1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cuộc sống chậm lại của người dân “phố vỉa hè” Trúc Bạch ngày cách ly

(Dân trí) - Vốn là một khu phố luôn đông đúc vì tập trung nhiều quán ăn vỉa hè, phố Trúc Bạch khi thực hiện cách ly vì phát hiện ca bệnh covid-19, hàng quán đã đóng cửa, người dân hạn chế ra đường...

Cuộc sống chậm lại của người dân “phố vỉa hè” Trúc Bạch ngày cách ly - 1

Chiều ngày 7/3, nhiều người dân trong khu cách ly Trúc Bạch được lực lượng y tế đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ.

Chiều ngày 7/3, lực lượng chức năng vẫn duy trì rào chắn một phần khu phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). Trong sáng cùng ngày, đoàn xe của binh chủng hoá học gồm 5 xe chuyên dụng thuộc Trung tâm ứng cứu sự cố hoá chất, phóng xạ hạt nhân đã đi kiểm tra, phun chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu cách ly trên phố Trúc Bạch và các khu phố lân cận.

Đứng cạnh khu vực cách ly trên phố Trúc Bạch, chốc chốc ông Thắng (63 tuổi, sống cạnh khu cách ly) lại thấp thỏm, hòi dò mọi người thông tin về tình hình sức khoẻ nữ bệnh nhân dương tính với Covid-19 (nữ bệnh nhân N.H.N. cư trú tại số 125 Trúc Bạch - PV).

Ông Thắng cho biết, kể từ khi lực lượng chức năng phát hiện ca nhiễm covid-19 thứ 17 và tiến hành rào chắn khu vực phố Trúc Bạch, thì người dân đi ra đường rất ít,  hạn chế các hoạt động ngoài trời.

"Bản thân tôi cảm thấy bình thường, không lo lắng lắm vì trước khi phát hiện ra ca nhiễm mới này, chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo người dân về dịch bệnh. Tổ trưởng tổ dân phố cũng đi phát tờ rơi cảnh báo đến từng nhà", ông Thắng nói.

Cuộc sống chậm lại của người dân “phố vỉa hè” Trúc Bạch ngày cách ly - 2

Phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đang trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Cũng giống như ông Thắng, chị Tạ Thanh Hà (49 tuổi, sống trên phố Trúc Bạch, giáp khu cách ly) cho biết, sau khi một phần khu vực phố bị cách ly, cuộc sống của gia đình chị cùng nhiều hộ dân nơi đây bị xáo trộn.

"Khác với hình ảnh thường ngày, khu phố này luôn luôn đông đúc vì tại đây tập trung nhiều quán ăn vỉa hè. Từ đợt phát hiện ra ca nhiễm covid-19, người dân cũng hạn chế ra đường hẳn, một số hàng quán thì phải tạm đóng cửa hoạt động theo chỉ thị của phường.

Mọi người trong khu phố vẫn thấy bình thường, vì công tác tuyên truyền, phòng tránh dịch, các lực lượng chức năng đã làm tốt. Nếu lo lắng quá về dịch bệnh này, có khi còn chết trước cả lúc nhiễm bệnh", chị Hà cười nói.

Chiều ngày 7/3, ông Nguyễn Dương Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông tin chính thức về ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (covid-19) trên địa bàn, ngay trong đêm 6/3, UBND phường đã thành lập 2 tổ công tác đến từng hộ dân để thông tin đầy đủ tình hình dịch cũng như các biện pháp phòng, chống.

Theo ông Huy, tại phố Trúc Bạch, sau khi rà soát, phân loại, thống kê, có 60 hộ và 195 người dân thuộc diện cách ly tại khu phố.

Là một trong số những hộ kinh doanh nằm trên phố Trúc Bạch, ông Phan Anh Tiến, 57 tuổi (ở số 71 Trúc Bạch) cho biết, sau khi một phần con phố bị cách ly, gia đình của ông cũng phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh từ 5-10 ngày để tránh lây lan dịch bệnh.

Cuộc sống chậm lại của người dân “phố vỉa hè” Trúc Bạch ngày cách ly - 3

Ông Tiến cho rằng, sau khi một phần phố Trúc Bạch bị cách ly, cuộc sống có "chậm" lại, song đây là việc cần làm để hạn chế lây lan dịch bệnh.

"Bản thân tôi tự ý thức được việc phải hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm này nên ngay trong tối ngày hôm qua 6/3, cửa hàng của gia đình đã đóng cửa sớm. Chúng tôi dự định sẽ đóng cửa từ 5-10 ngày để phòng chống dịch bệnh. Các thành viên trong gia đình rất ủng hộ việc này", ông Tiến chia sẻ.

Nói về việc nếp sống của người dân thay đổi sau 1 ngày khu phố Trúc Bạch bị cách ly, ông Tiến cho rằng, cuộc sống có "chậm" lại, song đây là việc cần làm để hạn chế lây lan dịch bệnh, người dân tại đây cũng ý thức cao trong việc đảm bảo sức khoẻ của cả cộng đồng.

17h chiều 7/3, Bộ Y tế thông báo hai người tiếp xúc gần với ca mắc Covid - 19 tại Hà Nội (bệnh nhân N.H.N, trú tại 125 Trúc Bạch) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Đây là lái xe riêng của gia đình và bác ruột bệnh nhân.

Cụ thể, theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo, đó là bà L.T.H., sinh năm 1956 và anh D.Đ.P., sinh năm 1993. Hai người này đã được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi phát hiện ra ca bệnh N.H.N.

Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc Covid - 19, trong đó 16 trường hợp đã xuất viện. 4 trường hợp được ghi nhận mới là cô gái Hà Nội ở phố Trúc Bạch, 2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân và nam thanh niên trở về Việt Nam từ vùng dịch Deagu Hàn Quốc, hiện đang được cách ly, điều trị tại Ninh Bình.

Trần Thanh