1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông

(Dân trí) - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết cần thể hiện lập trường chính nghĩa của Việt Nam, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc với hành động vừa đám vừa xoa, vừa đánh vừa đàm, vừa ăn cướp vừa la làng.

Sáng nay, 19/6, tại buổi Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) bất ngờ dành thời lượng phát biểu của mình trình bày những băn khoăn của mình về tình hình biển Đông. Trong bài phát biểu đại biểu Nghĩa thiết tha đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chính thức về tình hình biển Đông hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông (Ảnh Việt Hưng)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết cần thể hiện lập trường chính nghĩa của mình, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc với hành động vừa đám vừa xoa, vừa đánh vừa đàm, vừa ăn cướp vừa la làng. Đồng thời nghị quyết cho phép các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế.

“Nếu Quốc hội không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông, thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Các đại biểu chắc chắn sẽ nghe nhiều ý kiến chất vấn của cử tri, còn dư luận thế giới chắc chắn sẽ bình luận rằng: một hành vị xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng gì thì việc gì nghị sỹ và nhân dân các nước khác lên tiếng. Đó còn có thể là cái cớ để Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo ngại.

Vì vậy, đại biểu Trương Trong Nghĩa mong rằng lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp nhận kiến nghị này. Nếu cần thì lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, trường hợp đa số ủng hộ thì ta làm.

“Tôi rất mong đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi. Tôi xin lỗi vì phải trình bày điều này tại buổi họp, vì trong chương trình còn lại không có mục nào dành cho biển Đông” đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ những băn khoăn của mình.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nói: “Ý kiến của địa biểu Trương Trọng Nghĩa cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Tôi cũng có đề nghị như vậy. Vấn đề là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn cách thức như thế nào để đáp lại cái đề nghị của đại biểu”.

Theo đại biểu Nam, cách thức chiến thuật có thể khác nhau nhưng bản chất của Trung Quốc thì không thay đổi. Do vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông vừa qua cũng chỉ là sự tiếp tục của chiến lược Trung Quốc về độc chiếm biển Đông. Và việc làm này có thể sẽ làm tình hình phức tạp tăng lên.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu bà đã có quan điểm, Quốc hội nên có Nghị quyết về tình hình biển Đông. “Tôi đồng tình với quan điểm Việt Nam cần phải kiên trì đối thoại nhưng trên nguyên tắc không được xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Việt Nam kiên nhẫn có giới hạn, có mức độ thôi chứ không thể quá... nhún được”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Bùi Thị An, tình hình hiện nay có nhiều khó khăn vì vậy phải đòi hỏi sự thông minh, khôn khéo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó nhân dân luôn đồng lòng, cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và mong muốn giải quyết được vấn đề này.

“Nhân dân cũng mong muốn nhà nước đấu tranh mềm mỏng nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc chủ quyền, nhất định không được xâm lấn đất nước Việt Nam. Mình cũng phải chuẩn bị tất cả các căn cứ pháp lý để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế”, đại biểu Bùi Thị An nêu quan điểm.

Quang Phong