Đặc xá thắp sáng hy vọng của những kẻ lỡ lầm
Đợt đặc xá 2/9 năm nay là lần thứ 4 Trần Trung Minh được trại giam Hoàng Tiến lập hồ sơ đề nghị xem xét. Sau 3 lần “mừng hụt”, giờ này Minh đang đếm từng ngày, hy vọng có tên trong danh sách được tha tù.
30 tuổi, trông Minh khá già với dáng người gày, khắc khổ, khuôn mặt buồn lặng lẽ. Những ngày tháng bị "trói" bên bàn đèn thuốc phiện đã khiến người đàn ông này quên đi vai trò trụ cột, trút gánh nặng gia đình lên vai người vợ trẻ. Mới sinh con, chưa kịp hồi phục sức khoẻ, vợ Minh đã phải thay chồng lo toan cuộc sống. Còn Minh lao vào những cuộc chơi cùng đám bạn lêu lổng. "Hồi những năm 1997, ở Sapa quê tôi thuốc phiện nhiều và rẻ, chỉ vài nghìn đồng là đủ dùng một ngày", Minh bần thần nhớ lại.
Khuyên nhủ không nổi, người vợ trẻ bất lực buông chồng cho thuốc phiện hành hạ. Được thể, Minh ngang nhiên rủ bạn về nhà sử dụng thuốc phiện. Cuối năm 1998, Minh bị bắt. TAND tỉnh Lào Cai tuyên phạt Minh 15 năm tù. Đến lúc này Minh mới bàng hoàng tỉnh ngộ.
Những buổi đầu trong trại, hằng ngày Minh lại lên cơn vật đói thuốc "Chẳng có thuốc cai. Mỗi khi thuốc vật, bạn cùng buồng giam đứa túm tay, đứa giữ chân, có thằng còn móc hàm đổ nước vào miệng..." - Minh kể.
Sau nhiều tháng vật vã để dứt tình với "nàng tiên nâu", Minh trở thành phạm nhân chăm chỉ, có ý thức cải tạo rõ rệt. Nhiều năm liền Minh được bầu là phạm nhân cải tạo tốt nhất ở trại Hoàng Tiến. Mỗi lần vợ lên thăm, ban giám thị lại ưu tiên dành "phần thưởng" 24 giờ riêng tư trong dãy nhà hạnh phúc. Đó là một dãy nhà có 5 phòng khép kín được xây bên cạnh vườn cây, ao cá. Lần đầu tiên sau bao năm xa cách, được ở riêng cùng vợ trong "căn phòng hạnh phúc" Minh bồi hồi như thuở mới cưới.
Trong đợt đầu tiên của lần đặc xá năm 2004-2005, Minh được đề nghị. "Từ lúc biết tin này, đêm nào tôi cũng nghĩ sẽ được về nhà". Nhưng rồi trong danh sách được trả tự do lần đó không có tên Minh. Lần 2, rồi cả lần 3 hy vọng vẫn chỉ là hy vọng
Lần 4 (đợt 2/9), Minh rất hồi hộp vì biết đây là đợt cuối cùng của đặc xá năm 2004-2005. Anh ngập ngừng hỏi: "Bao giờ thì có quyết định? Hy vọng lần này sẽ có tên tôi". Nghĩ về tương lai, phạm nhân thụ án được 6 năm tù này hào hứng hẳn. "Tôi thường mang ảnh con trai ra ngắm. Nếm trải những ngày tháng trong tù, tôi sẽ vượt qua cám dỗ để trở thành người chồng tốt", anh thổ lộ.
Không chỉ Minh mong được đoàn tụ cùng gia đình mà khoảng hơn 300 phạm nhân khác của Hoàng Tiến được đề nghị đặc xá đợt này. Riêng Lê Đình Sơn còn lập hẳn "kế hoạch kinh doanh" sau khi ra tù. Người đàn ông 43 tuổi này từng là cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực tầm cỡ ở Hải Dương vào đầu năm 1990.
Với vị trí cửa hàng trưởng, Lê Đình Sơn không muốn làm ăn kiểu "cò con" trong phạm vi tỉnh mà phải "vươn ra xa". Anh ta chỉ đạo xuất gạo dự trữ trong kho bán lấy tiền để vào miền Nam mua hàng hoá ra Bắc bán kiếm lời, sau đó sẽ mua gạo hoàn trả. Qua nhiều thương vụ "thắng đậm", Sơn càng ham. Nhưng năm 1992, hàng hoá bị trượt giá, cộng cả phần lãi thu về cũng không đủ để cửa hàng mua gạo bù lại. Việc kinh doanh ngày càng đi xuống.
Năm 1995, khi cửa hàng bắt đầu bị thanh tra, Sơn vội bỏ trốn. "Tôi hoảng vì không nghĩ mình lại làm thất thoát gần 140 tấn thóc".
Sơn vào Lâm Đồng làm rẫy thuê và ung dung "trụ" tại vùng này 5 năm. Năm 1999, vợ anh biết tin, tới khuyên chồng ra đầu thú. Một năm sau, Sơn bị tuyên phạt 14 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 6 năm thụ án, giờ Sơn có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá của trại Hoàng Tiến. Trò chuyện với phóng viên, người đàn ông này bộc bạch: "Nếu được ra trại lần này, tôi sẽ tiếp tục kinh doanh lương thực vì lĩnh vực này đã gắn bó với tôi hơn 10 năm. Chính những ngày trong tù tôi đã lên kế hoạch kinh doanh của mình", đôi mắt người đàn ông bừng lên vẻ hy vọng không che giấu.
Với ước mơ giản dị hơn, phạm nhân Đan Văn Quảng tâm sự nếu được tự do anh sẽ tiếp tục nghề trồng rừng. Lô bạch đàn và quế ở quê nhà Quảng Ninh mẹ già không đủ sức chăm sóc đang chờ bàn tay chăm sóc của người con trai ngày trở về. Quảng dính tới một vụ án giết người và bị kết án 14 năm tù. Ngày công an đến nhà tìm Quảng, người mẹ già đã ngất đi khi biết con trai liên quan vụ án tày đình. Với bà, người con trai vừa xuất quân, đang làm hợp đồng tại trạm kiểm lâm không thể là kẻ tham gia vào việc đánh chết người dù nạn nhân là kẻ đã trấn lột tiền của mình.
Tại trại giam Hoàng Tiến, cùng với Quảng, Minh và Sơn là hơn 2.300 phạm nhân khác đang lao động cải tạo. Một ngày làm việc mùa hè ở đây bắt đầu lúc 6h. Các phạm nhân toả đi các ngả vào khu lao động. Nhóm mài đá trang sức, nhóm dán giấy gia công, trồng rừng... Trại nằm sát chân núi, những dãy nhà lọt thỏm giữa vườn cây um tùm đang thời xanh lá.
Sau mỗi câu chào tiễn khách, ánh mắt các phạm nhân, ai cũng vẻ đau đáu ngóng đợi ngày trở về.
Theo Anh Thư
Vnexpress