1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Đặc xá - nẻo về canh cánh (2)

Trở về là về đâu, sẽ làm gì để sống, đặc biệt, mình xa lạ với chính quê mình đến mức… quên hết mọi thứ rồi. Phải làm sao? Đó là nỗi lo canh cánh không chỉ của phạm nhân Đinh Thị H.

Ai sẽ nhận kẻ dùng thuốc chuột giết người làm… ôsin?

Nói chữ “hiền lành” cho kẻ giết người lãnh án chung thân thì nghe nó nghịch nhĩ, nhưng cô sơn nữ như Man, không biết chữ, không nhớ tên xã, không nhớ tên bố mẹ đẻ, nứt mắt ra đã bị gả bán để gán nợ ở bản Dao hiu quạnh, thì thử hỏi “dữ” với ai? Vẫn cái giọng thật thà, vẫn sự dịu dàng khó tin, “nữ sát thủ” đã có quá trình cải tạo rất tốt. Được giảm từ chung thân xuống mức án 20 năm.
 
Triệu Thị Man và nước mắt cho ngày trở về.

Triệu Thị Man và nước mắt cho ngày trở về.
Hơn 14 năm ở Phú Sơn 4, Man đã 3 lần được giảm án. Và lần này là đề nghị tha tù luôn. Cái “tiếc nuối” kiểu “ma lanh nữ quái” của Man nó cũng rất hồn nhiên: Em sinh năm 1983 đấy chứ. Hồi người ta xử tội em ấy mà em nói em sinh năm 1983, thì em ngoan ngoãn cải tạo thế này, em có mà đã ra tù từ lâu rồi. Giấy khai sinh không có, em cũng chỉ đoán mình bao nhiêu tuổi thôi, nên em khai trước tòa thế.
 
Vừa năm ngoái, sau 13 năm em ở trại, em trai em mới bỏ nương rẫy xuống Thái Nguyên thăm em, nó bảo tuổi của em là sinh năm 1983. Em em (Triệu Văn Mai, 20 tuổi) cũng không biết chữ, ở nhà làm ruộng, bây giờ lớn nó mới biết nhớ chị, mới có điều kiện đi thăm chị. Xa xôi thế, mà chúng em nghèo thế.

14 năm em ở trại giam này, chỉ có mãi năm ngoái thì chị gái và em trai em đến thăm thôi, còn đâu gia đình coi như em… đã biến mất. Như đã chết. Người yêu cũ (tên là Sơn) cũng tuyệt đối chưa bao giờ thăm hỏi, không biết anh ấy còn sống không nữa?

Triệu Thị Man khóc thút thít, mái tóc vàng rủ xuống, bàn tay với những móng đỏ chót ôm lấy khuôn mặt giàn giụa nước mắt, các khoang cổ loang lổ vệt cạo gió cứ thâm nâu chạy mãi xuống phần da thịt tít bên dưới. “Từ năm 1998, bấy giờ em sắp bước sang tuổi 19, em đã bị bắt và đi cải tạo. Hơn 14 năm qua, chắc quê hương Thông Nông (Cao Bằng) thay đổi lắm. Có khi đường vào bản em bây giờ xe máy đi được rồi cũng nên, chứ ngày xưa đi bộ vất vả lắm, nhà nọ cách nhà kia mấy quả đồi.

Lúc chồng đánh em gần chết, nếu công an bản can thiệp kịp thời hoặc có chỗ để em kêu cứu thì có khi em không trộn thuốc chuột vào bát cơm của chồng. Công an hồi ấy họ ở xa lắm, xa đến mức em còn không biết là trên đời này có họ cơ mà”. 

“Bây giờ trở về, em hỏi thăm về xã em, hỏi thăm đến nhà chị gái. Không biết chị ấy có cho em ở nhờ không nhỉ? Chị ấy bây giờ chắc cũng phải gần 40 tuổi rồi. Em sẽ làm nghề gì? Ở trại em được học nghề may, được học chữ. Nhưng ở quê có ai thuê một người như em làm thợ may không? Chữ xóa mù của em có để làm gì được không nhỉ?” - Man bảo, em không biết sẽ làm gì cả, không biết sẽ ra sao... 

Có người xen vào, hay đi làm ôsin? Có người bảo, ôsin có tiền sử giết người bằng cách trộn thuốc diệt chuột vào bát cơm, quyết hạ sát chồng, giết chết thẳng cẳng người nhà chồng, có ai dám thuê không nhỉ? Nghe thế, nước mắt của Man đã lưng tròng. Man bảo: “Em thì làm gì chẳng được”.

Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm nghe hết tâm sự của Man, mới bảo: Mai kia có hội nghị bàn về tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người được đặc xá, ai muốn đăng ký nghề gì thì cứ mạnh dạn nhé. Sẽ được tạo điều kiện hết sức. Phía trại, phía tỉnh Thái Nguyên cũng rất quan tâm đến vấn đề này. 

Man lắng nghe, không nói gì, rồi lặng lẽ lau nước mắt, lặng lẽ trở lại cái bàn máy khâu của mình ở cuối cái xưởng may của hàng trăm nữ phạm nhân ấy.

Trường hợp của Triệu Thị Man không phải là cá biệt, với sự “bỏ rơi” của gia đình, với sự “mông muội” từ khi bị gán nợ làm vợ kẻ xa lạ đến hành vi “trộn thuốc chuột cho chồng ăn để… đỡ phải tiếp tục lấy nó”, rồi ngày về hun hút lo toan.

Tại sân của khu K2, chúng tôi gặp chị Đinh Thị H - người xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Vướng vào án ma túy 20 năm, thụ án tại trại Phú Sơn 4 từ năm 1999, nay đã đủ 14,5 năm ròng.
 
Đinh Thị H đang lao động cải tạo.

Đinh Thị H đang lao động cải tạo.
Đang được đề nghị xét đặc xá năm 2013, chị H vui lắm. Những bó củi lớn, những xe cải tiến gỗ được người đàn bà người Tày này cứ đẩy băng băng khi nghĩ đến này được hưởng sự tự do, không khí trong lành bên dòng sông Quây Sơn, bên thác Bản Giốc. Song chị H vẫn không thôi lo lắng, thậm chí hoang mang: Trở về là về đâu, sẽ làm gì để sống, đặc biệt, mình xa lạ với chính quê mình đến mức… quên hết mọi thứ rồi. Phải làm sao?

Chúng ta đã nhân đạo lo công ăn việc làm, lo làm sao cho người được tha tù tái hòa nhập cộng đồng mà không bị kỳ thị, không bị kẻ xấu dụ dỗ, không tái phạm gây nguy hiểm cho họ và cho cả cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt điều này ở nhiều nơi, trong nhiều năm qua. Nhưng những mảnh đời như chị H, như “người đàn bà giết chồng” Triệu Thị Man thì sao?

Đường về xa ngái, 9 núi 10 đèo, bị tách biệt khỏi nhịp sống xã hội, xa quê hương biền biệt đã hơn 14 năm trời, giờ trở lại không nghề nghiệp, không một cơ hội mưu sinh nào thật sự đáng hy vọng, thử hỏi họ sẽ đi về đâu? Quả là một câu hỏi đắng lòng, dù tất cả chúng ta chẳng ai muốn phải đặt ra và trả lời câu hỏi đó...
 
Người “nghệ sĩ trại giam” và hành động đầu tiên sau khi được đặc xá

Đỗ Đình Tuấn (SN 1983, người ở Phúc Thọ, Hà Nội, phạm tội giết người, với mức án 14 năm) đã đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá 2.9 này. Tuấn nghe tin, cứ ngất ngây mãi. Tuấn vẫn trộn ximăng, vẫn pha màu để tiếp tục nặn các bức tượng mỹ nhân ngư, tượng các cô nàng thời Phục Hưng ngực đầy như một niềm ao ước.
 
Đỗ Đình Tuấn và bức tượng làm trong trại giam Phú Sơn 4.

Đỗ Đình Tuấn và bức tượng làm trong trại giam Phú Sơn 4.
 
Đã có hàng trăm bức tượng người, con vật và các hình khối quyến rũ, các phom ghế đá vui mắt và hữu ích được Tuấn đắp, nặn trong khuôn viên của Trại giam Phú Sơn 4. 10 năm trước, đi thực tế cả tuần ở đây, người viết bài này cũng đã gặp nhiều “nghệ sĩ trại giam” làm trang hoàng, mát mắt cho các khuôn viên “nhà tù” kiểu này. Tuấn bảo: “Em chưa thông báo cho gia đình tin vui này vội, nhất là với vợ con em, vì em muốn cho họ thật sự bất ngờ khi thấy em “đẹp trai và tự do” đứng bấm chuông gõ cửa!”.

Tuấn bảo, em phạm tội giết người. Anh Nguyễn Văn Hồng ấy là chủ thuê em làm việc, ông ấy nợ tiền em rồi 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc nóng giận, em đã đâm anh ấy 3 nhát từ phía sau. Rất may anh ấy không chết. Em cải tạo tốt, đã 3 lần được giảm án, tổng số là 27 tháng. 

Một lần rất ân hận, em đã gọi điện xin lỗi anh Hồng: “Em đã sai với anh, lỗi lầm em gây ra, giờ em phải trả giá bằng 14 năm “bóc lịch”. Xin anh hãy tha thứ cho em”. “Và bây giờ, ra trại, nhất định em sẽ đến tận nơi gặp và xin lỗi anh Hồng 1 lần nữa. Em sẽ vào Thanh Hóa mở một xưởng cơ khí, phát huy tay nghề “nghệ sĩ trại giam” của mình. Vợ em đang làm cho một công ty ở Hải Phòng”.

Bên những bức tượng đẹp ở khuôn viên xanh mát trong trại giam, ai đó nói, niềm vui đoàn tụ của Đỗ Đình Tuấn năm nay là khá trọn vẹn hơn rất nhiều người.
 
Theo Đỗ Lãng Quân
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm