Bình Định:
Dân bỏ ruộng hoang vì công ty khai thác vàng gây ô nhiễm
(Dân trí) - Hàng chục ha đất gieo lúa 2 vụ của người dân thôn Phú Hữu, xã Ân Tương Tây, huyện Hoại Ân (Bình Định) phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc vì người dân lo sợ chất thải độc hại từ bãi vàng do công ty Đức Nghĩa đang khai thác chảy thẳng xuống ruộng đồng.
Ruộng đồng bỏ hoang đồng nghĩa với đói nghèo
Không chỉ mối lo lúa chết, dân còn thêm mối lo không biết thứ chất đó nguy hiểm thế nào mà từ khi công ty này về khai thác người dân lội xuống ruộng chân tay bị ăn hết móng, trẻ em thì bị lở loét da...
Theo ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân: “Vụ đông xuân này, người dân thôn Phú Hữu đã bỏ hoang 18 ha ruộng 2 vụ/năm. Do người dân lo sợ nếu có gieo lúa thì lúa cũng chết vì nước thải hóa chất của công ty này. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã về tận địa phươngtuyên truyền, vận động bà con sản xuất nhưng người dân vẫn không chịu”.
Cũng theo ông Tề, để ngăn chặn nạn đói xảy ra đối với người dân thôn Phú Hữu, ngoài tuyên truyền, vận động bà con làm ruộng trở lại, UBND huyện Hoài Ân quyết định hỗ trợ chi phí công làm đất nhưng người dân vẫn quyết không đồng ý.
Được biết, ngày 11/11/2010, UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép cho Cty TNHH Thương mại Đức Nghĩa khai thác quặng vàng tại khu vực xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân với diện tích 11,4 ha; diện tích đất sử dụng các công trình phụ trợ khác là 5,13 ha. Trữ lượng khoáng sản được phép khai thác là 30.065 m3 quặng nguyên khai, tương đương với 364,7 kg vàng và 1.338,7 kg bạc. Thời hạn khai thác trong 9 năm.
Đến tháng 9/2011, Công ty TNHH thương mại Đức Nghĩa chính thức khai thác nhưng kể từ đó đến nay tại thôn Phú Hữu bắt đầu xảy ra những hiện tượng lạ. Người dân làm ruộng thì bị ăn móng chân, móng tay, trẻ em thì bị ngứa và lở loét ngoài da… Người dân phải bỏ ruộng hoang vì sợ không biết trong thứ nước chảy ra ruộng có nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng hay không.
Còn anh Nguyễn Hoàng Hải người thôn Phú Hữu cho biết: “Trước khi công ty Đức Nghĩa về khai thác, chính quyền địa phương và người công ty về tận địa phương tổ chức họp dân để trấn an về công tác đảm bảo môi trường sống cho người dân. Nhưng khi người dân lên tận bãi vàng kiểm tra, chứng kiến quy trình sản xuất hoàn toàn không đúng quy trình như đã nói. Chỉ thấy ba hố được đào sâu dưới nền rải thứ bột trắng, quanh các hố được lót tạm bợ bằng những bao tải nên người dân lo lắng”.
Không chỉ có người dân thôn Phú Hữu mà hàng ngàn hộ nông dân huyện Hoài Ân cũng đang e ngại vì nguồn nước từ bãi vàng sẽ chảy về sông Kim Sơn. Nước từ sông Kim Sơn phục vụ nước sản xuất cho hàng trăm ha ruộng, nếu nguồn nước bị nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của dân.
Ngày 23/12 vừa qua, hàng trăm người dân thông Phú Hữu lại tiếp tục kéo lên bãi vàng, đập phá lán trại, máy móc, thiết bị khai thác vàng của công ty Đức Nghĩa. Buộc công ty này phải chấm dứt khai thác, đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định đình chỉ hoạt động khai thác vàng của công ty này. Sự việc diễn ra căng thẳng khiến lực lượng công an huyện phải vào cuộc can thiệp.
Được biết, toàn thôn Phú Hữu với hơn 500 hộ với hàng ngàn nhân khẩu. Trong đó riêng xóm 4 thôn Phú Hữu với 73 hộ dân, diện tích không gieo sạ lúa vụ này khoảng 18 ha, chưa kể là các thôn khác. Người dân nơi đây quanh năm sống gắn bó với ruộng đồng; để ruộng hoang đồng nghĩa với đói nghèo.
Trước việc người dân bức xúc đến đỉnh điểm, ngày 28/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã ký công văn khẩn yêu cầu đình chỉ ngay lập tức việc khai thác vàng của Công ty TNHH thương mại Đức Nghĩa tại thôn Phú Hữu. Yêu cầu Công ty Đức Nghĩa phải tháo dỡ lán trại, thu hồi vật tư thiết bị khai thác theo quyết định của tỉnh. Lãnh đạo địa phương họp dân bàn hướng giải quyết. |
Doãn Công