1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cửu vạn vùng biên ngày giáp tết

(Dân trí) - Những ngày giáp tết, nhiều lao động tự do ở cửa khẩu Cốc Lếu (Lào Cai) vắt kiệt sức mình đẩy những chuyển hàng lặc lè từ phía bên kia biên giới về Việt Nam...

Sáng sớm, nhiệt độ vùng đất miền biên ải xuống thấp, cảm giác lạnh cóng như nếm được trên đầu lưỡi. Khi cửa khẩu Cốc Lếu bắt đầu mở, cũng là lúc nhiều chuyến xe hàng lầm lũi từ bên kia biên giới tiến vào Việt Nam, và số cửu vạn nội địa cũng đẩy xe sang bên kia cửa khẩu “ăn hàng” cho một ngày làm việc mới.

Những ngày cuối năm, khu vực cửa khẩu Cốc Lếu có hàng trăm cửu vạn, họ là người bản địa, và dân tứ xứ đổ về đây.

Là người Ân Thi (Hưng Yên), chị Lê Thị Nguyệt cho biết đã làm nghề chở xe hàng thuê được mấy năm. Đồng ruộng quê nhà không đủ sống, gửi lại con nhỏ cho ông bà, chị khăn gói lên đây làm cửu. Công việc hàng ngày của chị là theo xe đẩy hàng từ Hà Khẩu (Trung Quốc) về Việt Nam, mỗi chuyến hàng như vậy nặng hàng chục tấn.

Càng về trưa gió từ sông Hồng thổi ngược lên mấy lều quán dựng tạm ngay trước cửa khẩu càng buốt. Trưa là thời điểm ít hàng nên giới cửu có thời gian tập trung tán chuyện, uống nước.
 
"Lão thành" cửu Cao Thanh Tú nói, ở Cốc Lếu có nhiều người làm cửa vạn như ông. 50 tuổi, nhưng nhìn ông Tú có vẻ già trước tuổi, đôi mắt hằn vết chân chim nói lên sự khắc khổ và cực nhọc của một người đi đẩy hàng thuê.
 
Cuối năm, người thuê chở hàng nhiều hơn. Những chuyến xe thồ chở đầy hoa quả của ông mang thêm hy vọng về cái tết sung túc cho gia đình, ở đó ông nhận được những đồng tiền công dù ít ỏi nhưng cũng đủ trang trải cho vợ con mua sắm trong năm mới.
 
Chủ nào tớ nấy, ở đây anh em chủ yếu làm việc theo chủ nên không có chuyện tranh giành nhau. Hàng hoá mà những người cửu vạn đưa về từ Hà Khẩu chủ yếu là vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
 
Trong hai chiếc bao tải đầy ắp nằm gọn trên chiếc xe thồ, vợ chồng Bùi Đức Hà ước lượng nặng hơn hai tạ. Chỉ có hạt dưa, giấy vệ sinh, gạo nếp, hoa quả tươi…
 
Không có vốn lớn, đã gần chục năm nay, cả hai vợ chồng Hà rời bỏ Hà Tây tìm lên Cốc Lếu chở hàng thuê cho chủ. “Công sá” cũng tuỳ thuộc, nếu như hôm nào có nhiều hàng và đi được nhiều chuyến cũng được ngót trăm nghìn, nhưng có nhiều hôm cả hai cũng đẩy xe về bởi chủ hàng không thuê.

Điều đặc biệt, số người làm cửu vạn là nữ ở cửa khẩu của tỉnh Lào Cai này thường đông hơn nam giới. Những chiếc xe thồ nặng nhiều tạ vẫn được chị em chắc chắn đẩy đi.

Chị Lưu Thị Thanh cho biết, phần đông phụ nữ làm cửa vạn ở đây chủ yếu đẩy hàng hoa quả, tạp hoá, vật phẩm hàng ngày. Còn đàn ông thì vác hàng nặng từ xe “công” (container) sau đó chuyển xuống cho những người như chị chuyển về nội địa.

Những chiếc xe thồ đã đưa hàng hoá từ Trung Quốc vào lưu thông trong thị trường nội địa. Từ chân cầu Cốc Lếu bắc qua sông Hồng, dáng những nữ cửu oằn mình xiêu vẹo đẩy nhiều tạ hàng hoá vào chợ, quầy tạp hoá, hoặc giao ngay cho xe từ dưới xuôi lên mua hàng.

Ngày giáp tết, khu vực cửa khẩu Cốc Lếu đông hơn thường lệ. Ngoài mặt hàng được mua về từ Trung Quốc, đang là dịp cuối năm nên nhiều chuyến xe container từ Hải Phòng, Hà Nội… cũng tìm về Cốc Lếu để xuất hàng sang Hà Khẩu.

Dân cửu vạn ở đây nói, thời điểm này mọi năm làm không hết việc, nhưng năm nay giá cả của hai bên không chênh lệch nhiều nên chủ hàng cũng ngại mua, do vậy người thuê cũng ít.

Mưu sinh nơi miền biên giới, công việc nặng nhọc hàng ngày của những cửu vạn ở đây như bức tranh nói về sự khốn khó và đầy trắc ẩn của người lao động phổ thông. Dõi ánh mắt xa xăm về phía Hà Khẩu, chị Thanh nói cố gắng bám trụ cho đến những ngày cuối cùng của năm, may sao sắm đủ mâm cơm cúng tổ tiên trong đêm giao thừa.

Rời Lào Cai khi những cơn gió chướng quất rát mặt từ phía sông Hồng, nhiều người làm nghề khuân vác, đẩy xe thồ vẫn đặt chân trần trên nền đường lạnh buốt. Với họ, bốc vác, cửu vạn cũng là một nghề, dù nó có muôn vàn lần vất vả.

Trần Hưng