Quảng Bình:
Dân kiệt quệ vì lũ lên xuống thất thường
(Dân trí) - Trận mưa lớn trên toàn tỉnh Quảng Bình trong đêm 18 và ngày 19/10 khiến người dân vừa tạm thở phào đã phải cuống cuồng chạy lũ, 3 trận lũ lớn nhỏ trong vòng 15 ngày khiến người Quảng Bình kiệt sức.
Mưa đổ, lũ lên
Từ đêm 18 đến cuối ngày 19/10, trận mưa lớn lại đổ xuống đầu người dân vùng lũ Quảng Bình trên diện rộng, đặc biệt ở các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Trận mưa khiến mực nước trên sông Kiến Giang lại lên mạnh, “chạm” mức báo động III. Nước sông Gianh cũng đã vượt báo động II trong sự lo lắng tột độ của hàng vạn người dân.
Dân Quảng Bình chưa kịp thở sau trận siêu lũ đã phải dọn đồ chạy lũ mới.
Tại huyện Lệ Thủy, nước lên nhanh đến lần thứ 3 trong vòng 15 ngày khiến nhiều xã vùng trũng như thị trấn Kiến Giang, xã Lộc Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Hồng Thủy… bị ngập nặng. Nhiều xã trong huyện nước chưa kịp rút khỏi nhà dân sau hai trận lũ trước nay đã lên lại khiến hàng nghìn hộ dân sống trong cảnh nước ngập nhà suốt hơn 2 tuần.
“Do nước vẫn còn ứ ở các vùng trũng nhiều, nên chỉ cần một trận mưa lớn là dâng lên lại không cách gì rút được”, ông Thảo cho biết.
Đến nay, sau 15 ngày, con đường độc đạo vào với 3 bản người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) là bản Ón, Mò Ô Ồ Ồ và Yên Hợp bị chia cắt hoàn toàn, thông tin liên lạc bị cắt đứt nên chưa rõ cuộc sống của người dân đây bị ảnh hưởng như thế nào. Rất may, trước mưa lũ đồn biên phòng “cắm bản” ở đây đã cất trữ 30 tấn gạo để sẵn sàng cứu dân trong những ngày bị chia cắt.
Xã Tân Hóa, nơi 3.000 người dân vừa rời hang đá trở về nhà trong hoang tàn, đổ nát đã có 2 thôn Rị Rị và thôn 5 bị nước ngập trở lại vào chiều 19/10. Đường vào xã Tân Hóa sau 3 ngày tạm thông đã bị chia cắt trong nước. “Xã đang khẩn trương cùng dân thu gom lương thực cứu trợ, sẵn sàng di chuyển dân và số trâu bò còn sống sót lên điểm cao và hang đá nếu nước tiếp tục lên”, ông Cao Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy Tân Hóa nói.
Tại xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), tuyến đường vào xã sau hơn 10 ngày bị hỏng vừa được khắc phục sơ để tăng bo hàng cứu trợ nay đã bị chia cắt trở lại sau trận lũ vừa qua. Mưa lớn cũng khiến hàng chục xã ven sông Gianh của huyện Tuyên Hóa (Châu Hóa, Văn Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa…) và Quảng Trạch (Quảng Trung, Quảng Tân, Quảng Hải, Quảng Minh…) bị ngập trở lại. Có nhiều xã nước đã ngập liên tiếp 15 ngày, người dân trông cậy hoàn toàn vào hàng cứu trợ để duy trì cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Nhàn (xã Quảng Minh) đã 15 ngày nay ở trên bến đò vì căn nhà bị lũ cuốn trôi.
Hiện sau 3 đợt nước lên liên tiếp và thời tiết vẫn diễn biến phức tạp khiến tỉnh Quảng Bình phải duy trì khoảng 500 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, công an cùng hàng chục canô, xuồng cao tốc, trạm y tế lưu động ở các điểm xung yếu sẵn sàng giúp dân chạy lũ khi cần thiết.
Hàng trăm chiến sỹ bộ đội nhiều ngày ăn ở cùng dân vùng lũ
giúp họ dựng lại nhà cửa và sơ tán dân lúc lũ lên lại.
“Trước mắt tình hình tạm trong khả năng kiểm soát, song hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử vừa qua khiến người dân kiệt quệ. Quảng Bình cần sự giúp đỡ của Trung ương và toàn xã hội để giúp dân vượt qua trận lũ này” - ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCLB tỉnh Quảng Bình cho biết.
Giao thông báo động
Đến cuối ngày 19/10, hai tuyến huyết mạch QL1A và đường Hồ Chí Minh nhánh đông đã thông tuyến. Mặc dù vậy hệ thống đường sá ở Quảng Bình đã bị tàn phá quá lớn sau lũ. Trên đường Hồ Chí Minh, toàn tỉnh có đến hơn 20 điểm sạt lở lớn nhỏ, có nơi có một góc quả núi sà xuống lòng đường khiến các lực lượng duy tu gặp khó khăn. Các điểm sạt lở chỉ được thông tuyến đủ một làn xe đi, nên nguy cơ ùn tắc trở lại khi mưa lớn là khó tránh khỏi.
Một điểm xói mòn "ăn" đến nửa lòng đường trên QL12A.
Đoạn qua thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa), nước vẫn ngập và không ngừng dâng khiến giao thông ùn ứ cục bộ.
Trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, các đoạn qua vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng và xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bị sạt lở nặng chưa xử lý kịp, khiến nhiều vùng dân cư dân tộc như Mày, Arem, Vân Kiều bị chia cắt, công tác cứu trợ khó khăn.
QL12A, tuyến huyết mạch nối từ QL1A qua huyện Quảng Trạch lên hai huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa và Cửa khẩu Cha Lo bị hư hỏng nặng hàng chục điểm. Đoạn từ thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) lên Quy Đạt (Minh Hóa) xuất hiện vết nứt lớn ngay giữa tim đường và một đoạn sụt lún dài hơn 10m. Ngành giao thông đã đặt biển báo tạm, song với lưu lượng xe cộ hiện tại cộng với địa chất yếu sau những trận mưa kéo dài khiến nguy cơ sụt đường, đồng nghĩa với việc có thể chia cắt hoàn toàn huyện nghèo Minh Hóa.
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã và các đường dân sinh nhiều đoạn bị trôi ngầm, xói mòn toàn bộ hoặc bị lũ cuốn trôi cả mảng đường. Theo Phòng Quản lý Giao thông - Sở GTVT Quảng Bình: hiện vẫn còn hàng chục điểm bị hư hại phương tiện chưa thể lưu thông được.
Sở GTVT đang nỗ lực khắc phục bước một để tạm lưu thông phương tiện phục vụ công tác PCLB, cứu trợ, cứu nạn. Theo ước tính ban đầu, chỉ tính riêng đợt lũ đầu thiệt hại của ngành GTVT Quảng Bình đã lên tới gần 170 tỷ đồng. Theo Sở này, hiện chưa thể nói trước thời gian cần để khắc phục xong các thiệt hại, và cần sự hỗ trợ từ Trung ương vì thiệt hại vượt quá tầm xử lý của Sở.
Những sự cố trên diện rộng của hệ thống đường sá không chỉ khiến ngành GTVT Quảng Bình gặp khó mà công tác cứu trợ, cứu nạn gặp thách thức, việc khắc phục thiệt hại sau lũ bị chậm tiến độ. Theo thống kê mới nhất của tỉnh Quảng Bình, hai trận lũ liên tiếp đã khiến tỉnh này thiệt hại khoảng 2.400 tỷ đồng, với 53 người chết và hơn 10 người mất tích.
Quảng Bình chủ động “đón” siêu bão Megi Ngay trong ngày 18/10, song song với việc chống lũ, BCH PCLB tỉnh Quảng Bình đã triển khai công tác phòng chống siêu bão Megi. Đến ngày 20/10, toàn bộ 4.600 tàu thuyền đã vào bờ tránh bão, trong đó có hơn 100 tàu của các tỉnh bạn với 902 ngư dân đang neo đậu ở âu thuyền cảng Gianh. BCH PCLB tỉnh cũng chỉ đạo các huyện thông báo nhân dân gia cố nhà cửa, sẵn sàng lương thực, nhu yếu phẩm vừa được cứu trợ để phòng khi lũ và bão cùng ập đến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa có công văn chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ của chính phủ và các tổ chức, cá nhân kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, không để xảy ra sai sót, tránh lợi dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Tỉnh ủy yêu cầu UBMTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, các sở, ban, ngành liên quan tích cực giám sát hoạt động này. |
Hồng Kỹ