Quảng Nam:

Đã có hiện tượng thương lái mạo danh “dưa vùng lũ”

(Dân trí) - Hiện nay đã hết lứa dưa bị ảnh hưởng bởi đợt lũ vừa qua, nhưng một số nơi vẫn mạo danh “dưa hấu vùng lũ để bán với giá cao nhằm đánh vào lòng nhân ái của người tiêu dùng.

Đó là ý kiến của ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam) - khi trao đổi với PV Dân trí về việc người dân ở các nơi bán dưa hấu giúp người dân vùng lũ của huyện trong thời gian qua.
Nông dân “khóc” với dưa hấu ngập lũ
Nông dân “khóc” với dưa hấu ngập lũ

Ông Mẫn cho biết, trong đợt lũ cuối tháng 3 vừa qua, toàn huyện có 87ha dưa hấu bị hư hại, ước tính thiệt hại 5,2 tỉ đồng, trong đó 5 xã Đại Đồng, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong và Đại Nghĩa bị thiệt hại nặng nhất.

“Dưa Đại Lộc đã hết, hiện có thương lái mạo danh “dưa vùng lũ” để tiêu thụ cho được giá. Người ta mua dưa ở đâu chứ không mua dưa ở đây, mang đi các nơi bán rồi mạo danh là dưa vùng lũ. Thực tế là huyện Đại Lộc, đặc biệt là vùng lũ của huyện, đã hết dưa”, ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết.

Theo người dân huyện Đại Lộc, trong đợt lũ vừa qua, vùng dưa ngập lũ của huyện Đại Lộc bị hư hại không thể bán được, còn dưa những vùng không ngập lũ thì bị tiểu thương ép giá, mua với giá thấp. Điều này khiến người dân trồng dưa thiệt đơn thiệt kép.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Mai Anh Sơn – Bí thư huyện đoàn Đại Lộc – cho biết, trong đợt lũ vừa qua phong trào tình nguyện của thanh niên và đoàn viên ở một số địa phương đã giúp người dân Đại Lộc tiêu thụ được rất nhiều dưa.

Sau khi lũ lụt xảy ra, vùng dưa của một số xã bị ngập và hư hỏng, còn lại dưa những vùng chưa ngập thì bị tiểu thương ép giá. Cuối tháng 3, sau khi lũ về, giá 1kg tại ruộng là 2 ngàn đồng; đến đầu tháng 4, khi dưa chín rộ thì giá bị ép xuống còn 500-1.000 đồng/kg.
 
Huyện đoàn Đại Lộc tuyên dương thanh niên giúp dân bán dưa hấu
Huyện đoàn Đại Lộc tuyên dương thanh niên giúp dân bán dưa hấu

Từ sáng kiến của một doanh nghiệp ở TPHCM là người con của huyện Đại Lộc phát động, huy động lực lượng thanh niên và đoàn viên về hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch dưa, lực lượng này mua dưa của bà con nông dân Đại Lộc với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg rồi chở đến các địa phương khác tiêu thụ.

Trong tuần đầu tiên của tháng 4, do dưa hấu chín rộ nên bà con nông dân huyện Đại Lộc thu hoạch nhiều và bán cũng không hết nên lực lượng thanh niên tình nguyện đã huy động thêm lực lượng và mở rộng thị trường ra tận Hà Nội. Theo Bí thư huyện đoàn Đại Lộc, có tất cả trên 100 thanh niên tình nguyện thành lập 6 đội để mua và bán dưa hấu giúp bà con nông dân.

Tại Đại Lộc, đội tình nguyện vận chuyển dưa đưa lên xe, còn ở các địa phương khác cũng có đội tình nguyện bán dưa giúp bà con. Tổng cộng qua đợt lũ, các đội tình nguyện đã tiêu thụ giúp bà con nông dân 160 tấn dưa với giá bán bình quân 3.500 đồng/kg. Tổng cộng các tình nguyện viên đã bán được khoảng 800 triệu đồng tiền dưa hấu giúp bà con nông dân.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên cũng đã quyên góp được 40 triệu đồng giúp người dân một số xã của huyện Đại Lộc bị thiệt hại 100%  diện tích dưa trong đợt lũ vừa qua.

Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều nông dân ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) vẫn chưa hết buồn vì “tiền đã bỏ vào túi mà phải trả lại”. Nông dân Kiều Thanh Hồng (47 tuổi, trú thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa) dẫn tôi ra cánh đồng dưa bên kia sông Vu Gia. Đứng bên này sông nhìn qua bên kia sông mà lòng đau như cắt, ông cũng không buồn chèo ghe qua dọn dẹp lứa dưa bị hỏng do lũ.
 
Huyện Đại Lộc có gần 90ha dưa bị ngập lũ
Huyện Đại Lộc có gần 90ha dưa bị ngập lũ

Ông Hồng kể: "Tôi có 1,5ha dưa, tôi chỉ ước đạt khoảng 20 tấn dưa thôi. Với giá tại ruộng là 3 ngàn đồng mỗi ký, tôi thu cũng được 60 triệu đồng. Trừ tiền thuốc men, công, giống... tôi có thể lãi được trên 20 triệu đồng qua 2 tháng nhưng giờ tôi mắc nợ tiền phân thuốc gần 20 triệu đồng không biết lấy đâu ra để trả".

“Cuối tháng 3, thương lái đặt cọc trước tôi 10 triệu đồng để mua dưa nhưng ngày 29 và 30 tháng 3 vừa qua, trời ổng quất trận lụt, thế là trắng tay, tôi phải trả lại tiền đặt cọc cho người ta. Tôi hỏi anh chứ tiền mình đã cầm rồi mà còn chưa chắc ăn thì là do cái số mình không được ăn rồi”, ông Hồng nói như khóc.

Còn ông Nguyễn Văn Mẹo (60 tuổi, trú thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa) cũng không buồn chèo ghe qua cánh đồng bên kia sông Vu Gia sửa soạn lại đám ruộng dưa để làm vụ khác. Ông Mẹo kể hôm trời mưa to, lũ lớn đổ về, vợ ông ra nhìn ruộng dưa mà không cầm được nước mắt nên đứng giữa đồng khóc ngon lành. Dưa chỉ còn vài ngày nữa thu hoạch mà "trời không cho ăn" thì đành chịu.

Nhiều nông dân ở xã Đại Nghĩa giờ không có tiền để mua lại giống, phân, thuốc để xuống giống vụ mới vì mắc nợ các đại lý và các đại lý thì không có tiền để xoay xở. Ông Nguyễn Văn Mẹo nói giờ chỉ trông chờ vào xã, huyện có hỗ trợ được đồng nào hay đồng nấy để làm lại vụ mới, nếu không nông dân sẽ rất khó khăn.

 Trong chiều ngày 16/4, nhiều người dân Đà Nẵng đã có mặt tại điểm bán dưa hấu bên cạnh trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng để mua dưa ủng hộ bà con Quảng Ngãi. Theo ghi nhận tại điểm bán dưa hấu trên, những quả dưa ở đây khá to, từ 5-11kg/quả, được bán với giá chỉ 3.500 đồng/kg. 

Được biết, số dưa hấu này nằm trong chiến dịch kết nối hỗ trợ tiêu thụ dưa cho nông dân Quảng Ngãi - “Mỗi quả dưa, một tấm lòng” của anh Đặng Như Quỳnh. Dưa được thu mua tại ruộng với giá 3.000 đồng/kg và được vận chuyển ra Hà Nội để phân phối. Tuy nhiên do xe chở quá tải trọng nên phải hạ tải 1 phần tại trạm cân Hòa Châu, Đà Nẵng vào ngày 16/4.

Ngay trong buổi trưa cùng ngày, số dưa phải hạ tải đã được các phóng viên, kỹ thuật viên của văn phòng đại diện Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tại Đà Nẵng cùng các bạn sinh viên Đại học Đông Á đưa về Đà Nẵng tiêu thụ để ủng hộ bà con, thu hút nhiều người dân đến mua.

Cầm trên tay quả dưa nặng gần 10kg, chị Nguyễn Thị Thủy (39 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Xem tivi, đọc báo thấy bà con nông dân khổ quá. Các cháu ở nhà cũng thích ăn dưa nên tôi mua ủng hộ. Giúp được từng nào hay từng đó". 

Đã có hiện tượng thương lái mạo danh “dưa vùng lũ”

Cũng cùng suy nghĩ như chị Thủy, bạn Trương Kiệt (20 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng) chia sẻ: “Sinh viên như mình thì không có nhiều tiền để quyên góp hay ủng hộ cô chú, mỗi quả dưa giá rẻ như thế này có lẽ là của ít nhưng lòng nhiều”. Số tiền thu được sẽ được trao tận tay bà con nông dân trồng dưa tại Quảng Ngãi.


Mỗi một quả dưa được bán ra là một tấm lòng gửi đến bà con trồng dưa.
Mỗi một quả dưa được bán ra là một tấm lòng gửi đến bà con trồng dưa.

Đoàn Sơn

 
Công Bính