1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dân bức xúc với chung cư “độc quyền”

Hàng loạt hộ dân mua nhà tại 13 khu chung cư cao tầng ở Hà Nội đang than phiền không được lựa chọn dịch vụ điện thoại, Internet, nước uống tinh khiết... theo ý muốn. Thay vào đó họ phải dùng những dịch vụ độc quyền do các ban quản lý chung cư ký kết với nhà cung cấp dịch vụ.

Bị... ép xài!

 

Chị Nguyễn Thu Hiền, phòng 1801 chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh, bức xúc: “Trong hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên không có điều khoản nào nói người mua nhà phải sử dụng những dịch vụ a, b, c... sẵn có. Nhưng khi chúng tôi vào ở phải dùng từ dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ Internet, nước uống tinh khiết... do ban quản lý khu nhà “chuẩn bị” sẵn, không được dùng thương hiệu khác mà mình muốn”.

 

Theo chị Hiền, nhiều người ở khu này tưởng được dùng dịch vụ viễn thông, Internet và nhiều dịch vụ khác theo ý thích nên đã liên hệ xin lắp đặt. “Mới đây tôi lên Bưu điện Hà Nội liên hệ xin lắp đặt dịch vụ điện thoại của VNPT nhưng bị trả lại. Họ trả lời rằng Bưu điện Hà Nội “không vào được” khu nhà này. Hỏi rõ mới được biết khu vực này chỉ có thể lắp đặt dịch vụ điện thoại, Internet của Viettel” - chị Hiền nói.

 

Chị Nguyễn Thị Hương, khu Trung Hòa - Nhân Chính, cho biết ngoài việc phải dùng mạng điện thoại cố định, Internet có sẵn cung cấp cho cả tòa nhà, việc chọn mua nước uống tinh khiết cũng bị hạn chế. Chị Hương kể đôi khi không muốn dùng nước tinh khiết của hãng này, nhưng nếu có gọi hãng khác cũng không mang lên được.

 

Các hộ dân tại các khu đô thị khác như CT8 - CT9 Định Công, I9 Thanh Xuân Bắc, Trung Hòa - Nhân Chính cũng có chung nỗi khổ. “Tại sao khi chúng tôi mua nhà chủ đầu tư không nói trước, về ở rồi mới vỡ ra nhiều chuyện bị hạn chế? Chủ đầu tư, ban quản lý khu nhà nói “không cấm” nhưng khi chúng tôi liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ khác họ đều nói không thể vào lắp đặt dịch vụ được” - một hộ dân bức xúc.

 

Ước tính hiện có khoảng 13 khu đô thị khi người dân muốn lắp đặt điện thoại cố định của Bưu điện Hà Nội đều bị trả về. Đó là khu Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, chung cư N13 Dịch Vọng...

 

Theo các hộ dân, điều bất hợp lý chính ở chỗ chủ đầu tư không đầu tư toàn diện tất cả hạng mục hạ tầng trong khu đô thị. Để giảm chi phí, nhiều chủ đầu tư đã “bán” bớt một số hạng mục cho những đơn vị khác. Những đơn vị này bỏ vốn đầu tư và đương nhiên người mua nhà phải sử dụng “sản phẩm” của họ. Yếu tố bất lợi cuối cùng người mua nhà phải chịu.

 

Sẽ chấn chỉnh?

 

Ông Lê Thanh Thản, giám đốc Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu - đơn vị quản lý khu CT8, CT9 Định Công - cho biết khi đầu tư xây dựng hạ tầng các tòa nhà này, Viettel đã đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông để cung cấp dịch vụ cho các hộ dân, trong khi đó Bưu điện Hà Nội không đăng ký. Toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật viễn thông do Viettel bỏ vốn đầu tư nên quyền khai thác thuộc về họ.

 

Ông Nguyễn Thế Minh, phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư & dịch vụ đô thị Việt Nam - đơn vị quản lý khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính - khẳng định: thứ nhất, không có qui định nào ngăn cấm việc các hộ dân phải sử dụng duy nhất mạng điện thoại của Viettel.

 

Thứ hai, các hộ dân hoàn toàn có thể ký hợp đồng với một nhà cung cấp dịch vụ khác, tuy nhiên vấn đề kết nối phải tuân theo thiết kế hạ tầng của các tòa nhà. Cụ thể, tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính phần bên trong tòa nhà Vinaconex đầu tư đồng bộ theo thiết kế của Vinaconex.

 

Hệ thống đường cáp kết nối, tổng đài và cáp từ nhà chung cư này sang nhà chung cư khác (đường mạng) do Viettel đầu tư bằng nguồn vốn của họ, sau đó đấu nối với hạ tầng chung của cả khu nhà.

 

Theo ông Minh, việc một đơn vị bỏ vốn đầu tư tất yếu họ sẽ toàn quyền quyết định. Vấn đề, nguyện vọng của người dân nhiều nhưng đường mạng chỉ có một nên giữa các đơn vị phải có sự thỏa thuận, hợp tác, thậm chí phải thuê lại đường mạng để cùng khai thác.

 

Việc cung cấp phải đảm bảo theo thiết kế và mỹ quan của cả khu nhà. Các dịch vụ cung cấp cho khu đô thị như nước tinh khiết... đơn vị cung cấp phải đăng ký cụ thể với công ty, sau đó mới được phép cung cấp. Như vậy sẽ tránh được cảnh quá nhiều đơn vị lên tận phòng ở của các hộ “chào hàng” - ông Minh nói.

 

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường & nhà đất, cho biết sẽ tổ chức rà soát và chấn chỉnh việc giới hạn một số dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng như nước tinh khiết... người dân phải được sử dụng theo ý thích. Theo ông Hậu, giải pháp hài hòa để các hộ dân được sử dụng dịch vụ theo nguyện vọng giữa các nhà cung cấp phải có sự thỏa thuận để cùng khai thác.

 

Sở Tài nguyên môi trường & nhà đất cho rằng ngay khi đầu tư xây dựng hạ tầng, chủ đầu tư đã san sẻ một số hạng mục cho các đơn vị khác, trong đó có việc xây dựng mạng cung cấp viễn thông và đó là nguyên nhân khiến các hộ dân không được sử dụng dịch vụ theo ý muốn.

 

Theo Xuân Long, Hoàng Mai
Tuổi Trẻ