Cuốn sách cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
(Dân trí) - Một cuốn sách được cho là bản viết tay sớm nhất của triều Nguyễn, trong đó có phần bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đang được một gia đình tại Thanh Hóa lưu giữ qua nhiều đời.
Bản sách cổ có tên “Khải đồng thuyết ước” được gia đình anh Văn Như Mạnh, ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa lưu giữ hàng trăm năm qua.
Theo anh Mạnh thì đây là cuốn sách do Tiến sỹ Ngô Thế Vinh, người thuộc Bái Dương, Nam Trực, Nam Định viết vào năm 1841 và đến năm 1853 thì xong. Cuốn sách được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm và dùng để phổ cập giáo dục thời bấy giờ.
Chủ đề của cuốn sách viết về con người, sông núi, vị trí các tỉnh thành và biển đảo… của Việt Nam. “Cuốn sách này được các nhà khoa học đánh giá là bản sách viết tay sớm nhất triều Nguyễn, là tài sản quý của quốc gia. Cuốn sách được ông cụ cách tôi 4 đời dạy học thời triều Nguyễn đem về dạy học cho trẻ”, anh Mạnh cho biết.
Sau khi ông cụ mất, cuốn sách được để lại ở nhà tổ và sau nhiều năm không được để ý đến và bản thân anh Mạnh lúc đầu cũng không biết là sách gì. Năm 2012, anh Mạnh phá nhà làm lại thì thấy cuốn sách trong chồng sách cũ của gia đình và có giở ra thì anhh ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ địa quốc viết bằng chữ Hán.
Trong một lần ngồi trò chuyện với cán bộ Thị ủy Sầm Sơn, anh Mạnh đem câu chuyện về việc gia đình có lưu giữ một cuốn sách cổ trong đó có bản đồ địa quốc. Theo anh Mạnh thì sau đó, nhiều đoàn cán bộ cũng đã về trực tiếp tại gia đình anh để tiếp cận và thẩm định nội dung bên trong cuốn sách. Gia đình anh Mạnh cũng đã làm bản cam kết cùng Công an thị xã và các cấp chính quyền về việc bảo vệ tài sản quốc gia.
Sách "Khải đồng thuyết ước" là sách giáo khoa dạy cho học sinh cấp tiểu học bấy giờ. Đây là bản chép tay nhưng ghi rất đầy đủ toàn bộ nội dung cũng như lời tựa. Bản sách này viết bằng chữ Hán, không có phần dịch ra chữ Nôm. Sách gồm 37 tờ viết hai mặt, được viết trên giấy gió, chữ viết còn rất rõ, dễ đọc.
Điều đáng nói nhất trong tập sách này là tấm bản đồ với tên gọi Bản quốc địa đồ. Tên gọi của bản đồ và vị trí các tỉnh thành thể hiện trên bản đồ trong tập sách này cũng giống như trong các bản sách "Khải đồng thuyết ước" đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trong đó, đáng chú ý nhất là phần Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi trên tấm bản đồ này. Xung quanh ký hiệu về Hoàng Sa và Trường Sa có vẽ thêm những chấm tròn nhỏ. Có thể hiểu những dấu chấm tròn nhỏ này như những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội.
Hiện bản sách quý này vẫn đang được gia đình anh Mạnh bảo quản và lưu giữ cẩn thận. Anh Mạnh mong muốn các cấp có chính sách phù hợp để anh giao nộp lại cuốn sách cho Nhà nước làm tài liệu, chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Duy Tuyên