1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng PCI

(Dân trí) - Đà Nẵng lần đầu tiên vượt qua Bình Dương để đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hai đầu tàu kinh tế là TPHCM và Hà Nội chỉ lần lượt xếp thứ 13 và 31 trong bảng xếp hạng.

Đây là năm thứ tư chỉ số PCI ở Việt Nam được công bố thông qua khảo sát gần 8.000 doanh nghiệp trên cả nước.

3 khác biệt so với năm ngoái

Chỉ số PCI 2008 được công bố sáng nay 11/12 có 3 điểm khác biệt so với kết quả xếp hạng của năm ngoái. Thứ nhất, lần đầu tiên trong 4 năm, Đà Nẵng (với 72,18 điểm) đã vượt qua Bình Dương (71,76 điểm) để đứng đầu bảng xếp hạng.

Các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm nay lần lượt là Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Lào Cai, An Giang và Thừa Thiên - Huế.

Khác biệt thứ hai là điểm số PCI năm 2008 có trọng số của tỉnh trung vị (53,2) thấp hơn so với năm 2007 (55,6 điểm). Sự sụt giảm về điểm số tập trung vào hai chỉ số thành phần: Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đào tạo lao động.

Đáng lưu ý là kết quả này được ghi nhận ở hầu hết các tỉnh và phần nào phản ánh sự không hài lòng đang có chiều hướng gia tăng của khu vực tư nhân đối với hiệu quả đóng góp của cán bộ địa phương và trung ương về phát triển kinh tế. Trong một số trường hợp, cảm nhận không tích cực của doanh nghiệp là do chất lượng các dịch vụ công đang giảm sút.

Một sự khác biệt nữa là so với năm 2007 đó là sự dịch chuyển trong các nhóm tỉnh xếp hạng. Số tỉnh nằm trong nhóm Rất tốt và Tốt ít hơn so với năm ngoái.

Chẳng hạn như năm nay cả Bình Định và Vĩnh Long đều giảm xuống dưới 69 điểm là mốc được dùng để phân chia nhóm xếp hạng Rất tốt và nhóm Tốt. Trong khi đó, Vĩnh Long lại vượt lên trên điểm mốc này.
 
Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng PCI - 1
Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.

Dành 10% quỹ thời gian để giải quyết các thủ tục hành chính

Năm nay, điểm số chung của các tỉnh, thành phố thấp hơn năm ngoái. Điều đó cho thấy doanh nghiệp tỏ ra thất vọng trước việc lãnh đạo địa phương không đáp ứng được kỳ vọng ngày một tăng của họ và tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn hiện nay.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế VCCI cho biết kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa số tỉnh có bước nhảy vọt lớn nhất là các tỉnh có cam kết pháp lý để cải thiện kết quả điểm số PCI.

Đó là những tỉnh mà lãnh đạo công khai cam kết cải thiện công tác điều hành với cấp dưới và trong nhiều trường hợp đến cả người dân như: Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Quảng Ngãi.

Một sự chuyển biến quan trọng trong PCI năm nay là việc sử dụng các toà án kinh tế tỉnh/địa phương đã tăng mạnh. Có thể xem việc doanh nghiệp dân doanh tăng cường sử dụng toà án là một chuyển biến tích cực vì điều này cho thấy lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật, tư pháp đang tăng lên.

Tuy nhiên, chỉ số thành phần Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước lại thay đổi theo chiều hướng đáng lo ngại. Cụ thể là tỷ lệ phần trăm chi phí thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để giải quyết các công việc liên quan đến giấy tờ và thủ tục hành chính tiếp tục tăng.

Hiện tại, có tới 23% số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, trong khi số doanh nghiêp nhận định có sự cải thiện trong các rào cản về thủ tục hành chính là không nhiều.

Hiện vẫn còn nhiều loại chi phí phiền hà phát sinh khi doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hậu đăng ký. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về giấy tờ và các loại thủ tục phiền hà trong tiếp xúc và làm việc hàng ngày với cán bộ địa phương.

Tình trạng khá phổ biến ở Việt Nam là mỗi tỉnh lại có cách hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau. Hơn nữa, mức độ thường xuyên và các khoản chi phí không chính thức và những khó khăn do phải chi trả các khoản này vẫn không thay đổi trong suốt ba năm qua, bất chấp các nỗ lực công khai của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện tình hình, chính quyền tỉnh vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để giúp doanh nghiệp tư nhân giảm chi phí giao dịch sau khi đăng ký kinh doanh bao gồm các khoản phí phát sinh từ thủ tục phiền hà và chi phí không chính thức chi trả cho cán bộ địa phương trong hoạt động thường nhật của doanh nghiệp.

Lan Hương