1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng: “Bỏ quên” một địa chỉ đỏ

(Dân trí) - Trong số các địa điểm liên quan tới lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đà Nẵng, có thể nói địa chỉ 52 - 54 Trần Bình Trọng, quận Hải Châu là một nơi nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nơi này chưa được “đối xử” xứng tầm với một “địa chỉ đỏ” mang tầm quốc gia.

Số 52 Trần Bình Trọng (TBT) xưa kia là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tùng (bạn của các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế…), là nơi lui tới hội họp của những người yêu nước. Tại đây, năm 1927, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời, khởi đầu cho lịch sử Đảng trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.

 

Bên cạnh, ngôi trường tư thục Cự Tùng (do ông Tùng lập ra, nay là số 54 TBT) đã từng được bí mật dùng để đào tạo lý luận cách mạng cho nhiều lớp cán bộ trong những năm 1928, 1929. Hiện nay, trước cổng nhà số 54 vẫn còn một tấm bảng đá ghi lại sự kiện lịch sử ấy, do Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) dựng lên.

 

Ông Nguyễn Công Châu, người đang coi sóc ngôi nhà 52 TBT (bây giờ là từ đường họ Nguyễn), cho biết từ ngày dựng cái bảng đá đến nay, cơ quan chức năng chưa hề có bất cứ một động thái nào gọi là đầu tư tôn tạo cho ngôi từ đường. Chỉ có mấy năm trước, do ngôi nhà xuống cấp quá nặng, ông Châu mới sửa chữa (sau khi xin phép qua nhiều ban bệ).

 

Trong từ đường hiện còn đường nét của một ngôi nhà cổ và những di vật ghi lại tình bạn giữa ông Nguyễn Văn Tùng với các nhà cách mạng nổi tiếng. Nhưng những di vật này cũng không được nâng niu, bảo tồn đúng mức.

 

Còn ngôi nhà 54 TBT thực chất chỉ còn là một căn lều nát. Không ai còn có thể liên hệ hình ảnh “căn lều”  này với nội dung trang trọng khắc trên bảng đá trước cổng. Theo bà Ánh chủ nhà, gần 20 năm nay, gia đình bà không được phép sửa chữa hay làm lại  nhà vì đây là “di tích cần được bảo tồn”. Nhưng bảo tồn thế nào thì lại không thấy cơ quan chức năng đả động đến. Năm 2002, UBND TP Đà nẵng quyết định thu hồi ngôi nhà số 54 TBT để giao lại cho Sở VH-TT đầu tư xây dựng lại khu di tích cách mạng.

 

Trong khi đó, theo một văn bản của Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng cũ thì kiến trúc của nhà số 52 TBT so với thời điểm lịch sử “đã xây dựng lại thay đổi hoàn toàn”, và ngôi trường Cự Tùng cũng “không còn nữa”. Sở VH-TT chỉ quản lý hai địa chỉ này như “một địa điểm lịch sử” mà thôi. Nghĩa là nơi này chỉ còn ý nghĩa là “di chỉ” chứ không đủ căn cứ để gọi là “di tích”. Vậy Sở VH-TT Đà Nẵng sẽ căn cứ vào đâu để phục dựng một không gian lịch sử? Còn nếu chỉ xây lên một công trình mới, liệu nó có xứng đáng với danh hiệu “di tích” hay không?

 

Vậy là với việc quản lý, khai thác địa điểm lịch sử không triệt để, các cơ quan có trách nhiệm đã khiến gia đình ở số 54 TBT phải chịu cảnh “tạm cư” gần 20 năm trong chính nhà mình. Họ phải miễn cưỡng giao đất với giá đền bù không tương xứng với giá thị trường và chuyển vào tái định cư. Chủ ngôi nhà này cho biết họ chuyển đi vì tôn trọng chủ trương xây dựng “di tích lịch sử” của nhà nước và cũng vì quá mỏi mệt với điệp khúc “không được phép sửa nhà vì thuộc diện di tích” của cơ quan chức năng.

 

Cần phải nhắc lại rằng các di tích lịch sử được công nhận và gìn giữ, tôn tạo trước hết là vì truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhưng quan trọng hơn là nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu và trân trọng lịch sử. Nhưng thời gian qua, không chỉ ở Đà Nẵng, tình trạng những di tích lịch sử được công nhận, được xếp hạng rồi bị “bỏ xó” vẫn diễn ra hàng ngày, và việc những địa chỉ đỏ này mai một, xuống cấp, thậm chí “thất lạc” đi là điều không thể tránh khỏi.

 

Như Thể

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm