Đại biểu Quốc hội và những câu nói bất ngờ
(Dân trí) - Lạm phát, nhận và trả lại tiền hối lộ, mở rộng Hà Nội là 3 chủ đề đang được đại biểu quan tâm nhất và cũng ở 3 chủ đề này, họ đã có những phát ngôn bất ngờ và thú vị nhất trong các ngày họp Quốc hội vừa qua.
Nhà tôi cũng là đại lý gạo nên tôi biết!
Trong đợt sốt gạo vừa qua, một đại lý bán gạo "khoe" mỗi ngày kiếm được 400 triệu đồng tiền lãi, người buôn bán lẻ chí ít cũng thu được 50 triệu. Sở dĩ tôi biết rõ điều này là vì nhà tôi cũng là... đại lý bán gạo!.
Giá tăng nhưng thực chất người dân không hề được hưởng lợi. Vậy, khi giá gạo tăng, Hiệp hội Lương thực đứng ở đâu, Bộ Công thương ngủ chỗ nào?
(Ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu Đăk Lăk
nói về cơn sốt gạo, chiều 6/5)
Không thể cứ thỏa hiệp mãi!
Chúng ta có đủ các viện nghiên cứu nhưng không dự báo nổi biến động… Thị trường chứng khoán là một thất bại thảm hại, lỗi quản lý thuộc về ai? Báo cáo Chính phủ nêu các khó khăn khách quan như thị trường thế giới, thiên tai... Nhưng chẳng lẽ cứ lấy lý do mãi như thế? Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát là gì, trách nhiệm các bộ, ngành, thậm chí của cá nhân các Bộ trưởng ra sao, không thể cứ thỏa hiệp thế này mãi.
(Ông Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Hà Nội
nói về vấn đề kiềm chế lạm phát, chiều 6/5)
Trong trường hợp xấu nhất...
Trong trường hợp... xấu, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải cùng chia sẻ!
(Ông Trần Du Lịch, đại biểu TPHCM
nói về vấn đề lạm phát, ngày 7/5)
Nộp, không nộp = Lộ, không lộ!
Về chuyện nộp hay không nộp lại tiền hối lộ, tôi cứ bình luận theo kiểu dân gian là chỉ có bị lộ hoặc không bị lộ mà thôi! Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây khá lâu rồi, có một ông chủ tịch TP Hà Nội mang bạc tỷ đến trình báo. Nhưng các năm sau đó không thấy ông ấy trình báo và nộp lại quà biếu nữa, dân gian đặt câu hỏi là phải chăng đã hết nạn biếu xén rồi? Nhưng chắc chắn là không phải!
(Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Đồng Nai
nói về việc nhận và nộp lại tiền quà biếu, ngày 8/5)
Cái tỉnh nghèo như Cao Bằng mà Chủ tịch tỉnh nhận quà công khai mỗi năm lên đến mấy trăm triệu đồng thì chuyện quan chức đầu tỉnh khác mỗi năm nhận quà lên đến hàng tỷ đồng là chuyện có thật.
(Ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Đắc Lắk, ngày 8/5)
Sao không đưa phương án 2 cho chúng tôi bàn?
Tờ trình nói cử tri 4 tỉnh thành liên quan "nhất trí cao với phương án 1". Chúng tôi không biết phương án 1, 2 nào cả. Khi họp HĐND tỉnh Hà Tây, chúng tôi đâu được biết có phương án 2? Nếu chúng tôi được bàn 2 phương án, có lẽ có ý kiến khác nhau nhưng tại sao không đưa 2 phương án cho chúng tôi bàn?.
(Ông Nguyễn Đăng Kính, đại biểu Hà Tây
nói về vấn đề mở rộng Hà Nội, ngày 8/5)
Tính chỉ tiêu tăng trưởng kiểu gì?
Khi Chính phủ trình chỉ tiêu tăng trưởng lên Quốc hội vào cuối năm trước, giá dầu thế giới đang tiến dần đến 90USD/thùng, nhưng Chính phủ vẫn tính toán chỉ tiêu GDP trên căn cứ 61USD/thùng và sau nhiều tranh luận, cuối cùng giá dầu được nâng thành… 62USD/thùng.
(Ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Lạng Sơn nói về
chỉ tiêu tăng trưởng của Chính phủ, ngày 9/5)
Có 3 chi tiết lịch sử… sai cả 3!
Trong đề án của Chính phủ có ba chi tiết về lịch sử thì cả ba chi tiết đều… sai. Cụ thể là chi tiết đề cập đến sông Hồng của ta tàu bè tấp nập như ở châu Âu thế kỉ XVI-XVII! Hay chi tiết nói rằng, “Hà Nội gần 100 năm Pháp thuộc” (Hà Nội bị Pháp xâm chiếm trong thập kỉ 80 của thế kỉ XIX)… Chính phủ phải xem xét lại tầm mức của mình trong ứng xử với văn hoá.
(Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Đồng Nai
nói về đề án mở rộng Hà Nội, ngày 9/5)
Lê Châu (tổng hợp)