1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Dân khu quy hoạch "treo" thấp thỏm đón tết

Trong khi dân Bình Quới đã đón cái tết thứ 16 thì dân quận 2 mới đón tết thứ bảy, kể từ khi nơi họ sống được liệt vào dạng “quy hoạch treo”. Riêng dân quận 8 thấp thỏm chờ đợi năm sau sẽ được xoá treo.

Dân khu quy hoạch "treo" thấp thỏm đón tết - 1
Gia đình gần 10 người sống trong túp lều này suốt bảy năm nay do dự án khu công nghiệp cảng Cát Lát, Q.2 bị treo

Ở tạm ngay tại nhà mình

Gia tài của gia đình bà Ngô Thị Mai (số 15/6 đường Bình Quới) là căn nhà lá, vách đất xây dựng hơn 20 năm. Bà cho biết, cách đây ít năm, gom được ít tiền, bà định làm lại nhà, thì chính quyền cho biết khu vực này đã được quy hoạch, không được xây dựng. Ước mơ sửa căn nhà cho đàng hoàng đón tết của ông Nguyễn Hoàng Châu và hàng trăm hộ dân khác tại phường 28, quận Bình Thạnh cũng không thực hiện vì vướng quy hoạch. “Nhà cửa thế này thì đón tết làm sao?”, ông Châu hỏi.

Dự án khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (P.28, Q. Bình Thạnh, TPHCM) có diện tích gần 427ha, với hơn 10.000 người thuộc 2.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là dự án có thâm niên “treo” lâu nhất thành phố: 16 năm, hai lần treo.

12 năm sau khi công bố quy hoạch nhưng không thực hiện được, năm 2004, UBND thành phố thu hồi khoảng 410ha, tạm giao đất cho tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2005, hoàn tất 2006.  Kể từ khi được tạm giao đất đến nay, hầu như chủ đầu tư, ngoài việc đo đạc, cắm mốc, trình nhiệm vụ quy hoạch, không có thêm động thái gì để triển khai dự án. Công tác đền bù giải toả chưa tiến hành một bước nào.

So với dân khu Bình Quới – Thanh Đa, người dân sinh sống trên đất thuộc dự án cảng khu công nghiệp Cát Lái quận 2, đỡ khổ hơn vì mới chịu quy hoạch treo có bảy năm. Dự án được thành phố phê duyệt từ năm 2002, nhưng hiện nay, vẫn ở hiện trạng ban đầu. Điểm khác là, những mảnh ruộng màu mỡ, mỗi năm trồng được hai vụ lúa, nay lọt trong 69ha khu quy hoạch biến thành hoang hoá, cỏ mọc lút đầu người. Người dân từ chủ đất nay trở thành những người làm thuê, làm mướn với đủ các loại nghề, với ước mong: có được bát cơm ăn ngày hai bữa.

Cả gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, với gần chục nhân khẩu sống tạm bợ trong một túp lều. Đồ đạc trong nhà, không gì ngoài một tấm ván kê cao làm nơi ngủ, nơi ăn uống, sinh hoạt của gia đình. Đó là chưa kể mỗi chiều nước ngập, cuốn theo rác, chất bẩn từ nơi khác tới. Khi được hỏi chuẩn bị gì cho tết, bà chua chát nói: “Đến miếng ăn còn không đủ, lấy gì đón tết!”.

Quyết tâm xoá “treo”

Năm 2009, lãnh đạo quận 8, TPHCM quyết tâm xóa hết các dự án treo trên địa bàn. Bởi như lời trần tình của một vị lãnh đạo địa phương, họ “cảm nhận được nỗi vất vả của người dân sống trong dự án treo”. Theo thống kê, riêng ban quản lý khu đô thị Nam Sài Gòn được chấp thuận thực hiện sáu dự án trên địa bàn quận 8. Tròn 17 năm qua, trong tổng diện tích khoảng 230ha, mới có khoảng 102ha đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Khu phố 6 phường 7, quận 8 có 100% hộ dân bị ảnh hưởng của quy hoạch “treo”. Ông Nguyễn Văn Lâm, hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án khu D – đô thị Nam Sài Gòn, bức xúc: “Bao nhiêu năm qua, người dân sống trong cảnh ngập úng, đường sá thì hư hại”.

Lý giải dự án bị treo nhiều năm trời, ông Nguyễn Minh Sỹ, trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận 8, nói: “Vướng mắc chủ yếu chỉ là mức giá đền bù chưa thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân”.

Từ năm 1996, hội đồng Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận 8 nhiều lần đưa phương án và mức giá đền bù nhưng chưa thống nhất được. Ông Sỹ thừa nhận quy hoạch “treo” khiến đời sống người dân rất khó khăn và quyết tâm sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2009.

Theo An Vũ Nguyên
Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm