Đã có 1 người thiệt mạng do bão số 12

(Dân trí) - Tính đến 17h ngày 3/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 1 người chết do nước lũ cuốn trôi. Bên cạnh đó, 2 tàu cá với 29 ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 12 vẫn mất liên lạc với đất liền.

Ninh Thuận: Sóng dữ dội tràn mặt đê chắn

Đã có 1 người thiệt mạng do bão số 12 - 1

Sóng biển bắt đầu mạnh lên từ tối, hiện đã đánh tràn mặt kè đường ven biển

Sóng biển bắt đầu mạnh lên từ tối, hiện đã đánh tràn mặt kè đường ven biển

Gần 23h đêm 3/11, theo ghi nhận, tại bờ biển phường Đông Hải TP Phan Rang - Tháp Chàm, sóng đang rất lớn cao từ 3-4 m. Mọi người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Bớt cố chằng néo thêm cho nhà chắc chắn, nói “Tối nay sao ngủ được!"


Ông Nguyễn Bớt - một người dân tại phường Đông Hải phải sơ tán để tránh bão

Ông Nguyễn Bớt - một người dân tại phường Đông Hải phải sơ tán để tránh bão

Ông Nguyễn Bớt, một người dân ven biển Đông Hải cho biết, hơn 20 năm trở lại đây chưa có cơn bão nào đổ bộ vào Ninh Thuận. Hiện gia đình ông đã đi sơ tán tới nhà người quen để tránh bão.

Quảng Ngãi: Nước lũ cuốn trôi 1 người

Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 17h ngày 3/11, tỉnh Quảng Ngãi có 205 tàu cá với 3.277 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, số tàu hoạt động tại vùng biển bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 12 là 75 tàu với 2.195 lao động.

Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi vào cảng tránh trú bão
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi vào cảng tránh trú bão

Đến 16h ngày 3/11, lực lượng chức năng đã liên lạc được 73 tàu với 2.166 ngư dân để hướng dẫn tìm nơi tránh, trú bão an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 2 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) mất liên lạc với đất liền. Trong đó, tàu QNg 90478 TS do ông Lưu Đình Dũng làm thuyền trưởng, trên tàu có 15 ngư dân và tàu QNg 95249 TS do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng với 13 ngư dân trên tàu.

Đối với tuyến đường biển Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại cũng đã tạm dừng hoạt động vào sáng ngày 3/11. Tất cả du khách trên đảo Lý Sơn đã kịp thời vào đất liền an toàn. Huyện đảo Lý Sơn đã dự trữ lương thực, thực phẩm đủ phục vụ cho người dân trên đảo trong 15 ngày để đề phòng thời tiết xấu kéo dài.

Dự báo trong đêm ngày 3/11 trên địa bàn Quảng Ngãi sẽ có mưa rất to, mực nước trên các sông có khả năng lên rất cao
Dự báo trong đêm ngày 3/11 trên địa bàn Quảng Ngãi sẽ có mưa rất to, mực nước trên các sông có khả năng lên rất cao

Liên quan đến mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12, tại huyện Ba Tơ đã có 1 người chết. Nạn nhân là ông Phạm Văn Hiệu (sinh năm 1964, ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) bị nước lũ cuốn trôi khi đi ngang qua suối.

Cũng trong chiều 3/11, tại địa bàn xã Ba Xa (huyện Ba Tơ) đã xảy ra một vụ sạt lở núi làm vùi lấp 4 con trâu của người dân địa phương.

Phú Yên: Di dời 4.000 hộ dân tránh bão số 12

Đến 18h chiều nay, tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 4.000 hộ dân với 18.000 nhân khẩu đi tránh bão. Ngoài lo tránh bão, người dân đang lo lắng trước nguy cơ lũ về.

Người dân di dời tài sản và vật nuôi lên nơi cao, khô ráo, đề phòng lũ về

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, hầu hết người dân sơ tán sinh sống ở các vùng ven biển có nguy cơ sạt lở, trũng thấp, ven sông…Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng buộc tất cả người dân làm việc trên các lồng bè vào đất liền.


Người dân tại huyện Đồng Xuân đưa bò lên cao tránh lũ

Người dân tại huyện Đồng Xuân đưa bò lên cao tránh lũ

Hiện các lực lượng chức năng ở Phú Yên đã kêu gọi 6.468 tàu thuyền vào bờ tránh bão. Riêng 41 tàu cá của ngư dân Phú Yên hoạt động trên vùng biển Trường Sa cũng đã di chuyển ra vùng nguy hiểm của bão số 12.

Ông Sang đưa vật dụng cần thiết lên cao vì sợ lũ sau bão
Ông Sang đưa vật dụng cần thiết lên cao vì sợ lũ sau bão

Từ chiều 3/11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên bắt đầu có mưa lớn, sóng biển ven bờ đã dâng cao. Ghi nhận của PV cho thấy ngoài ứng phó với bão số 12 sẽ đổ bộ vào rạng sáng 4/11, nhiều người dân ở Phú Yên đang lo lắng trước nguy cơ xảy ra lũ rất lớn sau bão.

Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bão lũ
Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bão lũ

Ông Nguyễn Văn Sang, trú xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa nói: “Nghe tin bão dữ, người dân ở đây rất lo lắng, chiều giờ gia đình nào cũng lo chằng chống. Ngoài lo bão, vùng này thấp nên rất hay xảy ra lụt, hiện gia đình cũng đang chuẩn bị di dời vật dụng để đưa lên cao đây…Heo, bò cũng chuẩn bị sẵn nơi cao ráo cho nó rồi, nếu tình hình mà khẩn cấp là tôi đưa lên ngay. Về lương thực thực phẩm tôi cũng mới bảo mấy đứa con đi mua mì tôm, sữa, dầu hỏa về tích trữ…”.

Bình Định: Hơn 26.000 hộ dân có khả năng phải di dời

Tối 3/11, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết hiện tỉnh này đã lên phương án cụ thể để có thể di dời hơn 26.000 hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm trong trường hợp bão số 12 gây nguy hiểm tại địa phương.

Theo ông Hổ, hiện những hộ dân đang đặt trong tình trạng sẽ phải di dời nằm ở các vùng ven biển như ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (huyện Phù Cát), Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoải Hương (huyện Hòa Nhơn)… và 1 số các vùng có nguy cơ sạt lở, nhất là tại các huyện miền núi như: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền ở cảng Quy Nhơn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền ở cảng Quy Nhơn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 12, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: Các cơ quan, địa phương dừng tất cả các cuộc họp trong những ngày tới để lo ứng phó với bão, lũ, không được chủ quan, duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo.

Ông Dũng cũng lưu ý, các địa phương kiểm tra, rà soát, lên phương án di dời dân đến nơi an toàn; ngay khi có nguy cơ phải quyết liệt di dời.

Ông Đỗ Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cũng cho biết, địa phương đã chủ động cho sơ tán các hộ dân sinh sống tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở núi như các xã: An Nghĩa, An Quang, An Toàn, An Dũng…

Theo ghi nhận của PV Dân trí, đến 9h30 đêm ngày 3/11, tại Bình Định xuất hiện mưa và gió giật mạnh.

Quảng Nam: Điều tiết 2 hồ chứa thủy điện về mực nước đón lũ

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, ngày 3/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu hai hồ chứa thủy điện đưa mực nước về mực nước đón lũ trước 5h ngày 4/11.

Theo đó, BCH PCTT&TKCN yêu cầu Công ty CP thủy điện Đắk Mi điều tiết đưa mực nước hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 về mực nước đón lũ là 251m và Công ty thủy điện Sông Bung điều tiết đưa mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 về mực nước đón lũ là 214,3 trước 5h ngày 4/11.

BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 hồ chứa thủy điện hạ mực nước về để đón lũ (Ảnh: Hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ)
BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 hồ chứa thủy điện hạ mực nước về để đón lũ (Ảnh: Hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ)

Trước đó, ngày 2/11 mực nước của hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 là 255,65m, mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 là 217,07m. Hiện tỉnh Quảng Nam có 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn, 56 hồ chứa nhỏ.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước như Phước Bình, Hóc Hạ, Suối Tiên, Nước Rôn, Đá Vách, Khe Tân.

Trong diễn biến liên quan, chiều ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu đã có công điện khẩn gởi các cơ quan chức năng về tình hình mưa lũ trên địa bàn.

Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, hoạt động của gió Đông trên cao, kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12; từ đêm 3/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh khả năng có một đợt mưa lớn trên diên rộng; tổng lượng mưa phổ biến từ 500-700mm, có nơi trên 700mm. Đợt mưa lớn lớn này có khả năng kéo dài từ 4-5 ngày.

Để chủ động ứng phó với tình hình bão số 12 và mưa lũ, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của hội nghị cấp cao APEC; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 12, tình hình mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông, chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình các địa phương tổ chức công tác tuyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt tại các vị trí có khả năng có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh); sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra.

Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Tổ chức cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm (sạt lở đất, ngầm, tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét) để nhân dân biết và chủ động phòng tránh; nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước.

Ngoài ra, thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, đường cao tốc, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão số 12 và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện…

Quốc Triều - Trung Thi - Doãn Công - Công Bính