1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng dọa kiện Bộ TN&MT

TP Đà nẵng cho rằng Bộ TN&MT đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và lờ đi lợi ích của gần 1,7 triệu dân vùng hạ du.

“Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT góp ý về Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 (gọi tắt là dự thảo) do bộ này soạn thảo” - ngày 10/2, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, cho biết.

 

Coi nhẹ lợi ích của 1,7 triệu dân

 

Theo ông Thắng, dự thảo khống chế mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là 2,53 m làm cơ sở vận hành. Việc khống chế mực nước trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và xâm hại lợi ích của người dân vùng hạ du TP Đà Nẵng, Quảng Nam.

 

“Trị số 2,53 m là giá trị trung bình của từng tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm. Ai cũng biết thời kỳ thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước rơi vào lúc này. Chọn mực nước ấy làm cao trình mực nước khống chế đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái cạn kiệt” - ông Thắng bày tỏ.

 

Đập thủy điện Đắk Mi 4. Ảnh: Lê Phi

Đập thủy điện Đắk Mi 4. Ảnh: Lê Phi

 

Dự thảo cũng quy định khi hạ du thiếu nước nghiêm trọng, hồ thủy điện Đắk Mi 4 chỉ phải xả trả lại sông Vu Gia 12,5 m3/giây. Ông Thắng phân tích: Trung bình hằng năm, thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi trong mùa cạn 1.200 triệu m3 nước. Trong khi đó, thủy điện A Vương chỉ bổ sung được 266 triệu m3, thủy điện Sông Bung 4 bổ sung thêm 234 triệu m3. Có nghĩa là khi vận hành quy trình này, hạ du sông Vu Gia vẫn thiếu tới 700 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện.

 

“Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả lại cho sông Vu Gia 25 m3/giây (thủy điện này lấy nước của sông Vu Gia để phát điện nhưng lại trả nước về sông Thu Bồn - PV) nhưng quy trình này làm trái chỉ đạo đó. Đơn vị tư vấn lập dự thảo chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia luôn phải đối mặt với thiếu nước” - ông Thắng bộc bạch.

 

Sẽ kiện ra tòa  

 

Trao đổi với Pháp Luật TPHCM, ông Thắng cho hay TP Đà Nẵng hằng năm phải gánh chịu hậu quả cực kỳ nghiêm trọng vì hạn hán, thiếu nước ngọt do thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng. Việc thiếu nước của Đà Nẵng đã ở mức độ báo động, không chỉ ở mùa khô. Thiệt hại về kinh tế, hậu quả về bệnh tật, mùa màng không thể đong đếm được.

 

“Nếu quyền lợi của gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du bị coi nhẹ hơn lợi ích của thủy điện, Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP sẽ đề nghị TP Đà Nẵng khởi kiện thủy điện Đắk Mi 4 và cả Bộ TN&MT ra tòa để giải quyết” - ông khẳng định.

 

Được biết, UBND TP Đà Nẵng cũng đồng ý với những lập luận của Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP. Căn cứ pháp luật để TP Đà Nẵng khởi kiện là: Dự thảo đã vi phạm nghiêm trọng các khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm khoản 1 Điều 9 về các hành vi bị cấm; khoản 1, 2 Điều 54 về điều hành, phân phối tài nguyên nước; khoản 1 Điều 55 về chuyển nước lưu vực sông; khoản 3 Điều 60 về phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo… của Luật Tài nguyên nước.

 

Ông Thắng cho hay dự thảo còn mắc phải một sai lầm lớn là thiếu thực tế. Vì trong hai năm qua tại thượng lưu điểm chia nước giữa sông Quảng Huế và Ái Nghĩa đã có sự thay đổi rất lớn trong phân phối dòng chảy mùa cạn. Trước đây, tỉ lệ nước về sông Quảng Huế chỉ 20% và sông Ái Nghĩa là 80% nhưng hiện này tỉ lệ này là 40%-60%. Điều này làm cho đáy sông Quảng Huế bị xói sâu, còn đáy sông Ái Nghĩa bị bồi lấp nặng dẫn đến việc khi mực nước ở cùng một cao trình thì lượng nước ở sông Ái Nghĩa đã bị giảm đi rất nhiều.

 

TP Đà Nẵng đã tính toán cụ thể: Mực nước trung bình trong 37 năm qua (1976-2012) tại trạm Ái Nghĩa là 3,37 m; mùa khô là 2,93 m và ba tháng kiệt nhất là 2,80 m. Từ đó, TP đề nghị Bộ TN&MT chọn mực nước khống chế tại trạm Ái Nghĩa là 2,80 m trong suốt mùa cạn. Khi mực nước thấp hơn 2,80 m, thủy điện Đắk Mi 4 phải xả trả lại sông Vu Gia 25 m3/giây; khi bằng 2,80-2,93 m xả 12,5 m3/giây và khi mực nước đạt trên 2,93 m xả 5 m3/giây.

 

“Với cách vận hành trên, trung bình hằng năm thủy điện Đắk Mi 4 sẽ xả trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3, chỉ bằng 38% so với tổng lượng nước mà thủy điện này đã lấy đi trong mùa cạn của sông” - ông Thắng nói.

 

Nên giao hết trách nhiệm cho địa phương

 

Dự thảo giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, vận hành các thủy điện trong lũ lụt nhưng khi hạn hán, thiếu nước lại không được phép điều hành. Chúng tôi cho rằng việc chỉ đạo vận hành các thủy điện trong mùa cạn cũng nên giao trách nhiệm điều hành cho Quảng Nam, TP Đà Nẵng.

 

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng

 

Theo Lê Phi
 Pháp luật TPHCM