1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Đã xác định được loại sâu phá hoại tràm Úc

(Dân trí) - Xung quanh thông tin về loài sâu lạ tấn công làm chết hàng loạt cây tràm Úc ở một số địa phương thuộc huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc trăng cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được tên loại sâu này.

Vừa qua, một loài sâu lạ tấn công làm hàng loạt cây tràm Úc ở Sóc Trăng bị thiệt hại, khiến người trồng tràm hoang mang vì không thể nào giết được loại sâu này, dù đã phun nhiều loại thuốc trừ sâu.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đã xác định được loài sâu hại tấn công cây tràm Úc có tên khoa học là Targalla delatrix (Gunee), họ Noctuidae, bộ Lepidoptera và hiện chưa định danh tiếng Việt.

Loài sâu hại tấn công cây tràm Úc có tên khoa học là Targalla delatrix (Gunee).
Loài sâu hại tấn công cây tràm Úc có tên khoa học là Targalla delatrix (Gunee).

Theo cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, nguyên nhân sâu bệnh bùng phát là do cây tràm có giá trị kinh tế cao nên nông dân canh tác theo kiểu thâm canh, nhất là việc bón phân đạm cho cây mau lớn và phun, xịt các loài thuốc trừ sâu nhiều. Từ đó, làm mất cân bằng hệ sinh thái, tiêu diệt thiên địch, như kiến vàng và các loại ong ký sinh làm sâu bùng phát mạnh trên diện rộng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, để bảo vệ rừng tràm, người dân cần thường xuyên làm cỏ để hạn chế sâu làm nhộng cũng như cắt cành, tỉa cây làm thông thoáng vườn tràm để bướm ít đẻ trứng; hạn chế việc thâm canh trong canh tác cây tràm, bón cân đối phân NPK, không bón nhiều phân đạm.

Ngoài ra, người trồng tràm không nên sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng khi số sâu chưa bộc phát nhiều để bảo vệ thiên địch, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái; khi phát hiện sâu nhiều nên phun thuốc trừ sâu sinh học để ít ảnh hưởng đến thiên địch và hệ sinh thái; đồng thời phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối vì thời gian này sâu ra ăn lá nhiều và phun đúng liều lượng được ghi trên vỏ bao bì.

Nhiều diện tích tràm Úc ở Sóc Trăng bị sâu tấn công gây thiệt hai không nhỏ.
Nhiều diện tích tràm Úc ở Sóc Trăng bị sâu tấn công gây thiệt hai không nhỏ.

Như Dân trí đã thông tin, vào giữa năm 2017, ở một số xã của huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) xuất hiện loại sâu lạ tàn phá hàng trăm ha rừng tràm Úc.

Loài sâu lạ này có chiều dài khoảng một ngón tay, có con nhỏ như cây tăm, nhưng cũng có con lớn gần bằng đầu đũa, mình trơn không có lông, màu xanh, chỉ bò lên ngọn tràm ăn khi trời tối và mát. Còn khi nắng lên, những con sâu này “bỗng dưng biến mất”, không ai có thể tìm thấy.

Trước thực trạng đó, người trồng tràm mua thuốc về phun nhưng không thể diệt được triệt để như loại sâu khác. Đặc biệt, loại sâu này thường tấn công vào cây tràm từ 1-1,5 tuổi, vì đây là giai đoạn cây đang phát triển, có nhiều lá non.

B.D