1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cựu binh Mỹ: "Tôi tôn trọng người lính Việt Nam"

"Chiến tranh, chết chóc, nhưng người lính, bên nào cũng vậy, cũng là con người, ai cũng có gia đình..."

39 năm đã trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn nằm sâu trong tâm khảm của hầu hết các cựu binh Mỹ từng tham chiến khi đó. Với nhiều người, đó là một ký ức đáng quên mà không thể. Với người khác, đó lại là nỗi day dứt, trăn trở đeo đẳng họ cho đến tận hôm nay. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, một cựu binh Mỹ luôn mong mỏi được gặp người "cựu thù" Bắc Việt ở bên kia chiến tuyến dù chưa hề biết mặt, để hoàn thành tâm nguyện trả lại những kỷ vật chiến trường cho chủ nhân của chúng.
Cựu binh Mỹ Fritz Schoutz với phóng viên Đài TNVN
Cựu binh Mỹ Fritz Schoutz với phóng viên Đài TNVN

----------------

"Ngày 17/3/1968, trong trận chiến cuối cùng tại Việt Nam trước khi xuất ngũ, tôi tình cờ phát hiện một chiếc ba lô của một người lính Việt Nam trên chiến trường. Đó là trận đánh kéo dài mấy ngày đêm liền tại cứ điểm đồi 1064, giáp biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia".

Fritz Schoutz, cựu binh Mỹ hiện sống tại tiểu bang California bắt đầu câu chuyện mà ông vẫn nhớ rõ từng tình tiết, thời gian và địa điểm dù 46 năm đã trôi qua. Trận chiến ác liệt, cả 2 bên đều chịu nhiều tổn thất. Giữa sự sống và cái chết nhưng những người lính, dù ở 2 bên chiến tuyến, vẫn có những sự đồng cảm nhất định. Thay vì giao nộp chiếc ba lô tìm được cho chỉ huy theo quy định, Fritz lại cất giữ hết những vật phẩm trong đó: một cuốn sổ tay, một tờ tiền, tem thư, cùng vài bức ảnh:

Bức ảnh ghi lại nơi Fritx tìm thấy chiếc ba lô
Bức ảnh ghi lại nơi Fritx tìm thấy chiếc ba lô

"Khi nhìn thấy bức ảnh trong túi, tôi nghĩ đây là ảnh của người lính với vợ hay bạn gái. Chiến tranh, chết chóc, nhưng người lính, bên nào cũng vậy, cũng là con người, ai cũng có gia đình. Những kỷ vật đó có ý nghĩa rất lớn đối với họ. Nếu đổi tôi vào vị trí của người lính Việt Nam, hành quân hàng trăm cây số, chiến đấu và giữ một quyển sổ tay hay nhật ký trong nhiều năm, rồi mất nó, và đã tưởng rằng sẽ mất mãi mãi… Rồi hơn 4 chục năm sau, đột nhiên có ai đó nói: “Này, tôi đang giữ quyển sổ anh ghi chép từ khi còn trẻ đấy”, thì tôi sẽ mừng lắm".

Cuốn sổ nhỏ ghi lại hành trình hành quân suốt 4 năm, từ năm 1964 đến 1968, của người lính mang tên Lê Anh Phương, có lẽ người gốc Hà Nội, trong đó ghi rõ những tên và địa chỉ cụ thể như:
 
Bác Lê Đào Tài, 23 Đồng Nhân, khối 35, Hai Bà Trưng

Phan Văn Trung, Đài truyền thanh Hà nội

Trương Bá Cao, 10 Hàng Bè

Nghiêm Vượng

Trần Kỳ, 19 Phố Huế

Mỗi nơi Lê Anh Phương đi qua, từ Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Bình, Kon Tum cho đến chiến trường Lào đều được ghi dấu bằng những vần thơ, bản nhạc chép lại hay do chính ông sáng tác, cùng những dòng lưu bút đầy cảm xúc của người dân địa phương.

"Tôi nghĩ đây là một người có học thức, có kiến thức về nghệ thuật, âm nhạc. Nếu chiến tranh không xảy ra thì có thể ông ấy sẽ là một người bạn rất thú vị trong đời thường. Nhưng vì hoàn cảnh chính trị lúc đó mà chúng tôi phải đối đầu với nhau. Tôi rất tôn trọng những người lính Việt Nam. Họ rất khôn ngoan, mưu lược và dũng cảm. Tôi tin rằng chủ nhân cuốn sổ tay này là một trong những đại diện tiêu biểu của bộ đội Việt Nam"- Fritz kể.

Fritz sang Việt Nam tham chiến vào năm 1967, khi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Thiếu kiến thức lịch sử cũng như thông tin thực tiễn, Fritz cứ ngỡ mình đang trở thành một "anh hùng" cứu vớt người dân Việt Nam.

Fritz ở chiến trường
Fritz ở chiến trường

"Hồi đó tôi còn trẻ người non dạ, thay vì đi học đại học thì lại xin ra chiến trường vì thích phiêu lưu mạo hiểm, dù chẳng biết nó sẽ như thế nào. Tôi chỉ là một đứa trẻ và tin rằng nhiệm vụ của người Mỹ là loại bỏ chủ nghĩa Cộng sản tại miền Nam Việt Nam. Do thiếu thông tin nên tôi cứ nghĩ rằng những gì người Mỹ đang làm khi đó là giải phóng người Việt Nam".

Những hình ảnh khi Fritz ở chiến trường Việt Nam
Những hình ảnh khi Fritz ở chiến trường Việt Nam

Những kỷ vật của người lính Việt Nam đã ở lại với Fritz như một minh chứng về sự tôn trọng đối thủ cũng như mong muốn được xoa dịu vết thương chiến tranh của người cựu binh Mỹ. Với Fritz, tâm nguyện cuối cùng liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam là tìm được chủ nhân cuốn sổ tay:

"Kể từ khi tìm được cuốn sổ, tôi luôn muốn biết tác giả là ai để trao lại cho ông ấy. Mong rằng ông ấy còn sống để tôi được gặp. Tôi nghĩ đó cũng là sự hàn gắn đối với cả 2 đất nước."

Những hình ảnh kỷ vật của người lính Việt Nam:
Những hình ảnh kỷ vật của người lính Việt Nam:
 
Những kỷ vật tìm thấy trong ba lô
Những kỷ vật tìm thấy trong ba lô
 
Trang đầu cuốn sổ tay
Trang đầu cuốn sổ tay
 
Một trang trong cuốn sổ tay
Một trang trong cuốn sổ tay
 
Một tấm ảnh tìm thấy trong ba lô
Một tấm ảnh tìm thấy trong ba lô
 
Tấm ảnh tìm thấy trong ba lô, Fritz nghĩ đây là người lính với vợ hoặc bạn gái
Tấm ảnh tìm thấy trong ba lô, Fritz nghĩ đây là người lính với vợ hoặc bạn gái
Một trang sổ chép bài hát
Một trang sổ chép bài hát
 
Một trang sổ ghi chép lại cảm xúc ở Cửa Tùng, Quảng Bình
Một trang sổ ghi chép lại cảm xúc ở Cửa Tùng, Quảng Bình
Một trang sổ tay chép lời bài hát
Một trang sổ tay chép lời bài hát
 
Trang lưu bút
Trang lưu bút

Tái bút: Khi chia tay phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Mỹ, người cựu binh Mỹ không cầm được nước mắt và mong Đài TNVN tìm giúp người lính Việt Nam hoặc thân nhân ông để trao lại những kỷ vật trên. Quý vị và các bạn nếu ai biết về chủ nhân hoặc những người được lưu tên trong cuốn sổ tay, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Báo điện tử VOV, 45 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 0439344231. Xin cảm ơn./.

Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng

VOV- Washington

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm