chuyển sang tự sản xuất pháo tại nhà.
Trẻ con thì tiêm pháo, cuộn pháo, còn những người trung niên có nhiều kinh nghiệm hơn thì đổ thuốc... Quanh làng, đi đâu cũng ngửi thấy mùi thuốc pháo.
“Cái nghề ấy, lãi lời chẳng được bao nhiêu mà nguy hiểm vô cùng. Đã bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra, như trường hợp của gia đình ông S., khi 2 vợ chồng tử nạn lúc vào thuốc pháo, để lại các con nhỏ cho họ hàng chăm sóc. Nhưng thời đó mọi người vẫn cho rằng khó từ bỏ cái nghề đã gắn bó nhiều đời” - bà Sứ nhớ lại.
Ông Ngô Văn Sơn kể lại, người làm pháo ngày xưa được ví von như “cưỡi trên lưng hổ” (Ảnh: Nguyễn Trường).
Còn theo ông Ngô Văn Sơn (70 tuổi, trú tại thôn Chợ, làng Bình Đà), nghề làm pháo vẫn được mọi người ví von như nghề “cưỡi trên lưng hổ”. Nghịch lý là đa phần người dân làng Bình Đà làm pháo thuê cho các hộ có điều kiện nên cuộc sống mãi ở cảnh nghèo túng.
Chính vì thế, nhiều người làm thuê “rũ áo chưa hết mùi khét đã hết tiền mà chết lúc nào không biết”.
“Nếu vẫn lao đầu vào làm mấy quả pháo thì không biết đời sống người dân sẽ thế nào? Khi Nhà nước cấm pháo, chúng tôi cũng hụt hẫng lắm. Thế nhưng, nhờ sự năng động, tìm tòi những hướng làm ăn kinh tế mới, cuộc sống người dân nơi đây cũng khá dần lên” - ông Sơn chia sẻ.
Không còn tiếng pháo, cuộc sống khấm khá hơn
“Nghệ nhân” một thời nổi tiếng về nghề làm pháo, ông Nguyễn Văn Kíp (86 tuổi, trú tại thôn Chua, làng Bình Đà) kể, bản thân ông biết làm pháo từ năm 12 tuổi.
Dù chia tay với nghề pháo đã 25 năm nhưng khi nhắc lại ông Kíp vẫn nhớ như in công thức, quy trình làm các loại pháo.
“Không hiểu vì sao những tiếng nổ đinh tai từ quả pháo thời kỳ đó lại có sức hút như vậy. Vào ngày tết, người ta bán pháo khắp làng. Pháo được phục vụ vào những ngày vui, dịp tết, cả đám cưới nữa” - ông Kíp kể.
Ông Nguyễn Văn Kíp - “Nghệ nhân” một thời nổi tiếng về nghề làm pháo ở làng Bình Đà (Ảnh: Nguyễn Trường).
Theo ông Kíp, dù dân làng Bình Đà gắn bó với nghề pháo nhiều năm nhưng không mấy nhà khấm khá, đa phần cuộc sống của mọi người rất thiếu thốn. Và, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg, người dân nơi đây đã rất vất vả để “chuyển nghề”.
Thế nhưng, được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của thôn, làng, ông Kíp thừa nhận lệnh "cấm pháo" là một chính sách đúng đắn, kịp thời.
“Làng Bình Đà sau khi bỏ nghề pháo không còn những tai nạn thương tâm nữa. Cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn rất nhiều. Người người xây nhà cao, cửa rộng. Sức khỏe người dân cũng được cải thiện, tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hóa chất độc hại không trầm trọng như xưa” - ông Kíp chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Trí - Trưởng Công an xã Bình Minh cho biết, năm nào cũng vậy, những tháng giáp Tết, chính quyền xã lại tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị số 406/TTg qua hệ thống truyền thanh xã, và khẩu hiệu.
“Giờ đây, người dân Bình Đà đã đoạn tuyệt hẳn với nghề pháo để xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên hơn. Lực lượng công an xã, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn để tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ” - ông Trí khẳng định.
Nguyễn Trường