Đà Nẵng mở rộng mạng lưới xe buýt, phấn đấu có buýt nhanh BRT
(Dân trí) - Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng có 28 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 21 tuyến buýt thường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng vừa ký phê duyệt đề án Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, quan điểm của Đề án là mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo mật độ bao phủ đạt tiêu chí trong phạm vi 500m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt (đạt tỷ lệ khoảng 50% - 70% tại khu vực trung tâm thành phố). Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân bằng xe buýt.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 có 26 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 19 tuyến buýt thường. Đến năm 2030 có 28 tuyến, gồm 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 21 tuyến buýt thường.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các quy định, chính sách nâng cao hiệu quả khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố như: thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố; cấm đỗ xe theo ngày chẵn ngày lẻ, cấm đỗ xe giờ cao điểm; đầu tư bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm, ven biển, các khu vực tuyến đường vành đai phục vụ trung chuyển, khu vực đầu mối vận tải công cộng; phân luồng, hạn chế phương tiện cơ giới tham gia giao thông vào giờ cao điểm khu vực trung tâm thành phố.
Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách phục vụ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, hiệu quả khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố để kịp thời bổ sung, điều chỉnh mật độ mạng lưới, lộ trình tuyến, điểm dừng - đỗ, điểm đầu - điểm cuối và kết nối các phương thức khác phù hợp với nhu cầu thực tế. Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy hoạch được duyệt như bến bãi, điểm đầu - cuối, các điểm bán vé, nhà chờ, điểm dừng...
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện tổ chức thông báo công khai, rộng rãi nội dung đề án, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện đề án, nếu có vướng mắc phát sinh cần điều chỉnh, sửa đổi, báo cáo kịp thời về UBND thành phố xem xét, quyết định.
Khánh Hồng