(Dân trí) - Sau 10 năm cải tạo, dòng kênh “dòng kênh thối nhất Sài Gòn” đã hồi sinh với nước trong xanh và không khí mát lành. Cuộc sống mới trên bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng muôn hình muôn vẻ.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vốn gồm 2 đoạn: kênh Nhiêu Lộc kéo dài từ đường Lê Bình cho đến cầu Thị Nghè và rạch Thị Nghè kéo dài từ cầu Thị Nghè đến sông Sài Gòn. Trải qua bao năm tháng, dòng kênh này bị tự nhiên và con người bồi lấp dần. Giữa thế kỷ 20, khi con đường Lê Bình thành hình thì dòng kênh có hình dạng như ngày nay, bị chắn ngang ở đầu nguồn và không có dòng nước tự nhiên cung cấp, trở thành một cái hồ dài và ô nhiễm dần thành dòng kênh nước đen nổi tiếng.
Những năm cuối thế kỷ 20, dân tứ xứ đổ về Sài Gòn, những căn nhà ổ chuột nhanh chóng mọc lên, rồi các cơ sở sản xuất đua nhau xuất hiện. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành nơi chứa rác của thành phố, nước trở nên đen ngòm, hôi thối...
Dù lực lượng vệ sinh môi trường vớt rác hàng ngày vẫn không kịp với "tốc độ" xả rác của người dân (ảnh: Tùng Nguyên)
Đến đầu thế kỷ 21, TPHCM quyết tâm xóa sổ dòng kênh nhếch nhác này. Dân cư ven bờ kênh được di dời, xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa khang trang. Nước kênh cũng được xanh hóa bằng Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hôm nay, du khách trở lại sẽ ngỡ ngàng trước sự lột xác của dòng kênh này…
Hình ảnh mới của dòng kênh vốn bị coi là “dòng kênh thối”
Từng đàn cá bơi lội tung tăng ở dòng kênh mới hồi sinh
Bồn hoa rực rỡ và hàng liễu rủ thơ mộng bên đường Trường Sa - Hoàng Sa (ảnh: Tùng Nguyên)
Hơn 30 photographer tham gia chương trình offline lần 1 cuộc thi ảnh “Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Khúc biến tấu” chiều 16/4 tại khu vực bờ kè đường Hoàng Sa. Cảnh quan bờ kè trở thành nơi chụp ảnh cưới lãng mạn của các đôi uyên ương (ảnh: tinmoitruong.vn)
Cuối tháng 4, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được lắp 60 máy tập thể dục, lắp đặt tại 10 điểm, mỗi điểm gồm 6 máy. Ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TPHCM cho biết: Tổng mức đầu tư là 700 triệu đồng, trích từ nguồn ngân sách đầu tư cho phong trào thể dục thể thao toàn dân. Hiện thành phố cũng đang kêu gọi các nguồn khác để lắp đặt thêm máy trên vỉa hè tuyến kênh này như sự hỗ trợ từ các đơn vị, kêu gọi xã hội hóa...
Sáng nào bé Minh (5 tuổi) cũng ra bờ kè gần Cầu Bông tập thể dục
Dù trong nhà có sẵn máy tập thể dục hay chi tiền để đến các trung tâm cũng không thú vị bằng tập ở bờ kè: khung cảnh xanh tươi, không khí trong lành, các bà các cô có bạn hướng dẫn nhau cùng tập.
Các máy tập rất đa dạng: tập quay tay, đạp chân, gập bụng, xoay eo, đu xà...
Mẹ và bé cùng sưởi nắng sớm
Lúc nào trong ngày cũng có thể bắt gặp những cần thủ ham mê câu cá, đến nỗi thú vui câu cá ở bờ kè đang bị nhiều người phản đối vì có thể làm tận diệt cá dưới kênh
Chiều đến, bờ kè trở thành nơi lý tưởng để tản bộ, hóng mát
Buổi tối là thời điểm bờ kè đông đúc nhất. Không chỉ tập thể dục như buổi sáng, bờ kè còn là nơi các nhóm luyện tập võ thuật, ca hát, hoặc là chốn hẹn hò của các bạn trẻ...
Khuya về, bờ kè yên tĩnh, mát mẻ có thể giúp người cao tuổi tìm được giấc ngủ ngon khi trở về nhà.