“Đại biểu Quốc hội vào nghị trường chỉ cần mang smartphone, không cần giấy tờ”
(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc mô tả như vậy khi nói về việc triển khai phần mềm mới hỗ trợ hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, mọi tài liệu cần thiết cho các hoạt động, các đại biểu Quốc hội chỉ cần tra cứu trên smart phone hoặc thiết bị di động khác…
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo chiều 17/5 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoác XIV. Kỳ họp sẽ bắt đầu vào sáng thứ Hai tuần tới, 20/5.
Ít ngày trước, trong khuôn khổ phiên họp thứ 34, UB Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian xem xét về việc thí điểm phần mềm phục vụ hoạt động của Quốc hội (do công ty ICC cung cấp). Theo đó, các đại biểu Quốc hội sẽ được trang bị iPad để lấy, nhận tài liệu, tra cứu văn bản tài liệu từ kỳ họp thứ 7 này.
Trao đổi về vấn đề mới này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giới thiệu một doanh nghiệp đã ủng hộ, làm cho Quốc hội một phần mềm phục vụ cho hoạt động tại kỳ họp cũng như phục vụ hoạt động nghiên cứu, làm nhiệm vụ của cá nhân mỗi đại biểu. Phần mềm hỗ trợ việc chuyển tải văn bản, tài liệu, thông báo lịch họp.
“Tôi thấy phần mềm này hữu ích cho đại biểu Quốc hội khi có thể tra cứu nhanh chóng lịch sử các văn bản, dự luật đã làm, tra cứu được cả ý kiến lẫn việc giải quyết kiến nghị cử tri. Với phương thức này, đại biểu Quốc hội vào hội trường chỉ cần mang theo một chiếc smart phone, không cần mang theo tài liệu nào khác”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, đây cũng chỉ là bước thí điểm, cần làm cẩn trọng. Vì vậy, tại kỳ họp này, các cơ quan phục vụ vẫn chưa bỏ hẳn văn bản giấy. Đến cuối kỳ họp, các đại biểu, những người sử dụng sẽ thực hiện việc đánh giá về phần mềm này và Văn phòng Quốc hội sẽ căn cứ vào đó để hoàn thiện hơn nữa phần mềm hoạt động.
Tinh thần chung, theo Tổng thư ký là phải tiến dân tới việc xây dựng một Quốc hội điện tử hiện đại, hiệu quả.
Một vấn đề khác đặt ra về khả năng tại kỳ họp này, Quốc hội có thể ra một nghị quyết riêng về việc xử lý tình trạng vi phạm an toàn giao thông như gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đề xuất này được đưa ra tại phiên họp thứ 34 của UB Thường vụ Quốc hội để xử lý tình trạng liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, những vụ tai nạn phức tạp, có dấu hiệu của việc sử dụng rượu bia, ma tuý liên tiếp xảy ra thời gian qua. Theo Tổng thư ký, vấn đề ra nghị quyết này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thông tin, hình thức chất vấn “không giới hạn” nội dung, “không giới hạn” danh sách người trả lời chất vấn như đã áp dụng tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2018 chỉ thực hiện vào kỳ họp cuối năm ở giữa nhiệm kỳ và kỳ họp giữa năm ở năm cuối nhiệm kỳ. Còn tại kỳ họp thứ 7 này, việc chất vấn sẽ tổ chức lại như thông lệ, các cơ quan sẽ đề xuất các vấn đề, các Bộ trưởng, Trưởng ngành để các đại biểu Quốc hội lựa chọn nội dung cũng như nhân sự sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Phiên chất vấn sẽ khuôn lại với các vấn đề được chọn đó.
Lãnh đạo Văn phòng, các UB của Quốc hội chủ trì cuộc họp báo
Thông tin về chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Cụ thể, có 7 dự án luật và 2 nghị quyết sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này và 9 dự luật khác sẽ được Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, dự án luật Giáo dục (sửa đổi) được xác định là dự án luật quan trọng, vì liên quan trực tiếp đến người dân nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách…. Từ đó, một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông…
Một dự án luật lớn được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp này là Bộ luật lao động (sửa đổi). Dự thảo luật trình Quốc hội in ý kiến tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sĩ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gây chú ý thời gian qua với việc sửa đổi quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu theo hướng cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
P.Thảo