Hiện nay tình tạng lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép diễn ra tràn lan ở các huyện ven đô Hà Nội. Việc xử lý chậm chạp dẫn tới đất bị lấn chiếm được tung ra thị trường mua đi bán lại khiến cho việc thu hồi đã khó lại càng khó hơn.
Một thôn mới không có tên trong quản lý hành chính của xã mọc lên trên cánh đồng ngô ở xã Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội
Những ngôi nhà cao tầng trên đất nông nghiệp
Tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai (Hà Nội), vùng đất ven bãi bồi sông Đáy, là hàng chục nóc nhà mọc lên từ nông nghiệp. Đường đổ bê tông, những hàng cột điện chạy dài, đôi lúc lại thấy những ngôi nhà cao tầng nổi bật giữa những ruộng ngô.
Trong vai một người muốn mua đất để đầu tư, theo chân một "cò" đất tên T., tôi được dẫn vào tận khu “muốn mua kiểu gì cũng có”. T. cho hay, giá đất đang dao động từ 6 đến 8 triệu/m2, thủ tục chỉ có giấy viết tay chuyển nhượng.
Nhìn vào những ngôi nhà bê tông cao 2-3 tầng, T. khẳng định chắc nịch: “Giờ nó thành một thôn trong xã rồi. Sổ đỏ sớm hay muộn gì chính quyền cũng cấp thôi”.
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội mới đây cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 788 công trình xây dựng trái phép. Điều đáng lo ngại là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, đất công, đất 5% ở các huyện ngoại thành chiếm tỷ lệ lớn, với 65%. Trong đó, huyện Quốc Oai có số vụ vi phạm nhiều nhất: 382 vụ, riêng xã Phượng Cách là 187 trường hợp. |
Theo quan sát của PV thì đây là một thôn định cư đúng nghĩa khi đường dây điện được mắc tới tận nhà. Trong “thôn lấn chiếm” này, khoảng cách giữa các ngôi nhà khá xa, xen kẽ giữa những ngôi nhà cao tầng là những khoảng ruộng ngô xanh mướt.
T. giới thiệu đây là vùng đất bãi, là đất 1 vụ lúa, 2 vụ màu. Theo quy định thì diện tích đất này chỉ cho phép xây dựng nhà cấp 4 để trông coi hoa màu và chăn nuôi. Tuy nhiên vẫn có nhiều ngôi nhà cao tầng bề thế được dựng lên ở đây, bởi vậy nó đã trở thành một thôn dân cư không có tên gọi trong xã.
Một số người dân nói rằng, việc xây dựng nhà trên vùng đất bãi ở Phượng Cách đã có từ nhiều năm trước. Mẹo chiếm đất là: “Ban đầu mình chỉ xây dựng tường bao, rồi công trình nhỏ, rồi dần nhà xây sau to hơn nhà xây trước”. Cứ thế hình thành nên một “bộ mặt” mới cho vùng đất bãi này.
Hợp thức hóa đất sai phạm vì xử lý tốn kém, phức tạp!
Với những ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng, Chủ tịch xã Phượng Cách cho biết chính quyền nắm được nhưng chưa cưỡng chế trường hợp nào
Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND xã Phượng Cách, ông Nguyễn Đắc Hải, thừa nhận có những trường hợp người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đặc biệt là khu bãi bồi sông Đáy. “Tình trạng người dân lấn chiếm đất sai phép diễn ra từ lâu nhưng chính quyền không xử lý. Tôi mới làm chủ tịch xã một năm thì những sự việc này đã xảy ra rồi”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, khi phát hiện sai phạm, xã cũng có lập biên bản yêu cầu tháo dỡ nhưng tới nay vẫn chưa có hộ dân nào tự ý tháo dỡ và xã cũng chưa tiến hành cưỡng chế tháo dỡ bất cứ hộ dân nào.
Về phương án xử lý những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Phượng Cách, ông Hải cho biết: “Cưỡng chế chỉ là giải pháp thứ hai. Giải pháp ưu tiên là xã mong muốn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể chuyển đổi mục đích sử dụng của diện tích đất có công trình xây dựng trái phép này, vì nếu tổ chức cưỡng chế sẽ rất tốn kém và có nhiều nguy cơ dẫn đến mất ổn định trật tự xã hội ở địa phương”.
Xây dựng trái phép tràn lan, kỷ luật hàng loạt cán bộ Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, từ 1/2010 đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có 1.104 trường hợp lấn chiếm đất đai để xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công; 490 trường hợp xây dựng không phép; 100 trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp; 6 trường hợp xây dựng gây lún nứt, ảnh hưởng đến công trình liền kề và môi trường xung quanh. Hà Nội đã cưỡng chế phá dỡ 601 công trình; yêu cầu tự phá dỡ 294 công trình; đã hoà giải, bồi thường 4 công trình; đang tiếp tục giải quyết 788 công trình. TP Hà Nội cũng kỷ luật hàng loạt các bộ bắt tay “làm ngơ” việc xây dựng trái phép. Năm 2011, UBND quận Hai Bà Trưng đã kỷ luật 4 Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND phường và một số cán bộ thanh tra xây dựng cấp phường, cấp quận; tại quận Ba Đình đã khiển trách 4 Chủ tịch UBND cấp phường và thanh tra xây dựng; tại quận Tây Hồ xử lý kỷ luật 3 Chủ tịch phường, 1 Bí thư phường và thanh tra xây dựng. |
Thông Chí