Đảm bảo 3-5% đại biểu Quốc hội chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học?

(Dân trí) - Đây là một nội dung được đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, số 3-5% đại biểu Quốc hội này dù sắp đến tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ trong cơ cấu.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là một trong năm dự án luật đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội chuyên trách để góp ý, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (theo thông lệ sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5).

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2019). Sau đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội, các cơ quan thuộc UB Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đã rà soát toàn bộ các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức mình, chỉ rõ các vướng mắc, bất cập và đề xuất nội dung cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung. 

Đảm bảo 3-5% đại biểu Quốc hội chuyên trách là chuyên gia, nhà khoa học? - 1
Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hiện nay thường gắn với một chức vụ nhất định, khống chế bởi điều kiện tuổi công tác.

Không giảm số lượng đại biểu Quốc hội 

Lần sửa đổi này, vấn đề lớn được quan tâm là quy định mới về đại biểu Quốc hội.

Về số lượng, có đại biểu đề nghị chỉ nên quy định tổng số đại biểu Quốc hội là 250-300 người (hiện tại là 500 người) trong đó có khoảng 200 đại biểu hoạt động chuyên trách, các đại biểu còn lại là theo cơ cấu đại diện để từng bước tiến tới Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp.

Theo UB Thường vụ Quốc hội thì quy định không quá 500 đại biểu như hiện nay là tương đối phù hợp, nếu giảm bớt thì cần có sự tổng kết, đánh giá, phân tích rất kỹ về việc bảo đảm các cơ cấu đại diện như thế nào và phải có sự điều chỉnh phù hợp trong cách thức tổ chức bầu cử cũng như trong việc thực hiện chức năng đại diện của đại biểu Quốc hội.

Vì thế, dự thảo luật vẫn giữ quy định tổng số đại biểu Quốc hội là không quá 500 đại biểu như hiện nay.

Về cơ cấu, thảo luận tại Quốc hội, một số vị đại biểu đề nghị cần có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu hoạt động chuyên trách. Ý kiến khác đề nghị giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp.

Tiếp thu ý kiến trên, UB Thường vụ Quốc hội đã giao các cơ quan nghiên cứu việc tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách trong Quốc hội, trong đó dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3% - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về năng lực công tác, trí tuệ, uy tín và có sức khỏe, có thể tham gia làm đại biểu hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

 Các tiêu chí lựa chọn cơ cấu người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được cụ thể hóa trong đề án bầu cử đại biểu khóa XV theo hướng giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, tăng đại biểu hoạt động chuyên trách và tăng hợp lý đại biểu là đại diện các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể xã hội.

Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách

Thảo luận về nội dung này, không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách từ 35% hiện nay lên mức 37%, 40% tổng số đại biểu hoặc cao hơn nữa.

UB Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để xin ý kiến.

Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3% - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. (Dự thảo Luật đang thể hiện theo phương án này).

Phương án 2: Giữ quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Tỷ lệ hoạt động chuyên trách cho từng nhiệm kỳ cũng như cơ cấu, phân bổ cụ thể sẽ xác định trong Đề án bầu cử do cấp có thẩm quyền quyết định.

Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật phân tích, phương án 1 có ưu điểm là sẽ tạo áp lực để các cơ quan có liên quan quy hoạch, chuẩn bị cán bộ, từ đó góp phần tăng được số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách trên thực tế, nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, phương án này cũng đặt ra thách thức là nếu không bố trí được đủ 40% thì dẫn đến hiệu lực của Luật không được thực thi đầy đủ.

Ưu điểm của phương án 2 là bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với khả năng sắp xếp bố trí nhân sự và tình hình thực tiễn hiện nay nhưng lại có hạn chế là không tạo ra áp lực để phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.

Phương Thảo