1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Đặc sắc phong tục chúc Tết bằng câu hát Sắc Bùa

(Dân trí) - Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các cụ ông ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hoá, huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (Quảng Bình) lại đi chúc Tết bằng những câu hát Sắc Bùa với mong muốn sang năm mới nhà nhà sẽ làm ăn khấm khá, sức khoẻ dồi dào.

Đêm cuối năm trước, không khí Tết đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường quê. Nhà nhà ai nấy đang tất bật sửa soạn cho ngày Tết cổ truyền và chờ đợi giây phút giao thời giữa năm cũ với năm mới. Đêm đó, chúng tôi quyết định tạm gác mọi công việc để về với bà con thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) để xem các cụ cao niên đi hát Sắc Bùa.

Vừa đặt chân đến cổng chào “Làng văn hóa Ba Nương”, chúng tôi đã nghe âm thanh rộn ràng của những loại nhạc cụ truyền thống và thấy một nhóm người mặc áo dài đen, quần trắng và khăn tống quấn trên đầu bước vào một nhà dân. Dừng lại hỏi chuyện, một người dân cho hay: “Đó chính là các cụ cao niên đi hát Sắc Bùa để chúc Tết đó”. Theo chân các cụ, chúng tôi đến nhà anh Đinh Minh Chính, một người dân trong thôn. Khoảng 10 giờ đêm, cổng nhà anh vẫn cài then, cửa đóng kín. Trong gian bếp hắt ra những ánh lửa đỏ hồng ấp áp. Có lẽ, cả nhà anh đang quây quần bên nồi bánh chưng ngày Tết chờ các cụ đến hát Sắc Bùa và đón giao thừa.

Thắp hương thông báo với tổ tiên tr
Thắp hương thông báo với tổ tiên trước khi hát

Sau ba hồi trống vang lên, những làn điệu hát “giáo ngọ” (dạo ngõ) do 6 cụ già râu tóc bạc phơ trong đội hát cất lên. Đây là những khúc dạo đầu để chủ nhà ra ngõ đón khách và người đi hát nói lên mục đích đến nhà. Khúc dạo ngõ bắt đầu từ những người hát chính (trong đội hát Sắc Bùa thường có 2 người hát chính để bắt nhịp cho những người còn lại hát theo). “Ngọ này là ngọ kén khách vãng lai/ Đằng trong lớp ngoài, then gài chốt đóng”. Sau đó, tiếng các loại nhạc cụ và tiếng hát đồng loạt vang lên: “Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ tiên”…

Dạo ngõ xong, chủ nhà bước ra mở cổng, đội hát lại nổi nhạc lên và hát khúc dạo cổng để chủ nhà mở cổng: “Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết năm mới bước qua/ Tới nhà ông bà tôi xin hát dạo cổng/…./Các quan đi đánh, lấy trống cầm đầu/ Chúng tôi Sắc Bùa, đêm ba mươi Tết/ Cơm lòn (cơm nấu gạo tẻ) gạo nếp, bánh trái bày ra/ Và cả hương hoa, dâng lên tiên tổ” … Xong khúc dạo cổng, anh Chính mở cổng thành tâm, thành kính mời các cụ vào nhà. Trước khi bước vào nhà, các cụ lại có thêm khúc dạo trống nhằm giới thiệu về trống như: lịch sử của trống, chất liệu, ý nghĩa của việc đánh trống... Qua khúc dạo này cho thấy, trống là một loại nhạc cụ quan trọng nhất trong hát Sắc Bùa: gồm có trống con và trống trở (trống trở còn gọi là trống mẹ vì to hơn trống con nhiều lần).

Anh Chính đon đả ra tận cổng mời khách hát vào nhà. Trong nhà, vợ anh đã trải sẵn chiếu hoa, bày thêm đĩa trầu cau, thuốc lá, nước chè xanh và bánh kẹo, hoa quả. Xung quanh chiếu, cả đội hát ngồi cùng với gia đình anh, một vài người hàng xóm và mấy đứa trẻ đi theo. Trước khi hát, người nhà và “đội trưởng” lên thắp hương cho tổ tiên gia chủ. Đứng trước mặt bàn thờ, chủ nhà giới thiệu có khách đến hát Sắc Bùa chúc Tết, còn người đại diện cho đội hát giới thiệu về mục đích của mình đến đây. Sau những nén tâm nhang thành kính, cả đội tiếp tục cất lên những câu hát chúc mừng gia chủ. 

Những câu hát Sắc Bùa chúc Tết luôn cầu mong mang lại nhiều điều tốt đẹp cho gia chủ
Những câu hát Sắc Bùa chúc Tết luôn cầu mong mang lại nhiều điều tốt đẹp cho gia chủ 

“Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết năm mới bước qua/ Chúng tôi chúc cho Táo quân bằng một câu trò/ Người trên cao thông thuộc trần gian/ Người đủ phép trừng trị ma quỷ”… Trong hát Sắc Bùa, các bài hát trong nhà là nhiều nhất như: bài chúc Trò, Táo quân, tổ tiên, gia chủ, con trai, con gái, con dâu, con rể… Những câu chúc trong bài hát đều thể hiện sự thành kính đối với những người đi trước và thể hiện sự mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với những người còn sống và hậu thế mai sau. Ngoài ra còn có bài hát của người đi lính, hát mừng nhà mới, hát chúc cho những con vật nuôi trong nhà, hát kể tháng. Hát kể tháng nhằm đúc rút về những vấn đề thời tiết, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Mỗi tháng một kinh nghiệm khác nhau nhằm cho gia chủ và tất cả mọi người tránh được những điều xấu, bất trắc, thiên tai để hướng tới những điều tốt đẹp. Có những bài hát nhằm mục đích xua đuổi tà ma, cầu mong sức khỏe cho con người và vật nuôi.  

“Hát Sắc Bùa không có loa, nhạc mà chỉ có trống, một số nhạc cụ truyền thống và những câu chúc ý nghĩa trong mỗi bài hát được lưu truyền qua nhiều thế kỷ đã làm nên một đêm giao thừa đặc biệt của người Nguồn ở Minh Hoá”, ông Đinh Thanh Dự. 

Đặc biệt trong bài “Chúc gia đình ông bà” đã thể hiện lên điều đó: “Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết, năm mới bước sang/ Chúng tôi chúc ông bà một câu trò này nữa/ Sang năm làm mùa, làm màng luôn tốt/ Trước mùa lúa, sau làm mùa ngô/ Dơi bọ không phá, bốn mùa được cả/ Ruộng đất mênh mông, đá mềm đất tốt/ Đến vụ cày cấy, làm cho kịp thời/ Đến mùa trổ bông, mưa thuận gió hòa/ Đến mùa thu hoạch, gùi gánh nặng vai/ Lúa chất đầy nhà, hàng hóa vô số… Sinh con ra, nam cũng như nữ/ Được trên thuận dưới hòa/ Ngày Tết vào ra, sum họp đầy đủ…”.

Còn bài “Chúc nguyền” cũng tương tự như thế. “…Chúc cho ông bà, phú quý sang giàu/ Chúc cho vườn tược trước sau/ Chúc cho cây mít, cây cau, cây trầu/ Ông bà trồng trọt bấy lâu/ Bán được cây trầu, tiền được dư trăm/ Chúc cho tháng tháng năm năm/ Trái bầu trái bí da nằm bóng da/ Ao môn cho đến vườn cà/ Tư ban vật vật tốt hơn mọi nhà/ Làm hàng chớ nấu rượu chua/ Làm nghề buôn bán chớ mua vội vàng/ Trăm tật khúc khuỷu đau lưng/ Chúc cho ông bà đừng có ốm đau…”. Anh Chính bảo rằng: “Mấy năm nay các cụ đến hát chúc Tết nên gia đình tôi làm ăn cũng khấm khá, sức khỏe dồi dào. Vì vậy, cứ dịp cuối năm tôi lại mời các cụ đến hát Sắc Bùa”. Hát xong nhà anh Chính, đội Sắc Bùa lại tiếp tục đến các gia đình khác trong thôn cho đến khi giao thừa.

Nói về phong tục đi chúc Tết bằng câu hát Sắc Bùa của người Nguồn ở Minh Hoá, ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn, cho biết: “Hát Sắc Bùa của người Nguồn ở Minh Hóa có từ thời Hậu Lê (1427- 1789). Ngày mới ra đời, loại hình nghệ thuật này thường được hát trong cung đình để phục vụ cho tầng lớp vua chúa. Sau đó, được nhiều người dân biết hát và truyền ra ngoài, đến với nhiều địa phương trong cả nước. Đến mỗi nơi, Sắc Bùa lại có một dị bản riêng phù hợp với vùng miền, con người, phong tục tập quán. Một nét riêng biệt của hát Sắc Bùa ở thôn Ba Nương là chỉ có các cụ ông chứ không có cụ bà…”.

Đi chúc Tết bằng câu hát Sắc Bùa là phong tục đặc sắc của người Nguồn ở Minh Hoá
Đi chúc Tết bằng câu hát Sắc Bùa là phong tục đặc sắc của người Nguồn ở Minh Hoá 

Thể loại hát Sắc Bùa chúc Tết có tất cả 32 bài. Các bài hát không có giới hạn về độ dài ngắn, không quy định số chữ trong một câu hát…”. Tất cả những bài hát trong dịp Tết đều bắt đầu bằng câu “Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết, năm mới bước sang” và kết thúc bằng câu “Hờ Lê là Lê”, điều đó nói lên rằng những làn điệu hát này xuất phát từ thời Hậu Lê. Ông Đinh Sâm, năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn say sưa với làm điệu Sắc Bùa truyền thống độc đáo của quê hương. Ông Sâm cho hay: “Khi tôi lớn lên đã nghe ông bà tôi hát Sắc Bùa rồi. Các cụ nói, hát Sắc Bùa đã được truyền qua rất nhiều đời, nhiều thế hệ trong dòng họ, xóm làng”. Còn ông Đinh Quang Dưng, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Ba Nương kể: “Ngày xưa, tại làng Ba Nương có rất nhiều người biết hát Sắc Bùa. Cứ sau ngày 20 tháng Chạp là làng tổ chức lễ chạp miếu, rồi tiễn Táo quân lên thiên đình là cả làng tập hát để chuẩn bị hát trong dịp Tết. Ngoài ra, làng còn hát Sắc Bùa trong lễ mừng nhà mới và một số lễ hội khác trong năm”.

Nhiều thế kỷ trôi qua, hát Sắc Bùa của người Nguồn ở Minh Hóa lưu giữ và phát huy. Riêng các cụ cao niên của thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa vẫn thường ngồi lại với nhau hát những lúc rảnh rỗi hay trong các dịp công diễn. Cụ Đinh Xuân Hành, tâm sự: “Sắc Bùa là làn điệu dân ca truyền thống của quê hương. Những câu hát đã ăn sâu vào từng con người nơi đây nên chúng tôi ngồi lại hát vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa cho tuổi già thêm vui”.

Để lưu giữ và phát triển những làn điệu dân ca Minh Hóa không bị mai một, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Minh Hóa đã mở một câu lạc bộ đàn hát dân ca Minh Hóa. Năm 2012, Hội di sản huyện Minh Hóa đã tổ chức hội thi hát dân ca để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của người dân Minh Hóa, các cụ thôn Ba Nương đã dành giải nhất với tiết mục hát Sắc Bùa. Một số trường học trên địa bàn huyện cũng đang đưa những làn điệu dân ca người Nguồn, trong đó có hát Sắc Bùa vào dạy. Nhờ đó mà những làn điệu dân ca người Nguồn không những được lưu giữ mà ngày càng phát triển hơn.

Minh Vương - Đặng Tài