TPHCM:
Đại lộ Đông - Tây nứt, lún vì xe chạy nhiều!?
(Dân trí) - Mới đưa vào sử dụng được vài tháng, Đại lộ Đông - Tây (ĐLĐT) đoạn chạy qua quận 2 đã có dấu hiệu lún, nứt khá nghiêm trọng. Theo Sở GT-VT TP.HCM, lý do là xe chạy nhiều!
Hiện tượng lún xảy ra nghiêm trọng nhất ở đoạn từ giao lộ ĐLĐT - liên tỉnh lộ 25B đến giao lộ ĐLĐT - Lương Định Của. Trên đoạn đường này, ở những làn dành cho xe ô tô xuất hiện những vệt lún kéo dài hàng trăm mét với độ sâu chừng 10cm. Vệt lún kéo dài tạo thành 2 rãnh, mỗi rãnh rộng chừng 50cm, đủ cho bánh xe container lọt lòng.
Trên đoạn từ giao lộ ĐLĐT - liên tỉnh lộ 25B cũng xuất hiện nhiều đoạn đường trồi lên, trụt xuống do nhựa đường vị trí lún trồi sang vị trí bên cạnh. Đặc biệt, tại vị trí cách giao lộ ĐLĐT - Lương Định Của chừng 300m (hướng về giao lộ ĐLĐT - liên tỉnh lộ 25B) xuất hiện vệt nứt dài vắt ngang mặt đường. Tại vị trí này lộ rõ độ chênh giữa 2 phần đường là hơn 10cm.
Thậm chí, tại vị trí cách giao lộ ĐLĐT và đường nối cầu Thủ Thiêm chừng 100m xuất hiện một đoạn lún dài tầm 30m dù đoạn đường này chưa được đưa vào sử dụng. Hiện đoạn lún này đã được cơ quan chức năng bù lún bằng nhựa đường.
Ngày 3/6, Sở GTVT cũng đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan để tìm ra nguyên nhân xảy ra tình trạng lún, nứt trên và đề ra phương án khắc phục. Trong cuộc họp này, các đơn vị liên quan thống nhất nguyên nhân lún nứt là do… lưu lượng xe tải nặng qua khu vực này quá lớn! Còn quá trình thi công thì được giám sát rất chặt chẽ, tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế.
Hiện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị đang hoàn tất phương án sửa chữa, khắc phục tình trạng trên. Ban quản lý khẳng định phương án này sẽ được thẩm định bởi một đơn vị độc lập trước khi thực hiện. Trước mắt, đơn vị thi công sẽ tạm khắc phục những vị trí lún nặng để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo các chuyên gia xây dựng cầu đường: đoạn ĐLĐT chạy qua quận 2 được xây dựng trên nền đất yếu thì lún, dù không có xe lưu thông thì vẫn có thể xảy ra quá trình tự lún. Tuy nhiên, xuất hiện những vị trí lún, nứt cục bộ thì có thể do quá trình xử lý chống lún không tốt nên chỗ lún nhiều, chỗ lún ít; nếu lún đều thì không thể xuất hiện những vị trí nứt, gãy được.
Còn tình trạng lún thành vệt kéo dài theo vết bánh xe lưu thông có thể do trong quá trình thi công, móng mặt đường đầm nén chưa đủ độ chặt để đạt độ cứng đáp ứng tải trọng xe lưu thông.
Do vậy, nguyên nhân lún, nứt ở đây có thể do quá trình khảo sát, quan trắc địa chất chưa đạt yêu cầu nên dẫn đến thiết kế không đúng với thực trạng địa chất hoặc do quá trình thi công không đạt chất lượng. Còn lưu lượng xe lưu thông thì khi khảo sát xây dựng, đơn vị thiết kế tất nhiên là đã tính toán đến điều này rồi nên lý do xe tải nặng lưu thông nhiều là chưa thuyết phục.
Tùng Nguyên