1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cựu chiến binh người Thái trồng cam bù bán Tết thu cả trăm triệu đồng

(Dân trí) - Từ hộ nghèo, quanh năm thiếu ăn, già Thanh đã có trong tay hàng chục ha vườn cây ăn quả, ao cá cho thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Cựu chiến binh người dân tộc Thái này cũng chính là người tiên phong đưa giống cam bù lên vùng biên giới Việt - Lào.

CCB người Thái trồng cam bù đón Tết thu trăm triệu

Nhường quê cha đất tổ cho công trình thủy điện Hủa Na, vợ chồng, con cái ông Ngân Văn Thanh (SN 1960) đến bản tái định cư Hủa Na 1 (xã vùng biên Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An) sinh sống. Về nơi ở mới, dù đã được quan tâm nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn. Mấy năm liền, vợ chồng ông thuộc diện hộ nghèo của bản.

Ông Ngân Văn Thanh chăm chú nghe cán bộ biên phòng hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây cam
Ông Ngân Văn Thanh chăm chú nghe cán bộ biên phòng hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh cho cây cam

Là người lính từng chiến đấu ở chiến trường Camphuchia, ông không cam chịu nghèo đói, nhất là khi xung quanh mình đất rừng bạt ngàn, màu mỡ. Nhưng làm ăn bằng cách nào thì ông vẫn chưa nghĩ ra. Đúng lúc đó, Đồn biên phòng Thông Thụ (BĐPB Nghệ An) triển khai một số dự án giúp dân làm kinh tế, thoát nghèo. Ông Thanh mạnh dạn đăng kí tham gia.

Với sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ, ông cải tạo cánh rừng tạp cuối bản, đào ao thả cá, phát triển kinh tế theo mô hình V-A-C.

Cựu chiến binh người Thái Ngân Văn Thanh là người tiên phong đưa giống cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) về trồng ở đất Quế Phong
Cựu chiến binh người Thái Ngân Văn Thanh là người tiên phong đưa giống cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) về trồng ở đất Quế Phong

Từ những cây ngắn ngày, ông quyết định chuyển hướng trồng cây ăn quả dài ngày. Nghe tiếng về giống cam bù nức tiếng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), khí hậu, thổ nhưỡng hai vùng lại tương tự nhau, ông theo cán bộ biên phòng sang Hương Sơn mua giống, học cách trồng cam.

Từ trong bản, ông bà chuyển hẳn ra rừng, dựng lán để làm giàu ở cái tuổi mà theo quan niệm của đồng bào Thái là đã có thể nghỉ ngơi. Cùng các con trai của mình và các “cháu bộ đội biên phòng”, ông bà miệt mài đào hố, trồng cam, gánh nước tưới tắm cho cây. Cái công tưới nước cực nhọc nên ông Thanh quyết định “bắt” cả cây số đường ống dẫn nước từ khe về vườn.

Những cây cam bù Hương Sơn bén đất, xanh um cả vạt đồi. Rồi những quả bói đầu tiên ra đời. Ông nâng niu chăm sóc. Ngày quả cam đầu tiên trong vườn được thu hoạch, nhiều nước, múi mọng và ngọt không thua kém quả cam đất tổ, ông biết mình đã thắng lớn trong trận chiến với giặc nghèo này.

Vụ Tết năm nay, cam bù mua tại gốc đạt 30 nghìn đồng/kg. 100 gốc cây cam bù cho lão nông người Thái này thu nhập trên một trăm triệu đồng
Vụ Tết năm nay, cam bù mua tại gốc đạt 30 nghìn đồng/kg. 100 gốc cây cam bù cho lão nông người Thái này thu nhập trên một trăm triệu đồng

“Trồng cam bù phải tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nghiêm ngặt. Đặc biệt, chúng tôi hướng tới việc giúp người dân sản xuất ra những loại thực phẩm sạch nên các công đoạn phòng, trừ sâu bệnh, đặc biệt là các loại nấm càng được chú trọng hơn. Dù khá lớn tuổi nhưng già Thanh rất chịu khó học hỏi và tiếp thu nhanh”, Thượng tá Hoàng Văn Huy – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết.

Vụ cam “bói” năm ngoái ông Thanh chỉ thu hoạch được hơn một tạ. Phần lớn là để biếu bà con dân bản “ăn cho biết”, số ít còn lại bán cho người dân có nhu cầu. Năm nay, năm thứ 4 cam bù Hương Sơn bén rễ đất Quế, những cành cây đã lúc lỉu quả, da căng bóng, ngả màu vàng đỏ.

“Tính ra thì năm nay mới là năm thu hoạch đầu tiên của giống cam bù Hương Sơn trên đất Quế. Ước tính năng suất đạt từ 50-60kg/gốc. Vụ Tết năm nay được giá, cam lấy tại vườn là 30 nghìn/kg”, già Thanh cho biết.

Vợ chồng ông Thanh chăm sóc vườn rau sạch hàng hóa của gia đình. Vụ Tết năm nay, thương lái vào thu mua rau tận vườn, với mức giá 10 nghìn đồng/kg, ông bà cũng thu được số tiền không hề nhỏ
Vợ chồng ông Thanh chăm sóc vườn rau sạch hàng hóa của gia đình. Vụ Tết năm nay, thương lái vào thu mua rau tận vườn, với mức giá 10 nghìn đồng/kg, ông bà cũng thu được số tiền không hề nhỏ

Một trăm gốc cam, vị chi cả vườn cam ngót 5 tấn cam, tính ra vụ cam Tết này lão nông người Thái bỏ túi hơn 100 triệu đồng.

Vợ chồng ông Thanh cũng là người Thái tiên phong trồng rau hàng hóa ở đất Thông Thụ này. Nói “tiên phong” bởi lẽ, đồng bào ở đây thường ăn xôi nếp, ít ăn cơm nên cũng ít ăn rau xanh do vậy cũng không có mấy nhà trồng rau. Ông bà vỡ núi, đắp bờ thành vườn vuông vức ngay bên con khe nước róc rách đêm ngày.

Bộ đội đến giúp công sức dọn vườn, nhặt đá, cuốc đất kiêm hướng dẫn trồng trọt, ông bà chăm chỉ học. Chả mấy chốc, vườn cải ngọt, vườn súp lơ được hình thành. Rau trồng hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, uống nước suối, “hít” khí trời và màu mỡ của đất nên đảm bảo sạch, bởi vậy cũng rất được giá

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ (BĐBP Nghệ An) thăm gia đình ông Ngân Văn Thanh. Mô hình kinh tế V-A-C này là một trong những dự án giúp người dân vùng biên thoát nghèo mà Đồn đang triển khai
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ (BĐBP Nghệ An) thăm gia đình ông Ngân Văn Thanh. Mô hình kinh tế V-A-C này là một trong những dự án giúp người dân vùng biên thoát nghèo mà Đồn đang triển khai

Vụ Tết này, ông bà không cần phải mang ra chợ bán, thương lái vào tận vườn thu hoạch. Mức giá trung bình 10 nghìn đồng/kg, vườn rau cũng cho ông bà khoản thu nhập không hề nhỏ.

“Mình trồng cam, trồng rau để “nuôi” cái lớn hơn”, già Thanh bật mí. Cái “lớn” mà cựu chiến binh người Thái này nói tới là ước mơ bảo tồn và khôi phục giống cây chè hoa vàng nổi tiếng đất Quế. Đây là loài cây quý mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất biên giới này. Theo tài liệu đã được công bố, cây chè hoa vàng có chứa hơn 400 thành phần dinh dưỡng, là một loại dược liệu quý. Trên thị trường giá của 1kg chè hoa vàng khô từ 2 - 3 triệu đồng, còn loại đã qua chế biến có thể lên đến hơn 10 triệu đồng.

Đã có một thời, cây chè hoa vàng sốt giá, người ta chả cần đợi đến lúc cây ra hoa, thu hoạch, phơi khô để bán mà thương lái Trung Quốc mua luôn cả cây. Dân bản đua nhau vào rừng, đào trốc cả rễ cây chè hoa vàng để bán. “Cứ đà này thì chả mấy chốc cây chè hoa vàng biến mất khỏi đất Quế”, ông Thanh trầm tư nhìn bà con mình lũ lượt vào rừng đào cây chè hoa vàng để đổi lấy miếng cơm.

Ông Ngân Văn Thanh bên cây chè hoa vàng trong vườn mình. Hiện khu vườn của ông có 150 gốc cây chè hoa vàng - một loại dược liệu quý có nguy cơ biến mất khi người dân ồ ạt vào rừng đào bán cả cây cho thương lái Trung Quốc
Ông Ngân Văn Thanh bên cây chè hoa vàng trong vườn mình. Hiện khu vườn của ông có 150 gốc cây chè hoa vàng - một loại dược liệu quý có nguy cơ biến mất khi người dân ồ ạt vào rừng đào bán cả cây cho thương lái Trung Quốc

Nỗi lo mất giống cây quý, ông lặn lội vào rừng đào cây chè hoa vàng về vườn trồng. Cái giống cây quen sống môi trường tự nhiên cũng không đến nỗi quá khó tính khi được đưa về vườn nhà. Được chăm sóc, bón phân, tưới tắm đầy đủ, cây chè hoa vàng nhanh chóng bén rễ, xanh tốt.

Đến nay, cả khu vườn của ông ngoài 100 gốc cam đã cho thu hoạch, một ít cây ăn quả như táo ngọt, ổi làm quà cho cháu còn có 150 gốc chè hoa vàng. “Dăm năm nữa, cây chè hoa vàng sẽ cho thu hoạch. Mình mới chỉ nghĩ đến trồng để giữ cây quý thôi, còn thu hoạch, chế biến hay tiêu thụ thế nào thì thú thực vẫn chưa tính toán được cụ thể.

Giữ được cây quý đã, còn công đoạn phía sau để con mình, cháu mình làm. Vợ chồng mình già rồi, cũng không ăn ở hết mấy nhưng phải làm để con cháu biết ở đất quê mình, thoát cái đói cái nghèo không khó”, cựu chiến binh Ngân Văn Thanh nói.

Hoàng Lam