Đại biểu Quốc hội kỳ vọng chống lãng phí thành công như chống tham nhũng
(Dân trí) - Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng nhiều cán bộ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục chứ chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Sáng 4/11, phát biểu về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền.
Cán bộ coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý
Theo bà Hoa, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Gần đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.
Nữ đại biểu cho hay, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
"Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, bài viết của Tổng Bí thư đã đánh giá "lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển".
Nữ đại biểu cho biết, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý.
"Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội", bà Hoa nhận định và cho rằng có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả, nhưng thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Theo bà Hoa, một chuyên gia nước ngoài đã nhận định, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người; khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại.
"Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước", bà Hoa nêu.
Vị đại biểu cũng cho biết, lãng phí còn do "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "tư duy chủ quan" của một số cán bộ, muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động.
Tuy nhiên, theo bà, do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Bà Hoa cho biết, vừa qua một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.
Bà cho rằng, dù chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bên cạnh đó, Bộ Luật Hình sự có hai điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí.
Trên thực tế, bà Hoa cho biết, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, hay tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…
Với cách xử lý này, theo bà Hoa, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.
"Nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình", bà Hoa nhận định.
Hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng
Trao đổi với báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, đối với các dự án, công trình đầu tư công có vốn lớn, nếu để xảy ra chậm tiến độ sẽ là một sự lãng phí lớn. Công trình đầu tư xong nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc không đưa vào khai thác, sử dụng được, đó là một hình thức lãng phí rất lớn.
Theo bà Nga, đây là một loại lãng phí vật chất, rất dễ nhận diện và đã được đề cập đến trong nhiều năm nay. Mặt khác, trong lãng phí có cả bóng dáng của tham nhũng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư.
"Dường như chúng ta vẫn còn nương nhẹ lãng phí. Không phải vì không chỉ ra được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm mà nó vẫn còn nằm trong quan điểm, cho rằng điều đó chưa quan trọng bằng việc chống tham nhũng", bà Nga nhận định.
Nữ đại biểu cho rằng, trên thực tế, hậu quả và thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, bởi đôi khi, hậu quả của lãng phí không đo đếm ngay được, ví dụ như lãng phí về cơ hội...
"Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua liên quan đến vấn đề lãng phí. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc này. Chúng ta phải tìm ra người chịu trách nhiệm, đơn vị, cá nhân nào để xảy ra lãng phí? Lãng phí đó gây ra hậu quả như thế nào?", bà Nga nói.
Vị đại biểu khẳng định, nếu chúng ta có chế tài rõ ràng, xử lý một vài vụ điển hình để răn đe thì vấn nạn lãng phí sẽ được cải thiện.