1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cuộc săn loài cá 'nhìn là mê, ăn là phê' của ngư dân miền Tây

Trên nhiều đoạn sông Tiền, sông Hậu có hàng trăm ghe xuồng của ngư dân đua nhau thả lưới săn cá bông lau, loại cá có thịt ngon, ăn một lần là mê.

Trên nhiều đoạn sông Tiền, sông Hậu có hàng trăm ghe xuồng của ngư dân đua nhau thả lưới săn cá bông lau, loại cá có thịt ngon, ăn một lần là mê. 

 
Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 1
Ngư dân săn cá bông lau trên sông Tiền, đoạn chảy qua cù lao 5 xã của huyện Thanh Bình, Đồng Tháp 

Các ngư dân cho biết, mùa cá bông lau kéo dài từ tháng 11 âm lịch năm trước đến cuối tháng 4 năm sau. Theo đó, cứ hễ nhìn thấy nước dưới sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, chuyển màu từ đục sang trong là lúc ngư dân sống hai bên bờ vào mùa đánh bắt cá bông lau.

Cá bông lau là loại cá da trơn, hình dáng thon dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời màu sắc ánh lên như bông lau. Bông lau có hai loại là đuôi đỏ và đuôi vàng. Loại nào cũng thơm ngon, ít mỡ, không tanh.

Cá bông lau thuộc loài di trú, là đặc sản của dòng sông Mekong. Nhiều người còn gọi cá bông lau là “nhân sâm nước” vì nó giàu chất béo (lipid) không no và có chứa omega 3 nên rất tốt cho tim mạch và sức khỏe.

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 2
Ngư dân thả lưới vào đêm tối để săn cá bông lau 

Vào mùa đánh bắt cá bông lau, xóm làng nhộn nhịp hẳn lên, mọi người dồn sức cho việc thả lưới bắt cá. Mỗi bãi đánh bắt cá bông lau có từ vài chục thuyền lưới trở lên.

Trời khuya, sông Tiền đoạn chảy qua cù lao 5 xã của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) hàng trăm ngư dân thả lưới kín sông, cờ hiệu la liệt. Mỗi tay lưới có đèn phao mắc vào viền lưới cách nhau khoảng 40m. Cho nên, đêm xuống nhìn về đoạn trên hay cuối sông, đều chỉ thấy đèn là đèn.

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 3
 
Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 4
Cá bông lau dính lưới của người dân 

Ông Nguyễn Văn Quyền (47 tuổi, ngụ xã Tân Quới) - người đã có hơn 20 năm làm nghề săn bắt cá bông lau trên sông Tiền cho biết, giá cá bông lau hiện dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Khi có cá, ngư dân gọi điện thoại cho thương lái báo rồi chạy xe mang cá đi cân. 

“Năm nay, tôi thả mấy tháng rồi nhưng chỉ dính được 5 con bông lau. Trong đó, con nặng nhất 8kg, nhỏ nhất 3kg. Còn mấy năm trước đến thời điểm này có khi dính vài chục con”, ông Quyền nói và than thở việc cá bông lau ngày càng hiếm.

“Cá bông lau thì hiếm, nhưng cá cóc, vồ đém, cá tra thì ngày nào cũng dính”, ông Quyền vừa gỡ con cá cóc dính trong lưới nói và cho biết, cá cóc giá chỉ 130kg/kg. 

Anh Nguyễn Văn Lem (40 tuổi, ngụ ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Huề) gắn bó với nghề hạ bạc này 15 năm chia sẻ: “Sáng vợ chồng tôi làm 5 công rẫy, tối chạy ghe ra sông Tiền thả lưới bắt cá bông lau.

Mấy năm trước cá còn nhiều, năm nay chả dính con nào. Cá ít, thả lưới không dính nữa nên xóm này trước kia có hơn 20 gia đình làm nghề, nay chỉ còn 2 hộ”.

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 5
Cá bông lau có giá khoảng 250.000 đồng/kg
Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 6
Một con cá bông lau nặng gần 9kg dính lưới ngư dân miền Tây

Theo anh Lem, quan trọng trong cách bắt cá bông lau là theo từng con nước, đặc tính của từng vùng. Ngư dân phải biết quan sát mặt nước, bãi sông để biết có cá hay không.

“Với giá bán 250.000 đồng/kg, chỉ cần bắt 1 con trọng trọng là giúp ngư dân thu về tiền triệu, nhưng giờ có đêm giăng lưới không dính con cá bông lau nào”, anh Lem nói thêm.

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 7

Những con cá bông lau như thế này ngày càng hiếm dính lưới ngư dân miền Tây

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 8
Đa phần ngư dân bây giờ giăng lưới dính cá cóc, cá tra, vồ đém... 

Do cá bông lau ngày càng hiếm nên nhiều người bỏ nghề đi Bình Dương, TP.HCM làm công nhân.

Ông Phan Văn Giữ (70 tuổi, ngụ xã Tân Huề, Thanh Bình) cho biết, cách đây 2 năm con trai ông bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư lưới giăng cá bông lau. Do bắt không có cá nên con trai tôi bỏ nghề, cùng vợ lên Bình Dương làm công nhân. Còn đống lưới và chiếc xuồng đậu dưới kênh kêu bán nhưng chẳng có ai mua”, ông Giữ nói.

Cuộc săn loài cá nhìn là mê, ăn là phê của ngư dân miền Tây - 9
Nhiều người bỏ nghề săn cá bông lau đi Bình Dương làm công nhân 

Hiện nay, cá bông lau được các nhà hàng ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, TP.HCM "săn mua" để chế biến các món như: canh chua, kho lạt, nấu mẵn... 

Theo Thiện Chí

(Vietnamnet)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm