1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Yên Bái:

Dân hoang mang vì bị quy kết phá rừng

(Dân trí) - Hàng chục năm sau khi nhận đất rừng từ chính quyền, người dân xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Cuộc sống đang yên ổn thì bất ngờ dân nhận được tin: khu đất rừng họ vẫn sản xuất hiện thuộc diện rừng phòng hộ - khoanh nuôi tái sinh, đồng nghĩa với việc mọi hành động khai thác rừng đều phạm pháp.

Bí thư xã khóc dở mếu dở

 

Mấy tháng trở lại đây, dân bản xứ tá hoả tam tinh khi hay tin khu đất mình được giao và đã trồng rừng hàng chục năm nay lại thuộc đất rừng khoanh nuôi - tái sinh. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động trồng rừng là vi phạm pháp luật.

 

Hơn chục hộ dân tại thôn 15 sống trong cảnh hoang mang. Họ phải đối mặt với việc không những có thể sẽ mất đất rừng sản xuất mà thậm chí còn trở thành đối tượng vi phạm pháp luật.

 

Ông Triệu Quốc Đinh - Bí thư xã Tân Hợp, người được biết đến là “triệu phú nông dân” ở đất Tân Hợp với thành tích làm giàu từ đồi rừng (đã được về trung ương báo cáo thành tích năm 2006) - đang lâm vào cảnh khóc dở mếu dở khi bị một số nguồn tin cho rằng ông đang phá nhiều ha rừng phòng hộ - khoanh nuôi.

 

Kiểm lâm huyện Văn Yên xác định ông Đinh đã xâm phạm rừng phòng hộ - khoanh nuôi khi phát hiện ông cho công nhân trồng cây, phát rẫy trên phần đất đã được huyện cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ). 

 

Thực tế, phần đất đã này được chủ cũ là ông Bàn Văn Máy canh tác từ năm 1996 (ông Đinh mua lại của ông Máy năm 2005), còn rừng tái sinh được quy hoạch năm 1999. Vụ việc xảy ra khiến cho người dân được giao rừng nhất loạt lo lắng. Cứ như trường hợp của ông Đinh thì trong xã còn cả chục hộ khác cũng đang... xâm phạm rừng phòng hộ.

 

Dân hoang mang cực độ

 

Theo tìm hiểu của PV, bắt đầu từ năm 1995, theo chủ trương của Nhà nước vận động nhân dân làm vườn rừng phát triển kinh tế, huyện Văn Yên mà đại diện là chính quyền xã Tân Hợp, đã giao nhiều lô đất rừng cho người dân sở tại.

 

Trong hai năm 1995-1996, những hộ dân có nguyện vọng đều được chính quyền xã lần lượt giao đất trồng rừng, cấp “sổ xanh” theo đúng quy định Nhà nước.

 

Theo người dân, nguyên nhân của sự rắc rối này là do năm 1999, kiểm lâm huyện Văn Yên vẽ lại mốc giới địa chính của rừng khoanh nuôi tái sinh đã “sơ ý” gộp luôn diện tích hơn 80ha của các hộ dân đang trồng rừng sản xuất kinh doanh vào. Các hộ dân không hề biết điều này nên vẫn ổn định sản xuất đến tận năm 2007, thời điểm xảy ra vụ việc của ông Triệu Quốc Đinh.

 

Hiện diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh được kiểm lâm huyện Văn Yên bàn giao cho Lâm trường Văn Yên trên sổ sách là 150ha. Trên thực tế, diện tích này vẫn còn nguyên vẹn, đang được giao cho 5 hộ dân bảo vệ, quản lý với tiền công là 750.000đ/năm.

Các hộ dân dần dần đi vào ổn định sản xuất. Đa phần người ta trồng quế, keo, bồ đề... vốn là những lâm sản thế mạnh của Yên Bái. Việc trồng cây gây rừng đã ổn định được hơn 10 năm nay. Nhiều hộ dân đi lên nhờ đồi rừng, có gia đình đã rục rịch mua ôtô, mở rộng sản xuất.

 

Đến năm 1999, huyện quy hoạch 150ha đất rừng thành rừng phòng hộ - khoanh nuôi. Tuy nhiên, mốc giới đến đâu, phần rừng đã cấp cho dân có bị “phạm” vào diện tích 150ha đó hay không, dân có phải trả rừng cho huyện hay không... Không một người dân nào nhận được thông báo, tất cả vẫn sản xuất bình thường. 

 

Và đến thời gian gần đây, khi đoàn công tác của huyện vào thực địa rừng thì một số người dân mới bổ ngửa khi hay tin: mình đang phá rừng tái sinh mà không hề biết.

 

Đại diện cho bà con, ông Trần Đình Lợi trưởng thôn 15 nói: “Các hộ dân trong thôn đã nhận đất, sản xuất từ năm 1995, không có tranh chấp gì. Số đất rừng được giao, các hộ dân đều tiến hành trồng cây, đa phần là quế, bồ đề, cuộc sống đã có phần khấm khá. Gần đây lại thấy nói rừng đó là tái sinh, chúng tôi thật bất ngờ và lo lắng vì chúng tôi đã làm rừng ổn định cả 10 năm nay rồi, tiền của công sức đổ vào rừng không biết đâu mà kể. Giờ nếu huyện xác định đó là rừng tái sinh thì không những chúng tôi bỗng nhiên thành vi phạm pháp luật, mà còn trắng tay”. 

 

Huyện cũng băn khoăn về địa giới

 

Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Xuân Hoà, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hợp cho biết: “Việc bức xúc của người dân ở thôn 15 là có. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên huyện, đề nghị làm rõ diện tích đất rừng đâu là thuộc vùng không được xâm phạm, đâu là thuộc vùng khai thác kinh tế, để người dân sớm ổn định cuộc sống, không phải sống cảnh hoang mang như hiện nay”.

 

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch xã Trương Văn Gạo cũng cho rằng huyện cần có những chỉ đạo rõ ràng để xã có cơ sở ổn định tinh thần bà con. Hiện tại xã đã nhận được nhiều đơn kiến nghị về việc này.

 

Quay trở lại vụ việc của ông Triệu Quốc Đinh, Chủ tịch huyện Trần Thế Hùng có ý kiến: “Huyện đã lập đoàn kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý đúng người, đúng tội. Thế nhưng quan điểm của chúng tôi là đất trống đồi núi trọc dứt khoát phải để người dân canh tác”.

 

Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm huyện Văn Yên, ông Nguyễn Đức Việt, lại tỏ ra ngỡ ngàng khi biết có cả chục hộ khác cũng đang phát rẫy, trồng rừng bên cạnh phần rừng được cho là vi phạm.

 

Trong khi huyện Văn Yên vẫn loay hoay với các mốc địa giới, chưa thể phân định rõ ràng thì những hộ dân ngày càng nóng lòng. Những đơn thư gửi về xã, huyện ngày càng nhiều hơn. 

 

Trước thực tế này, để sớm ổn định cuộc sống nhân dân, cơ quan kiểm lâm Tỉnh Yên Bái và cơ quan chức năng huyện Văn Yên cần nhanh chóng thông báo cụ thể tới nhân dân những phân định rõ ràng về mốc lộ giới, đâu là rừng tái sinh đã được quy hoạch, đâu là rừng phát triển kinh tế, để người dân thoát cảnh hoang mang lo lắng như hiện nay.

 

Bảo Trung