Cưỡi trâu... chụp ảnh, kiếm “đô”
Để kiếm được tiền đô, tụi em phải diễn cho khách bằng lòng và thỏa thích. Ví dụ như ngồi vắt chéo hai chân, tay chống trên lưng trâu, miệng phải cười tươi, áo quần thỉnh thoảng có chỗ phải “rách” mới hợp với phong cảnh...
Khách du lịch đang chụp ảnh kỷ niệm.
Trong chuyến hành trình Nam - Bắc hoặc Bắc - Nam trên tuyến QL1A đoạn qua thôn Thạch Bàn, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu chúng ta để ý sẽ thấy những chuyến xe du lịch chở khách Tây dừng lại hai bên đường đứng chụp ảnh, đó là lúc “tác nghiệp” của những em nhỏ chăn trâu trước những “tay máy” du lịch trời Âu.
Theo những người dân sống hai bên đường cho biết thì sở dĩ khách Tây chọn địa điểm này là vì đây là đoạn đường có phong cảnh đẹp, một bên là dãy núi, một bên là đầm phá Cầu Hai mênh mông sông nước, xa xa có những con thuyền nhỏ của ngư dân neo đậu. Vì thế đây là địa điểm lý tưởng để “làm nền” cho những bức ảnh “đặc sản” vùng quê Việt Nam: Trẻ con đội nón, cưỡi trâu.
Dừng chân bên một đoàn khách du lịch nước ngoài đang mải mê chụp ảnh, tôi cũng giơ máy lên chụp ảnh thì có một em nhỏ chạy tới nói: “Chú chụp ảnh thì cho cháu xin ít tiền”. “Chú là người Việt Nam chứ có phải Tây đâu mà xin tiền”, tôi nói.
Em nhỏ nhìn tôi từ trên xuống dưới và nghe rõ giọng Việt Nam liền cười nói: “Tưởng chú là khách du lịch châu Á, nhưng chú là người Việt mà chụp ảnh trâu thì cũng phải cho ít tiền”, tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. Cậu bé nhỏ liền cười để hở hai cái răng sún: “Tùy chú, nhưng thông thường du khách cho 20-50 ngàn, có khi mấy ông Tây còn hào phóng cho cả 100 USD tùy theo mình “diễn” trên lưng trâu như thế nào”.
Tôi liền rút ví đưa cho em nhỏ 50 ngàn và nhờ em kể cho nghe về quá trình kiếm tiền “đô” trên lưng trâu. Cầm tờ 50 ngàn, cậu bé cười khoái chí và say sưa kể. Em tên là Huy, đang học ở Trường THCS Lộc Điền. Hằng ngày một buổi đi học, buổi còn lại em thường dắt trâu ra hai bên đường cho ăn cỏ và chờ xem có đoàn khách du lịch nào đi qua dừng lại chụp ảnh không.
Em cho biết, bắt đầu “nghề” này trên một năm nay, mới đầu đang chăn trâu mà có người gọi lại chụp ảnh và “diễn trên lưng trâu” (tức là đội nón, cười đủ kiểu và ngồi, nằm vắt vẻo… trên lưng trâu), tưởng chụp xong ảnh họ sẽ đi nhưng sự hào phóng của mấy ông bà khách Tây cho em kiếm lúc thì 1 USD, 10 USD, có khi lên tới cả trăm USD. Thấy “ngon ăn”, trẻ con trong làng kháo nhau, thế là mấy chú trâu đẹp trong làng liền được bọn trẻ đưa ra “gặm cỏ bắt buộc” hai bên QL1A để chờ chụp ảnh.
Dần dần thành thói quen, cứ hễ ai đến chụp ảnh, bất kể Tây hay ta đều “được” các em xin tiền “cát-sê”! Tôi quan sát thấy trang phục của mấy em rất giống nhau, từ áo quần cho đến nón lá, có em còn sơn màu mè lên nón để cho nổi bật và đẹp khuôn hình.
Em Huy tâm sự: “Để kiếm được tiền đô, tụi em phải diễn cho khách bằng lòng và thỏa thích. Ví dụ như ngồi vắt chéo hai chân, tay chống trên lưng trâu, miệng phải cười tươi, áo quần thỉnh thoảng có chỗ phải “rách” mới hợp với phong cảnh. Có những khách thích thú nhảy lên lưng trâu để chụp ảnh lưu niệm. Nếu chủ nhân của con trâu nào mà điều khiển trâu theo ý muốn và “phục tùng” theo ý thích của khách thì họ sẽ cho nhiều tiền”.
Tuy nhiên, cũng có những chú trâu mới “vào nghề” nhiều lúc dở chứng, bỗng dưng… vụt chạy hoặc cua sừng làm cho du khách được một phen hú hồn. Vì thế bên cạnh việc trang bị đồng phục cho mình, các em nhỏ phải huấn luyện cho mấy chú trâu ngoan ngoãn với người lạ, cho ăn đầy đủ, có thế cả chủ lẫn trâu mới vui vẻ và hợp tác “hai bên cùng có lợi”.
Một số hướng dẫn viên du lịch cho biết, sở dĩ khách Tây hay dừng lại địa điểm này chụp ảnh vì họ muốn tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam, đặc biệt ở các làng quê. Vì bên trời Âu không có cảnh đứa trẻ chăn trâu, cưỡi trâu, không có tre xanh… nên những hình ảnh nơi đây rất thú vị đối với họ.
Tuy nhiên, để giữ mãi hình ảnh đẹp này thì các em nơi đây cần “vô tư” trong chuyện xin tiền, đừng vì một mục đích nào đó mà đánh mất vẻ đẹp mộc mạc vốn có của tuổi thơ ở các làng quê.
Theo Trần Ánh
Công an nhân dân