Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng

Cát Cát

(Dân trí) - Năm 1936, giai nhân Vi Kim Ngọc (1916 - 1988) về làm dâu gia đình GS Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975), nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đám cưới được tổ chức vào ngày 12/4/1936 tại dinh Tổng đốc ở Thái Bình.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 1

Quan lại từ các tỉnh thành, người thân từ nước ngoài đổ về dự rất đông. Người ra vào dinh thự đông nườm nượp, chẳng khác nào một đại lễ.

Cô dâu mặc bộ áo dài nhiều lớp, may bằng thụng gấm, đầu đội khăn vành dây. Hài (giày vải thời xưa) và áo được thêu bằng sợi chỉ se với vàng.

GS Nguyễn Văn Huy - con trai út vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên kể: "Các dì tôi nói, đám cưới của cha mẹ tôi thuộc diện đình đám một vùng, thực sự hiếm có thời ấy. Phần lớn cô dâu xưa chỉ mặc áo nhiễu điều (áo dài đỏ) nhưng mẹ tôi mặc trang phục cưới lộng lẫy, chỉ con nhà quyền quý mới mặc".

Trong ngày vui của con gái, quan Tổng Đốc Vi Văn Định cho tổ chức tiệc lớn, có khiêu vũ. Tổng đốc Vi Văn Định thuộc đời thứ 13 của một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn. Vì thế phần tổ chức cưới của con gái Tổng đốc, còn có cả nghi lễ cưới truyền thống của người Tày.

Đại diện đoàn nhà trai là ông Phan Kế Toại - sau này là Phó thủ tướng trong 4 nhiệm kỳ liên tục từ tháng 9 năm 1955 đến khi qua đời vào tháng 6 năm 1973.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 2
Nhà trai đi đoàn xe ô tô đen sang trọng từ Hà Nội về. xếp hàng dài ngoài dinh thự. Lính lệ (lính gác) cầm ô lọng vàng, mặc quần áo đỏ xếp hàng chào đón từ cổng vào nhà.

Ngoài ông Toại, còn nhiều nhân sĩ, trí thức đương thời đi rước dâu.

Cũng như các cô gái đi lấy chồng, giai nhân Vi Kim Ngọc được cha chuẩn bị của hồi môn một cách chu đáo. Tổng đốc hy vọng cô con gái mình yêu thương sẽ có tâm thế về nhà chồng vẻ vang nhất.

"Hành động của ông ngoại tôi không phải thể hiện sự môn đăng hậu đối hay khuếch trương thanh thế. Đơn giản, đó chỉ là hành động của người cha khi con gái rời xa vòng tay mình, bước vào cuộc đời mới", GS Huy nói.

Ngoài của hồi môn được cha mẹ chuẩn bị cho, giai nhân Vi Kim Ngọc nhận được nhiều món quà cưới từ bạn bè và người thân.

Sau ngày cưới, GS Nguyễn Văn Huyên trực tiếp lái xe, đưa vợ về nhà làm lễ "Nhị hỷ" (tục lại mặt). Nhân dịp này, hai vợ chồng chụp một bức ảnh kỷ niệm, GS Huyên mặc đồ Tây, còn vợ mặc áo dài.

Tình nghĩa vợ chồng son sắt

Sau đám cưới, vợ chồng GS Huyên sống tại ngôi nhà trên số 95 Gămbetta (ngày nay là phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Khi mang thai con gái đầu lòng, giai nhân Vi Kim Ngọc bị ốm nghén nặng suốt 4 tháng ròng. Cơ thể suy nhược, từ 49kg tụt xuống còn 41 kg. GS Huyên ngày đêm chăm sóc vợ.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 3
Thời gian này, bà chỉ ăn được quả hạnh đào do mẹ đẻ mang sang.

Bà Vi Kim Ngọc sinh con gái đầu lòng tại nhà thương Đặng Vũ Lạc (đối diện với ngôi nhà số 95 Trần Hưng Đạo của gia đình GS Nguyễn Văn Huyên).

Trước khi đón vợ con về nhà, ông trang hoàng căn phòng rất đẹp và ấm cúng với màu hồng ấm áp.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 4

Trước khi đón vợ con về nhà, ông trang hoàng căn phòng rất đẹp và ấm cúng với màu hồng ấm áp.

Trong hồi ký, giai nhân Vi Kim Ngọc từng viết: "Sau 10 ngày sinh, hai mẹ con được cha chuẩn bị chu đáo ở nhà.

Trên phòng ngủ đã có chiếc giường xinh xắn mắc màn tuyn màu hồng... Suốt thời gian mẹ con ở trong viện, cha đã mua một chiếc xe đẩy rất mốt ở Gôđa - cửa hiệu to nhất Hà Nội...

Cha yêu mẹ, yêu con vô cùng! Từ đó tiếng yêu đương của cha mẹ đã có những lời líu lo, bập bẹ dần dần lớn lên... ".

GS Huyên lấy chữ cái đầu trong tên mình và vợ, đặt cho con gái cả là Nguyễn Kim Nữ Hạnh.

Năm 1937, vợ chồng bà Vi Kim Ngọc chuyển về sống cùng Tổng đốc Vi Văn Định ở căn biệt thự số 59 Trần Bình Trọng, cạnh hồ Hale.

Giai nhân Vi Kim Ngọc được cụ Vi Văn Định tin tưởng, giao cho quản lý nhà cửa, tiếp khách và chăm sóc các cháu họ từ các nơi gửi về Hà Nội học tập.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 5
Căn biệt thự này khá rộng rãi, có vườn cây ăn quả, chuồng nuôi nhốt thú như công, gà gô...

Để đỡ nhớ quê bà Kim Ngọc đã trồng một cây mắc mật trong vườn. Bà hay bảo đầu bếp chế biến món thịt quay mắc mật cho gia đình thưởng thức, cũng là cách nhắc nhở con cháu về gốc gác của dòng họ mình.

Ngày con gái Bích Hà còn nhỏ, sức khỏe yếu ớt, bà Vi Kim Ngọc nuôi dê cái, lấy sữa cho con uống.

GS Huyên dù bận bịu nhưng luôn dành thời gian chăm sóc con giúp vợ. "Chị Hạnh tôi kể, năm chị khoảng 3, 4 tuổi thường được cha ru ngủ trên chiếc võng ngoài hiên nhà", GS Huy nhớ lại.

Đám cưới ở dinh Tổng đốc của giai nhân nức tiếng, cô dâu mặc áo thêu vàng - 6
Dòng họ GS Huyên vốn xuất thân từ làng Lai Xá (Hà Nội) có nghề chụp ảnh, vì vậy ông cũng biết chụp ảnh.

Nhiều bức ảnh ta chỉ nhìn thấy bà Vi Kim Ngọc bên các con mà không thấy GS Huyên, bởi ông chính là người cầm máy.

Năm tháng tản cư vào Hà Đông cho đến những ngày lên chiến khu Việt Bắc, GS Huyên vắng nhà thường xuyên, 4 người con đều lớn lên trong sự chăm chút, yêu thương của giai nhân Vi Kim Ngọc.

Mỗi lần chồng đi công tác, bao giờ giai nhân Vi Kim Ngọc cũng lo đầy đủ cà phê, muối vừng… Sau này còn có thêm thịt ướp săm-pết, lạp xường để ông mang theo.

Bà Vi Kim Ngọc gửi gắm nỗi nhớ nhung dành cho chồng trong từng trang giấy: "Mùng 8/7 Mậu Tý tức ngày 12/8/1948. Nắng thu đã hửng. Mát dịu núi rừng Việt Bắc. Không còn oi bức trời hè nữa.

Sao cảnh buồn đến thế. Ngày bình thản quá! Trời thăm thẳm, núi xanh xanh, rừng âm u! Lại xa anh Huyên. Anh đi họp 10 ngày mới về, mãi chưa thấy anh về. Mỗi lần anh lên đường lòng em xao xuyến nhớ nhung! Nhớ anh quá! Hôm nay nhớ anh da diết!...".

Khi nhớ chồng bà đều mở chiếc vali lấy chùm hoa bất tử còn nguyên màu vàng pha đỏ tía ông mang từ Đà Lạt ra ngắm nghía.

Năm 1946, lúc này bà Vi Kim Ngọc đã đưa các con về Hà Nội sinh sống. GS Huyên thường xuyên có các chuyến công tác nước ngoài. Trước khi ra sân bay về nước, bao giờ vị Bộ trưởng cũng dành thời gian dạo qua các khu chợ, cửa hàng, tỉ mỉ tìm mua tặng bà tấm vải và thường dành để may áo dài.

Với tiêu chuẩn nhà nước, GS Nguyễn Văn Huyên được ở ngôi nhà rộng hơn, hoàn cảnh đương nhiên khác so với các gia đình bình thường nhưng bà Vi Kim Ngọc nhắc nhở các con không coi đó là thứ để hưởng thụ cá nhân.

Bà răn dạy các con rằng địa vị không quyết định các mối quan hệ xã hội, phải sống hòa mình với bạn bè.

Trong gia đình, bà Vi Kim Ngọc luôn làm tròn bổn phận của mình, chăm sóc và dạy dỗ con cái chu đáo.

Hai người con lớn được sang nước ngoài học, lo sợ con sa ngã trước những cám dỗ, bà đã viết thư để dặn dò.

Mỗi bức thư không chỉ là dòng thăm hỏi mà chính là cách bà khéo léo giáo dục, uốn nắn con.

Cả 4 người con của ông bà đều thành đạt, trong đó bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu là Phó GS, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Trung ương quân đội 108. GS Nguyễn Văn Huy nguyên là GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.