Ga Đà Nẵng những ngày này tấp nập kẻ đi người đến. Đối với những người tha phương cầu thực thì đây là lúc họ rời Đà Nẵng để về cùng sum họp gia đình, còn những người con của Đà Nẵng đi làm ăn xa cũng là lúc họ về với gia đình.
Mỗi khi tàu dừng là đội bốc vác ở ga Đà Nẵng lại có việc làm
Cùng với lượng người đi – về đông đảo là lượng hàng hóa, xe máy… cũng nhiều hơn, vì thế công việc của những người bốc vác ở ga Đà Nẵng cũng vất vả hơn. Tuy vất vả nhưng đối với họ là niềm vui vì thu nhập sẽ tăng lên.
Đội bốc vác tại ga Đà Nẵng hiện có 22 lao động. Mấy hôm nay, công việc của họ làm không ngơi tay. Đối với khách đi mà có hành lý cần gởi như xe máy, hàng hóa cồng kềnh thì đội “cửu vạn” sẽ vác vào trong kho, sau đó đóng thùng lại rồi chở ra toa bốc lên. Đối với khách đến thì hàng hóa sẽ được đưa xuống. Tất cả đều nhờ vào đội ngũ bốc vác này.
Người vác người kéo xe bò chở hàng
Làm cửu vạn đã hơn 32 năm nay, ông Huỳnh Ngọc Tăng nay là đội trưởng của đội bốc vác này. Ông tâm sự: “Anh em làm quần quật cả năm thu nhập cũng đủ sống chứ không dư dả gì. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm của lãnh đạo ga Đà Nẵng nên mọi chế độ cho anh em trong đội đều đảm bảo đầy đủ”.
Người già nhất trong đội cửu vạn này là ông Phùng Văn Duyên. Ông Duyên năm nay đã 77 tuổi, là người có thâm niên nhất trong những người bốc vác ở đây. Hiện nay ông đã tuổi cao sức yếu nên ông chỉ làm những công việc nhẹ nhàng ở đội bốc vác.
Một mình khiêng cả thùng hàng to tướng
Ông tâm sự: "Tôi làm ở đây từ sau ngày giải phóng. Tôi thấy mình còn sức khỏe thì còn đi làm và để nuôi vợ nay đã 73 tuổi nghỉ mất sức ở nhà. Thu nhập của tôi ở đây mỗi tháng tất cả cũng được trên 2 triệu, tôi với bà nhà cũng tạm ổn.
Ông Duyên cũng tâm sự, mình còn làm việc là còn thấy hạnh phúc. Mặc khác ở đây có những người đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ ông những lúc ốm đau. Đội trưởng Huỳnh Ngọc Tăng cho biết, có lúc ông Duyên bị ốm thì anh em ở đây góp tiền lại để ông có điều kiện chữa bệnh.
Những ngày giáp tết, công việc ở đội bốc vác ga Đà Nẵng nhiều gấp 3 lần bình thường. Tuy nhiên không vì thế mà các anh em ở đây mệt mỏi mà trái lại, ai cũng phấn khởi vì có việc làm, thu nhập cao hơn những ngày bình thường. Đội trưởng Huỳnh Ngọc Tăng tâm sự: “Anh em cố gắng làm để kiếm chút tiền lo cho gia đình trong ba ngày tết”.
Tại chợ hoa Đà Nẵng (Quảng trường 29/3) những ngày này cùng với lượng hoa đổ về là hàng trăm cửu vạn cũng tấp nập với công việc ở đây. Mỗi khi có xe tải chở hoa đến là một tốp già có trẻ có cùng ùa đến. Sau khi đã thỏa thuận giá cả, ông chủ chốt danh sách 5 người. Thế là một xe tải chở đầy quất trong một loáng đã được sắp ngay ngắn ở điểm tập kết.
Dễ nhận thấy là hầu hết các “cửu vạn” ở đây không phải là dân chuyên nghiệp mà xuất thân từ xe ôm, thợ hồ, công nhân…Quệt mồ hôi trên mặt, anh Hùng (là công nhân, trú phường Khuê Trung, Cẩm Lệ) nói: Làm công nhân không được mấy đồng lương nên cuối năm ra chợ hoa này bốc vác để lo cho gia đình trong mấy ngày Tết. Nếu may mắn thì mỗi ngày cũng kiếm được 300-500 ngàn đồng.
Lực lượng cửu vạn ở chợ hoa Đà Nẵng cũng nặng nhọc không kém
Ông Trần Trung Thành, một cửu vạn ở đây tâm sự: "Nghề này nặng nhọc nhưng ai cũng muốn có nhiều người thuê để làm. Dù có vất vả nhưng kiếm được ít tiền lo cho gia đình trong những ngày Tết là tôi quên hết mệt nhọc, miễn sao là vợ con ở nhà có được tấm áo mới khoe với người ta trong ba ngày Tết thôi".
Gần 10 cửu vạn khiêng một chậu quất
Chứng kiến cảnh làm việc cuối năm của những lao động nặng nhọc mới thấy để có một cái Tết ấm áp, đầy đủ, một bữa cơm tất niên tươm tất họ phải đổ mồ hôi rất nhiều. Một phu khuân vác ở đây tâm sự với chúng tôi: “Chúng tôi mong những ngày giáp tết kéo dài thêm ra ít ngày nữa để có thời gian làm kiếm tiền lo cho gia đình có cái tết sung túc hơn”. Nhưng ngoài kia, Tết đã đến thật gần rồi.
Công Bính