1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Đa số “thần dược” tìm được là… giả!

(Dân trí) - Đó là khẳng định của kỹ sư Trần Giỏi, Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa, về cây xáo tam phân đang bị mua bán và khai thác với tốc độ khủng khiếp ở Khánh Hòa hiện nay.

Khẳng định này được đưa ra tại Hội thảo khoa học về “Bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2013-2020” vừa tổ chức ngày 25/12, do Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Sinh thái học Miền Nam tổ chức nhằm đưa ra đề án khung cho việc bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, mang tính đặc hữu của Khánh Hòa và Việt Nam trong thời gian tới.

 

Tại hội thảo, báo cáo được nhiều đại biểu quan tâm là việc bảo vệ nguồn gen cây xáo tam phân, loại cây mới được phát hiện ở rừng Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa) nhưng đã bị khai thác kiệt quệ đến mức khó tìm gặp trong tự nhiên.
 
Một mẫu rễ cây xáo tam phân lấy được ở Rừng Hòn Hèo

Một mẫu rễ cây xáo tam phân lấy được ở Rừng Hòn Hèo

 

Theo kỹ sư Trần Giỏi, ông và các cộng sự đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu ngay khi có thông tin về loại cây này và cũng không khỏi xót xa khi mỗi lần đi thực tế tại Hòn Hèo là một lần chứng kiến sự mất đi nhanh chóng loại cây trên.

 

Tháng 4/2012, khi tiếp cận rừng Hòn Hèo, ông và cộng sự chỉ mất khoảng 100m vào rừng là dễ dàng tìm được cây, người dân Ninh Vân chèo kéo khách bán với giá rẻ 50-70 nghìn đồng/kg rễ khô. Nhưng đến ngày 18/12, khi ông trở lại đã không thể tìm thấy một cây nào dù luồn rừng cả km.

 

Theo tài liệu cây cỏ Việt Nam của GS. Phạm Hoàng Hộ thì gọi là xáo tam phân (Paramignya trimera), nhưng theo tài liệu mới nhất hiện nay thì loại cây trên còn có tên gọi là Trang xa một lá (Luvunga

monophylla). Tại Khánh Hòa, cây phân bố nhiều nhất là ở Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa), Cam Ranh, Vạn Ninh… cao từ 100-300m, sinh trưởng ở loại rừng còi, thưa, khô.

Đến thời điểm này, danh pháp của cây xáo tam phân còn nhiều nghi ngại do tốc độ khai thác quá nhanh nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa thu thập được đầy đủ hoa và quả của nó. Qua nghiên cứu, kỹ sư Giỏi và cộng sự cũng phát hiện 2 loài khác cùng họ, tuy nhiên những mẫu thu được cho thấy 2 loại này có sự khác biệt về gai, lá và rễ cây có mùi hắc hơn so với mẫu cây ở Hòn Hèo.

 

Với tình trạng khai thác kiệt quệ cây xáo tam phân ở rừng Hòn Hèo, kỹ sư Giỏi nhấn mạnh: “Hàng trăm người ngày nào cũng vào rừng tìm cây thì có lập hàng chục chốt kiểm tra kiểm soát cũng không thể bảo vệ được. Việc khoanh vùng bảo tồn cũng không nên làm lúc này vì rừng đã hết nếu ta khoanh tạm thì lại vô tình là tiêu điểm để người ta triệt hạ”.

 

Theo ông Giỏi, giải pháp chính hiện nay là tái sinh tự nhiên và nghiên cứu nhân giống. Từ đó gây trồng và phát triển cây xáo tam phân trong từng hộ gia đình, nhằm giữ được nguồn gen bền vững.
 
Một mẫu rễ cây xáo tam phân lấy được ở Rừng Hòn Hèo
Kỹ sư Trần Giỏi đang giới thiệu về cây xáo tam phân và một số cây cùng họ có hình dáng gần giống xáo tam phân.

 

Nhiều nhà khoa học tại hội thảo cho rằng việc công bố thông tin về dược tính của cây xáo tam phân khi mới chỉ thực nghiệm trên động vật đã tác động mạnh đến tâm lý người dân. Lợi dụng điều này nhiều người đã thổi phồng thêm tác dụng của cây là “thần dược chữa ung thư”, khiến cho loài cây quý bị tiêu diệt.

 

Hiện nay người dân còn tận diệt cả cây con đào về bán với giá 10.000 đồng/cây. Giá cây phơi khô cũng bị đẩy lên 1,1 - 1,7 triệu đồng/kg. Kỹ sư Giỏi nói thêm, nhiều người mua xáo tam phân ở Ninh Vân về nhờ ông kiểm chứng nhưng “đa số các mẫu này đều là giả, mỗi kg thuốc có được 30% xáo tam phân thật đã là may mắn. Có những mẫu cây giả 100%”.

 

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Khánh Hòa được xem là tỉnh có đa dạng sinh học rất lớn. Với hệ sinh vật biển có hơn 440 loài không xương sống, 350 loài san hô, 300 loài cá, 480 loài rong biển; hệ thực vật có 27.888 loài; hệ động vật quý hiếm có hơn 400 loài…

 

Tuy nhiên với sự tàn phá của con người, hiện nay rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của Khánh Hòa như Pơ mu, Bò biển, xáo tam phân… đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

Theo PGS.TS Trần Hợp, đến từ Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, với phát hiện mới đây về cây Pơmu có đường kính 3m, lớn nhất Việt Nam hiện nay, và nhiều loại cây đặc hữu khác, cần sớm đề xuất đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thành vườn quốc gia để bảo vệ tốt hệ sinh thái ở đây.
 
Cây Pơ mu có đường kính 3m ở Khánh Hòa
Cây Pơ mu có đường kính 3m ở Khánh Hòa

 

TS Lưu Hồng Trường, Viện Sinh thái học miền Nam, đồng tình và cho rằng phương pháp bảo tồn tốt nhất là phải gắn với phát triển du lịch.

 

Hải Anh