1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hà Nội

Tháng 10, thủ đô Hà Nội đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng. Tháng 10 cũng là tròn một năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp giã từ chúng ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hà Nội

 
Hà Nội không phải là quê hương của Đại tướng, nhưng Hà Nội là nơi người gắn bó lâu nhất trong cuộc đời mình. Từ ngôi trường luật ông theo học, trường Thăng Long nơi ông say sưa với những bài giảng sử học hút hồn học sinh... cho đến tòa nhà Bắc Bộ phủ nơi ông làm việc ngày đầu giành chính quyền, rồi ngôi biệt thự số 30 Hoàng Diệu thân quen, căn “nhà con rồng” nổi tiếng trong thành cổ... đều ghi đậm dấu chân Võ Nguyên Giáp, một trong những nhân vật nổi bật của lịch sử Việt Nam đương đại.

 

1. Theo hồi ức của Đại tướng, lần đầu tiên ông đặt chân đến Hà Nội là tháng 3 năm 1929. Lúc đó, ở cương vị ủy viên phụ trách tuyên huấn và giao thông liên lạc của Đảng Tân Việt, ông có nhiệm vụ ra Hà Nội để vận động kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản.

 

Tại Hà Nội, Võ Nguyên Giáp đã đến gặp ông Tôn Quang Phiệt tại Đại học Đông Dương ở phố Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông). Ông Phiệt đã đưa Võ Nguyên Giáp đến gặp ông Nguyễn Văn Tạo - phụ trách kỳ bộ Bắc Kỳ của Tân Việt ở đường phố Huế, khu 24 gian. Sau cuộc họp này, ông Tạo đã đồng ý chuyển sang tổ chức cộng sản và đề nghị lấy tên là Tân Việt Cộng sản đảng (1).

 

Sau thời gian quay lại học tú tài ở Vinh, từ năm 1935 - 1939, Hà Nội, thủ phủ của liên bang Đông Dương thuộc Pháp là địa bàn hoạt động chính của Võ Nguyên Giáp, khi ông vừa tham gia học ở khoa Luật thuộc Đại học Đông Dương, vừa tham gia giảng dạy các môn lịch sử và địa lý tại Trường tư thục Thăng Long cùng với người bạn thân Đặng Thai Mai. Cũng ở đây, ông bắt đầu tham gia hoạt động báo chí, từ việc viết cho tờ Hồn trẻ, đến Le Travail (Tranh đấu), Rassemblement (Tập hợp), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta)... Tại Hội nghị lần thứ nhất của Báo giới Bắc Kỳ, tổ chức ngày 24.4.1937, ông được bầu làm Chủ tịch hội.

 

Thời gian ở Hà Nội cũng là lúc Võ Nguyên Giáp sống hạnh phúc cùng người vợ cùng chí hướng - bà Nguyễn Thị Quang Thái. Hai người làm đám cưới năm 1935. Tổ ấm của hai người lúc đầu nằm ở phố Đường Thành, sau chuyển về phố Nam Ngư. Năm 1939, người con gái đầu lòng của hai người ra đời, được đặt tên là Võ Hồng Anh.

 

Tuy nhiên, do yêu cầu của cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã phải đành lòng chia tay người vợ yêu dấu để lên đường sang Trung Quốc hoạt động. Cuộc chia tay diễn ra chiều 3.5.1940 tại một gốc cây vắng người cạnh đền Trấn Võ, đường Cổ Ngư. Quang Thái ẵm đứa con của hai người - bé Hồng Anh - chia tay chồng. Chiếc xe tay chở Võ Nguyên Giáp đi về đường Yên Phụ, phía xa, hình ảnh vợ con nhà cách mạng trẻ bé dần rồi khuất bóng. Ông không biết rằng, đó là cuộc gặp cuối cùng của hai vợ chồng, vì sau đó bà Quang Thái đã bị bắt giữa năm 1942 rồi mất trong tù đầu năm 1944. Tin vợ hy sinh, mãi đến khi gặp ông Trường Chinh tại khu giải phóng Cao Bằng tháng 4.1945, ông mới biết.

 

Phải đến ngày 22.8.1945, sau khi chính quyền Hà Nội đã về tay nhân dân, Võ Nguyên Giáp mới trở lại thủ đô. Ông là người chuẩn bị để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, lúc đầu là ở Phú Thượng, sau đó chuyển vào căn nhà số 48 Hàng Ngang, nơi ông cùng các đồng chí sống cùng để bảo vệ Người. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, sẽ được công bố trước toàn thể quốc dân và thế giới chiều ngày 2.9 năm ấy.

 

Trên lễ đài độc lập giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Võ Nguyên Giáp đã trình bày chương trình hành động toàn diện của chính phủ mới trước quốc dân.

 

2. Sau khi chính phủ lâm thời ra mắt, là một thành viên chính phủ ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ, Võ Nguyên Giáp sinh hoạt cùng Hồ Chủ tịch ngay tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, Hà Nội). Thời gian này, ông phụ trách cả công tác an ninh trật tự, vì Việt Nam Công an vụ lúc này nằm trong Bộ Nội vụ. Với trách nhiệm của mình, ông đã chỉ đạo Việt Nam Công an vụ xử lý các ổ nhóm phản động, khiêu khích của Việt Nam Quốc dân đảng như ở phố Quán Thánh, Ôn Như Hầu...

 

Đầu năm 1946, sau một chuyến đi kinh lý miền Trung kéo dài 1 tháng xem xét tình hình đụng độ với quân Pháp đang lấn tới, chiều 19.2.1946, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ báo cáo với đồng bào tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Báo “Cứu quốc” tường thuật: “Ông Võ Nguyên Giáp đã làm cho bình tĩnh trở lại lòng người, mặc dù chúng ta đứng trước tình thế nghiêm trọng”.

 

Tháng 11.1946, Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới đơn sơ với người vợ thứ hai Đặng Bích Hà - con gái Giáo sư Đặng Thai Mai, người bạn, người đồng chí của ông. Là người rất trọng nghĩa tình, Võ Nguyên Giáp không khi nào quên ngày 27.11, ngày cưới của hai người.

 

Cuối năm 1946, khi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp là không thể tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Võ Nguyên Giáp - lúc này là tân Bộ trưởng Quốc phòng (thay thế luật sư Phan Anh), người cũng được Chủ tịch Nước ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ, kiêm Tổng Chính ủy: “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?”. Bộ trưởng Giáp đã tự tin trả lời: “Có thể giữ được một tháng!”. (2)

 

Và rồi quân dân thủ đô, với tinh thần quật cường, đã giữ vững vị trí suốt 60 ngày đêm khói lửa, vượt gấp đôi chỉ tiêu đăng ký với chính phủ. Phương án đánh địch “trong đánh, ngoài vây” do Bộ chỉ huy khu XI đưa ra, đã được Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp nhất trí tán thành. Đây là lần đầu tiên, quân đội non trẻ của Việt Nam chiến đấu với địch ngay trong thành phố.

 

Khi những phát pháo đầu tiên từ Pháo đài Láng nã vào thành Hà Nội, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu tối 19.12.1946, Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy đang ở làng Tây Mỗ, Từ Liêm. Sáng 20.12, ông đã xuống thăm mặt trận phố Khâm Thiên cùng Tư lệnh mặt trận Vương Thừa Vũ, để đưa ra nhiều kinh nghiệm quý báu về đánh địch cho bộ đội và tự vệ.

 

Sau tết Nguyên đán, ngày 29.1.1947, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã gặp Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội tại Tây Mỗ, để bàn về việc đưa bộ phận còn lại của Trung đoàn Thủ đô ra ngoài, sau khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra là cầm chân địch.

 

Trong thư gửi Trung đoàn Thủ đô sau khi trung đoàn rút quân an toàn khỏi vòng vây quân Pháp, Bộ trưởng viết: “Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội... Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm, hay lâu hơn nữa, nếu cần. Cho đến ngày tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất. Ta thề: Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”. (3)

 

Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, với kết quả của chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy, tháng 10.1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, thủ đô tưng bừng đón chào những đoàn quân trở về. Ngày 1.1.1955, trên lễ đài Ba Đình, trong cuộc duyệt binh chào mừng chính phủ về lại thủ đô, Đại tướng - Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trong quân phục chỉnh tể, giơ tay lên vành mũ chào những đoàn quân vừa trải qua 9 năm kháng chiến với biết bao chiến thắng đang diễu qua trước mặt.

 

3. Bộ trưởng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại trở về mảnh đất thân quen. Vị tướng cùng gia đình gắn bó với biệt thự số 30 Hoàng Diệu từ đầu năm 1956 cho tới tận những năm cuối đời, khi sức khỏe suy yếu, ông phải nằm dưỡng bệnh trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

 

Một địa điểm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt những năm chỉ huy quân dân cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ và đấu tranh thống nhất đất nước là tòa nhà mang số D67, nằm trong nền điện Kính Thiên của Kinh thành Thăng Long xưa. Nguyên tòa nhà là trụ sở của Bộ Chỉ huy pháo binh quân đội Pháp, trước thềm có hai con rồng đá của nền điện xưa, nên được gọi là Nhà con rồng. Nơi này trở thành địa điểm làm việc của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương suốt những năm chiến tranh.

 

Phía dưới tòa nhà, lực lượng công binh đã xây dựng một hầm ngầm kiên cố để Bộ tổng Tư lệnh làm việc tránh bom Mỹ. Nơi đây, có một căn phòng đơn sơ với chiếc giường một, nơi vị tổng tư lệnh ngả lưng nghỉ ngơi sau những giờ chỉ huy tác chiến căng thẳng.

 

Năm 1972, trong một chiến thắng vang dội khác của quân đội Việt Nam trước cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của quân đội Mỹ vào Hà Nội, được ví như một trận “Điện Biên Phủ trên không”, Tướng Giáp đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”. (4)

 

Một câu chuyện thú vị là vào ngày 21.12.1972 đại tướng đi thăm một đơn vị phòng không, khi xe đang chạy trên đê sông Đáy thì máy bay Mỹ lao tới đánh phá một trận địa tên lửa gần đấy. Đại tướng chỉ kịp cho xe dừng lại, cả đoàn tùy tùng nằm ép xuống mặt đường cạnh thân đê. Máy bay đi, cả đoàn lại lên ôtô đi tiếp. Ông ghi trong hồi ký: “Sự việc chỉ có thế thôi, thế mà mấy ngày hôm sau, vài hãng thông tấn phương Tây đưa tin tôi bị tử thương vì bom B.52. Mấy nhà báo Pháp còn đến sứ quán ta ở Paris xin tiểu sử của tôi… Đài Tiếng nói Việt Nam đã phải cho thu thanh ngay trong hầm của Tổng hành dinh bài diễn văn của tôi nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12) và phát lên gián tiếp để cải chính”.

 

Có lẽ vì những lý do như vậy mà sau đó, khi Đại tướng muốn đến thăm một đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội, anh em báo cáo là đơn vị đang sửa chữa vũ khí khí tài. Về sau mới rõ, đơn vị nói dối để bảo vệ an toàn cho Đại tướng. Ông ghi trong hồi ký: “Biết vậy, nhưng không nỡ phê bình”. Tình cảm của chiến sĩ với người anh cả của quân đội thắm thiết, gần gũi như vậy. (5)

 

4. Tòa nhà tổng hành dinh chính là nơi Đại tướng cùng bộ tham mưu của mình hân hoan đón nhận tin chiến thắng cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi đón mừng tin chiến thắng, Đại tướng đã lên xe ôtô, đi dạo một vòng quanh thủ đô, hòa cùng niềm vui của nhân dân. Nhưng chỉ sau một vòng, ông lại quay lại với Nhà con rồng. Những cuộc chiến đấu vẫn đang chờ Đại tướng.

 

Là một vị tướng trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100, Tướng Giáp nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. (6)

 

Và ông đã sống vì nhân dân, vì đất nước cho đến những ngày cuối đời. Khi Đại tướng còn khỏe cho tới cả khi ông đã vào an dưỡng trong bệnh viện, ngôi nhà 30 Hoàng Diệu luôn là địa chỉ thân thuộc mở rộng cửa với những cựu chiến binh, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

 

Tháng 10.2013, sau khi Đại tướng ra đi, Hà Nội cũng là nơi vinh dự tiễn Đại tướng trên chuyến đi cuối cùng, trước khi người về yên nghỉ tại quê nhà. Sau tang lễ theo nghi thức Quốc tang, linh xa chở Đại tướng đã đưa người đi một vòng chào phố phường thủ đô yêu dấu... Tại Trần Thánh Tông, Nhà hát Lớn, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Quảng trường Ba Đình, Kim Mã, Cầu Giấy, đại lộ Phạm Văn Đồng... hàng chục vạn người dân nước mắt lăn dài, cùng siết tay nhau chào vĩnh biệt Đại tướng.

 

Không lâu sau đó, con đường đi từ cây cầu mới Nhật Tân nối thẳng đến sân bay Nội Bài đã vinh dự được mang tên Đại tướng.

 

Rồi đây, sẽ còn nhiều địa danh được mang tên Võ Nguyên Giáp, nhiều nơi người làm việc, sinh sống sẽ trở thành bảo tàng. Những dấu ấn của vị Tổng Tư lệnh vĩ đại của QĐND Việt Nam sẽ mãi mãi còn lưu giữ với thủ đô.

 

Một số tài liệu tham khảo:

 

(1) “Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ” - Trần Thái Bình, NXB Văn hóa Sài Gòn 2010.

 

(2) “Có một Võ Nguyên Giáp nhà báo” - Trung tướng Phạm Hồng Cư, SGGP , 23.8.2011.

 

(3) Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi Trung đoàn Thủ đô ngày 18.2.1947.

 

(4) Trích “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, NXB Quân đội Nhân dân 2006.

 

(5) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chinhphu.vn, 7.5.2009.

 

Theo Lê Tiên Long
 
Lao Động