“Đã là cán bộ, công chức thì không nên xăm hình”

(Dân trí) - Theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mỗi cán bộ, công chức khi đến trụ sở cần quan tâm hơn đến bề ngoài, tránh phản cảm với đồng nghiệp, người dân. Và đã là cán bộ, công chức thì không nên xăm hình, vẽ hình phản cảm.

Chiều ngày 26/12, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trao đổi với phóng viên báo Dân trí làm rõ những vấn đề liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan nhà nước sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017.

- Xin ông cho biết mục tiêu Bộ Quy tắc ứng xử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội hướng tới khi ban hành?

- Bộ quy tắc ứng xử ban hành nhằm mục đích xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Định hướng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các chuẩn mực trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với tổ chức và công dân; trong gia đình và xã hội. Giữ gìn và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng đã là cán bộ, công chức thì không nên xăm hình
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng đã là cán bộ, công chức thì không nên xăm hình

- Qua thực tế và quá trình nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc, ông đánh giá thế nào về cách ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức Hà Nội hiện nay?

- Về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô đa phần đã thể hiện được các chuẩn mực trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với tổ chức và công dân; trong gia đình và xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Tuy nhiên, còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn chưa chuẩn mực trong trang phục, tác phong, thái độ giao tiếp ứng xử, nhất là ứng xử với công dân, gây bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua.

Qua nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân của hạn chế trên, nhưng chủ yếu là nhận thức của cán bộ công chức chưa nhận thức rõ trách nhiệm là người phục vụ nhân dân, còn tư tưởng cũ là đứng trên nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Những biểu hiện thiếu chỉn chu, chuẩn mực về hình thức bề ngoài cũng từ đó mà sinh ra, từ dáng đi đến cách nói năng vẫn còn theo tư duy "bề trên" với công dân…

- Ông có nhìn nhận thế nào với những công chức mặc váy ngắn, dùng nước hoa quá đậm hương, phấn son quá mức đến cơ quan?

- Như đã nói ở trên, mục tiêu của Bộ quy tắc là định hướng các chuẩn mực chứ không phải một văn bản pháp quy cứng nhắc có thể lượng hóa thế nào là váy ngắn, thế nào là nước hoa và son phấn phù hợp. Nội dung của Bộ Quy tắc là sự khuyến cáo, định hướng hành vi để mỗi khi công chức khi đến trụ sở cần phải quan tâm hơn đến bề ngoài, tránh phản cảm với đồng nghiệp, với công dân, nhất là các công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, không nên tạo khoảng cách quá lớn giữa công chức và công dân, công dân đến làm việc có cả người già, trẻ em, người dân nghèo…

- Tại sao Hà Nội lại khuyên cán bộ, công chức không nên xăm hình, vẽ hình phản cảm trên người?

- Xăm hình, vẽ hình phản cảm ở các khu vực lộ ra của cơ thể thì tất nhiên là không nên rồi. Cũng có những quan điểm về tự do cá nhân cho rằng không nên quy định điều này, nhưng quy chuẩn đưa ra là về các hình xăm, hình vẽ phản cảm thì đối với cán bộ, công chức, việc này chắc chắn là không nên. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là đây là quy tắc mang tính định hướng các chuẩn mực của cán bộ công chức nên nó có vai trò hướng dẫn hành vi…

- Tại sao Hà Nội chỉ khuyến cáo cán bộ, công chức thực hiện Bộ quy tắc mà không đưa ra chế tài xử lý những người “phạm quy”?

Bộ quy tắc sau khi được ban hành sẽ triển khai tới từng cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai và quán triệt Bộ quy tắc này đến từng công chức; niêm yết công khai bộ quy tắc tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện để xếp loại thi đua của công chức hàng năm, đó là quy định trách nhiệm của người đứng đầu.

Công chức phải nắm vững và có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định; vận động, giám sát, nhắc nhở đồng nghiệp cùng thực hiện. Các cơ quan truyền thông phổ biến nội dung Bộ quy tắc, phát hiện, cổ vũ, động viên những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; phê phán các biểu hiện, hành vi vi phạm; thông báo cho người dân biết và cùng giám sát.

Tôi tin tưởng rằng với những quy định cụ thể trách nhiệm như vậy, cùng với sự tiếp nhận của cán bộ công chức, sự ủng hộ của nhân dân thì Bộ quy tắc sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)