1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ninh Bình:

Cuộc sống bấp bênh của dân làng chài bên chân cầu Gián Khẩu

(Dân trí) -Thất nghiệp, đói khổ, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng những người dân làng chài từ đời này qua đời khác. Cuộc sống của họ bấp bênh, chới với như chính những con thuyền mà họ lấy làm nhà gặp sóng cuộn dữ dội nơi giao nhau giữa sông Hoàng Long và sông Đáy.

Trong một chuyến công tác qua Cố đô Hoa Lư, chúng tôi có dịp ghé thăm làng chài Điềm Khê, thuộc xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ở nơi mà “phận thuyền trôi”, làng chài chỉ biết “bấu víu” vào dòng sông để mưu sinh qua ngày. Bao đời nay, cuộc sống của dân chài Điềm Khê chới với, chênh vênh như chính những chiếc thuyền gặp sóng dữ nơi ngã ba sông Hoàng Long và sông Đáy.

 Một góc làng chài Điềm Khê.
 Một góc làng chài Điềm Khê.

Làng chài Điềm Khê nằm ngay ở chân cầu Gián Khẩu, nơi quốc lộ 1A chạy qua, làng Điềm Khê có hơn 200 dộ dân, trong đó 34 hộ dân với 128 nhân khẩu gắn liền với dòng sông Hoàng Long. Đứng từ xa, làng chài Điềm khe nằm khép nép” thu gọn dưới chân cầu Gián Khẩu, cuộc sống của dân làng chài chưa bao giờ được một ngày yên bình vì miếng cơm manh áo.

Đa phần những hộ dân sống ở thuyền đều không có đất canh tác và đất ở trên bờ, nên nghề chính của họ chính là nghề chài lưới trên sông Hoàng Long và sông Đáy. Cái nghề “câu cơm” duy nhất ấy hiện nay càng vất vả, đói kém vì hai dòng sông bị ô nhiễm, tôm cá ngày càng ít…Cuộc sống vốn đã nghèo nay lại càng khốn khó, cơ cực.

Ngoài nghề chài lưới, trước đây người dân làng Điềm Khê còn có nghề vận chuyển hàng hóa trên sông. Nhưng đường vận tải bộ ngày một phát triển hơn, nghề vận chuyển đường sông cũng khó khăn dần, rồi cũng chẳng có ai thuê đi vận chuyển hàng hóa.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai những người dân chài. Mùa đông họ lo cái ăn còn cứ đến hè, từ đầu mùa mưa, bão gió đã luôn chầu trực như muốn “nuốt” chửng con thuyền nơi che mưa che nắng của họ. Chính đói nghèo triền miên khiến sự học của những đứa trẻ nơi đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ đang tuổi ăn tuổi học nhưng thay vì đến trường thì phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

Hầu hết những gia đình sống trên thuyền đều phải sống chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Gia đình anh Trần Văn Mạnh cũng nằm trong số những người dân chài bám sông sinh sống bao đời này. Cả gia đình có 5 thành viên, nhưng phải sống chen chúc nhau trong “căn nhà” ngót nghét 7m2.

Anh Hoàng Văn Khoa một người dân đã lên bờ nhưng đành qua lại với sông nước.
Anh Hoàng Văn Khoa một người dân đã lên bờ nhưng đành qua lại với sông nước.

Không nói đâu xa, cũng chính vì ghánh nặng cơm áo khiến hai trong số ba đứa con của anh Mạnh phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Cậu con út là cháu Trần Văn Tưởng là đứa con duy nhất may mắn, hiện đang được theo học lớp 7 nhưng cũng có nguy cơ “đứt gánh giữa đường” vì nhà nghèo.

Anh Mạnh tâm sự: “Nói thật với chú ai chả mong có nhà cao cửa rộng, cuộc sống ấm no, con cái được học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn. Nhưng cả nhà 5 miệng ăn chỉ dựa vào vài ba con tôm, con cá bắt được, hôm nay no, mai lại đói. Cũng muốn cho các con đi học lắm, nhưng không có tiền mua sách vở, học phí…gia đình tôi sẽ cố gắng cho thằng út đi học được đến đâu thì đến thôi”.

Cũng như gia đình anh Mạnh, gia đình ông Trần Văn Sửu 12 người đều ở trong một con thuyền chật hẹp. Ở cái thuyền bé ấy gia đình ông chia ra mỗi góc một việc, nơi thì ngủ, nơi thì làm bếp, nơi thì làm chỗ ăn… Mọi thứ hỗn độn trong cái đói nghèo dai dẳng.

Chính vì cuộc sống bấp bênh của những “phận thuyền trôi” nên họ ước ao được lên bờ, có một mảnh đất, dựng một mái nhà che mưa che nắng. Nỗi lo mùa mưa bão, con nhỏ sẩy chân cũng hiển hiện trước mắt họ. Nhưng được lên bờ rồi cũng chẳng phải là thoát kiếp lênh đênh. Nhiều gia đình vốn quen với nghề chài lưới, sau khi có đất xây nhà nhưng trong tay không vốn, không nghề, để duy trì cuộc sống, họ lại quay lại nghề chài quen thuộc.

Anh Hoàng Văn Khoa, một trong những người dân làng chài có điều kiện mua đất dựng nhà trên bờ tâm sự:Dành dụm, vay mượn khắp nơi gia đình tôi mới mua được một mảnh đất xây nhà, nhưng tiền nợ nhiều quá, nhà đang xây dở thì hết tiền. Vốn làm ăn không có, nghề trên cạn tôi cũng không thạo nên đành phải khóa ca nhà quay lại sông nước theo nghề chài lưới”.

Cuộc sống của người dân làng chài Điềm Khê chỉ dựa vào nghề chài lưới.
Cuộc sống của người dân làng chài Điềm Khê chỉ dựa vào nghề chài lưới.

Có đất dựng nhà vẫn là ước mơ muôn đời của những người dân làng chài nơi đây. Họ không muốn đời mình rồi đến đời con, đời cháu cứ nối nhau bám sông, nghèo khó, thất học cứ bám dai dẳng. Dù sao vẫn tốt hơn là ở trong cái thuyền chật chội. Trên bờ, con cái của họ sẽ được an toàn hơn so với việc sống chênh vênh giữa miệng “hà bá”.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch UBND xã Gia Trung cho biết: “Địa phương chúng tôi rất quan tâm đến làng chài Điềm Khê, cũng rất muốn bà con nơi đây được ổn định cuộc sống , an cư lạc nghiệp. Nhưng do quỹ đất ở của địa phương hạn hẹp, chỉ có thể bố trí cho họ đất ở còn đất phục vụ cho sản xuất quá ít. Hiện nay, xã cũng đang có chủ trương mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên trong xóm để họ tìm được việc làm ổn định, để cuộc sống của những người dân làng chài bớt đi sự vất vả”.

Đức Văn - T. Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm