1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cần Thơ:

Đại biểu "truy": Từ bao giờ hội phụ huynh thành "hội phụ thu"?

Hoàng Tùng

(Dân trí) - Hội phụ huynh là "sợi dây liên kết giữa nhà trường và gia đình để hỗ trợ các em học sinh học tập được tốt hơn". Vậy từ khi nào, "Hội phụ huynh trở thành Hội phụ thu?", đại biểu nêu câu hỏi.

Chiều 8/12, chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khóa X,  đại biểu Phạm Quốc Thịnh nêu: Hội phụ huynh học sinh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) được bầu chọn, thành lập theo thông tư 55 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội hoạt động với mục đích phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thực hiện các hoạt động giáo dục, giúp đỡ các học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hay nói đơn giản Hội là "sợi dây liên kết giữa nhà trường và gia đình để hỗ trợ các em học sinh học tập được tốt hơn".

Tuy nhiên, thông qua phản ánh của nhiều phụ huynh và cử tri, cũng như nhiều ý kiến cho rằng, việc bầu ra Hội phụ huynh hiện nay chủ yếu để tập trung vào các hoạt động tài chính của lớp học (hỗ trợ nhà trường huy động các khoản đóng góp, tài trợ và thực hiện việc quản lý các khoản đóng góp, tài trợ đó).

Đại biểu truy: Từ bao giờ hội phụ huynh thành hội phụ thu? - 1

Đại biểu Phạm Quốc Thịnh nêu câu hỏi (Ảnh: HT).

Theo đại biểu Quốc Thịnh, hiện nay rất ít phụ huynh chủ động tự ứng cử để tham gia Hội phụ huynh, nhiều trường hợp miễn cưỡng nhận nhiệm vụ. Từ đó, kéo theo sự sai lệch, kém hiệu quả trong hoạt động và đang làm mất đi ý nghĩa cao cả của Hội phụ huynh.

"Nhiều cử tri gặp gỡ, trao đổi và thể hiện sự bức xúc về việc có con em theo học tại các trường học trên địa bàn, đang tồn tại việc lạm thu của nhà trường thông qua Hội phụ huynh với nhiều khoản tiền đóng góp không tên, vô lý.

Cụ thể, vào cuộc họp phụ huynh đầu năm học, có nhiều trường hợp phụ huynh phải đóng tiền quỹ lớp trên dưới 3 triệu đồng một người (theo giải thích thì các khoản tiền này phục vụ việc mua tivi, máy lạnh, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường,…tuy nhiên không có kế hoạch cụ thể).

Theo đó, đối chiếu tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011, thì các khoản như giải thích nêu trên là không phù hợp. Vậy Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có suy nghĩ gì về thực trạng trên, từ khi nào "Hội phụ huynh" trở thành "Hội phụ thu"? Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng lạm thu của các trường như hiện nay là gì?", đại biểu Quốc Thịnh nêu ý kiến.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Quốc Thịnh, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm học, Sở có lưu ý các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục các quận, huyện về các khoản thu đầu năm, để đảm bảo thu đúng theo quy định.

Theo ông Bình, đến thời điểm này, Sở chưa nhận được các thông tin phản ánh lạm thu tại các trường cấp 3. Đối với các cấp học còn lại, Sở có nhận được thông tin một trường dự định thu không đúng quy định và đã ngăn chặn kịp thời.

"Mong muốn của tôi là làm sao đẩy mạnh giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Góp phần vào công tác quản lý của nhà trường, cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo", ông Bình nói.

Còn thông tin việc phụ huynh đóng 3 triệu trang bị cơ sở vật chất, máy lạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ rà soát lại, trường nào, lớp nào để cùng địa phương có hướng xử lý. Sở không bao che, đảm bảo thu đúng thông tư 55 cũng như các khoản đóng góp tài trợ phải theo tinh thần thông tư 16 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Bình cho biết thêm: "thời gian tới sẽ yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, có đường dây nóng, khi cần thiết có trao đổi để ban hoạt động đúng quy định".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm