Bình Định:

Dân "khát" nước sạch vì nhà cách xa đường ống dẫn nước!

(Dân trí) - Trong khi hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi từ Dự án cấp nước - vệ sinh do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ thì nhiều hộ dân ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn dài cổ chờ nước sạch vì nhà cách xa đường ống dẫn nước.



Dự án Cấp nước và vệ sinh (DA CN&VS) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ thực hiện tại tỉnh Bình Định. Tổng số vốn đầu tư 8,95 triệu Euro, trong đó Vương quốc Bỉ tài trợ 7,5 triệu Euro (thông qua Cơ quan phát triển Vương quốc Bỉ tại Việt Nam).

Theo đó, năm 2012 tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước huyện Phù Cát, công suất 5.600 m3/ngày đêm, gồm các hạng mục: Nhà máy xử lý nước đặt tại xã Cát Nhơn, trạm bơm tăng áp đặt tại xã Cát Chánh; hệ thống đường ống dài gần 20 km dẫn nước từ nhà máy đến 7 xã thuộc 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 117 tỉ đồng; trong đó dự án tài trợ 73 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Bình Định, huyện Phù Cát và một phần do nhân dân đóng góp.

Dân khát nước sạch vì cách xa nhà máy nước
Nhà máy nước sạch Phù Cát do Chính phủ Vương quốc Bỉ hỗ trợ hoạt động cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước

Năm 2013, công trình cấp nước Phù Cát hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trên 84.00 hộ dân của 7 xã gồm: Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng (huyện Phù Cát) và Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) được hưởng lợi từ công trình này. Thực tế cho thấy, dự án cấp nước sạch đã góp phần cải thiện đời sống, sản xuất của người dân tại các địa phương vùng dự án. “Từ khi có nhà máy nước sạch, nước sạch về tận nhà, tận các hộ dân. Chúng tôi được hỗ trợ đường ống dẫn nước đến đồng hồ, còn từ đồng hộ người dân phải bỏ tiền khoảng 400-500 ngàn là có nước sạch dùng thoải mái. Nước thoải mái nhưng giá nước còn hơi cao 5.500/ khối nên người dân cũng phải dùng tiết kiệm”, ông Mai Văn Hòa (ở thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), phấn khởi.

Thế nhưng, một điều bất cập còn tổn tại đến nay là trong khi phần lớn hộ dân 7 xã của 2 huyện này được hưởng lợi từ nhà máy nước sạch Phù Cát thì vẫn còn vài chục hộ dân các thôn Lạc Điền, Lương Bình (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) vẫn dài cổ đợi nước sạch với lý do nhà cách xa đường ống dẫn nước sạch. Hiện những hộ dân vẫn sống chung với cảnh đi mua nước sạch về dùng, còn nước sinh hoạt cho tắm giặt vẫn dùng nước giếng nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng, thậm chí là nước mương ô nhiễm.

Dân khát nước sạch vì cách xa nhà máy nước
Dù vậy vẫn còn nhiều hộ dân ở các thôn Lương Bình, Lạc Điền (huyện Tuy Phước) vẫn phải dùng nước giếng ô nhiễm vì nhà cách xa đường ống dẫn nước sạch

Có mặt tại đội 5, thôn Lương Bình, dù đoạn đường chỉ cách khoảng 300m từ nhà đến đường ông dẫn nước sạch nằm ngay trên trục đường chính liên thôn nhưng 4 hộ dân ở đây vẫn không có nước sạch dùng. Nguồn nước sinh hoạt chính của các hộ này dựa vào cái giếng đào ngay sát mương thủy lợi nhưng bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, xác súc vật… Bà Lê Thị Mai (72 tuổi, thôn Lương Bình), bức xúc: “Nghe nói dự án nước sạch do nước ngoài tài trợ dân mừng lắm, cũng chẳng hiểu tại sao các hộ ở trung tâm thì có nước sạch dùng, còn mấy hộ dân ở đây đến nay vẫn chưa có. Tôi giờ ở có một mình lại già cả không đi mua nước sạch nấu ăn nên phải nhờ chị cạnh nhà mua về rồi xin nấu ăn. Hôm nào hết nước, xin hàng xóm không có tôi phải ra giếng ở gần mương lấy nước về rồi về lọc sơ qua cát để nấu ăn tạm nên bị đau bụng, tiêu chảy là chuyện thường. Thậm chí, đến  việc giặt quần áo từ nguồn nước này mà còn bị lở loét hết tay chân”.

Chị Mai Thị Thi, người cũng trong xóm  này nói thêm: “Giếng này là nguồn nước sinh hoạt từ nhiều năm nay của mấy hộ dân chúng tôi ở đây. Thế nhưng nhiều năm nay, giếng ô nhiễm do xác động vật chết ở đâu trôi về ứ đọng dọc kênh gần giếng, rồi nuôi vịt dọc mương khiến nước bị ô nhiễm nặng, biết vậy nhưng vẫn nhắm mắt dùng”.

Đó là số ít hộ ở thôn Lương Bình, hiện nay hơn 20 hộ dân ở thôn Lạc Điền cùng xã này cũng đang trong tình trạng đi mua nước sạch về dùng. Ông Nguyễn Bảy, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Lạc Điền, cho biết: hiện vẫn còn 3 xóm với 21 hộ ở đội 5 trong thôn vẫn chưa có nước sạch để dùng. Dù chỉ còn cách đường ống nước sạch khoảng 400 m nhưng không có cách nào để đưa nước về nhà. Muốn có nước sạch chúng tôi phải bỏ tiền mua ống dẫn về trong khi đó chi phí quá cao người dân không kham nổi đành chấp nhận cảnh đi mua nước sạch về dùng. Tôi cũng chẳng hiểu đây là vùng trũng, mọi thứ ô nhiễm đổ về đây vậy mà không được ưu tiên. Nhiều lần bà con có ý kiến lên chính quyền xã mà nghe nói dự án đã hết hỗ trợ nên lại phải chờ”.

Chỉ giặt đồ mà chân tay bà Mai cũng bị lở loét vì nước ô nhiễm
Chỉ giặt đồ mà chân tay bà Mai cũng bị lở loét vì nước ô nhiễm

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Toàn xã Phước Thắng có 2.826 hộ dân, đến nay có 96% số hộ dân được sư dụng nước sạch do nhà máy nước Phù Cát cung cấp. Tuy nhiên, vẫn còn số ít hộ do ở xa đường ống dẫn nước; thứ hai do dự án không còn hỗ trợ nên số hộ dân này vẫn phải tiếp tục cảnh đi nơi khác mua nước sạch dùng. Địa phương cũng rất đau đầu nhưng ngân sách địa phương hạn hẹp không thể giải quyết nỗi bức xúc của người dân. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên để sớm giải bài toán khó này.

Doãn Công