Chùm ảnh:
Cuộc lên bờ lịch sử của dân vạn đò Huế
(Dân trí) - Ở Huế có hàng chục xóm vạn đò neo đậu trên các nhánh sông Hương, như một bộ phận trong cơ thể Huế; nó có từ bao giờ không ai biết chính xác, nhưng có gia đình lênh đênh ở đây đã bốn đời nay...
“Nốt” là cách gọi của người Huế chỉ những ai ngô nghê mới ra tỉnh, nó cũng ám chỉ dân vạn đò, kiểu nói này thể hiện khá rõ sự phân cấp giữa người trên cạn và dân sông nước không đất cắm dùi.
Người sống trên đò thuộc tầng lớp “đáy”, họ làm tất cả các nghề liên quan đến chân, tay, lưng, vai cho dù lương thiện hay không lương thiện, cuộc sống như con cá thiếu nước vùng vẫy để tiếp tục cuộc đời trong thiếu thốn, thất học. Có người nói, xóm vạn đò như một thứ tầm gửi sống bám vào cố đô thơ mộng.
Xét cho cùng họ cũng là công dân đàng hoàng (có hộ khẩu) nhưng họ nghèo! Trên mặt sông đen ngày nắng đã khổ, khi mưa gió cảnh sống còn cực hơn, trẻ nhỏ loanh quanh trong vài mét sàn gỗ khấp khểnh, nhãng đi là tòm xuống sông lúc nào không hay.
Nổi lềnh bềnh quanh năm, cuộc sống sông nước đã theo chân họ từ khi mới lọt lòng.
Buộc họ phải thích nghi với thiếu thốn và mất vệ sinh trong môi trường sống
Bên trong con đò của gia đình ông Trần Văn Bảy trên sông Đông Ba
Ông Bảy bị tai nạn giao thông từ vài chục năm trước, vợ ông là bà Mơ đã có với ông 8 người con
Công việc phổ biến của phụ nữ và trẻ em là đi nhặt ve chai, gồng gánh buôn bán lặt vặt. Đàn ông đạp xích lô, xe thồ, xe ôm, cửu vạn…
Một người đàn ông đang ngủ trưa trên con đò của mình, lúc này nhiệt độ của Huế khoảng 38 độ C, mặt nước đang bốc mùi dưới nắng gay gắt
Đêm xuống, nỗi cực nhọc vất vả tạm lắng lại
Trần Quang Xuân một trong số ít những thanh niên vạn đò đang theo học tới trung cấp văn thư với khát khao cháy bỏng đổi đời. Nhưng theo Xuân đó chỉ là hoài bão để phấn đấu chứ khó thành hiện thực nếu không có một phép màu.
Mãnh liệt ước mơ lên bờ từ bao thế hệ, ngày 1/6/2009 đánh dấu sự đổi thay có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đời của dân vạn đò, sự đổi đời mà nếu có muốn, với khả năng của mình họ cũng không bao giờ làm được - sống trên bờ trong những ngôi nhà bình thường như bao người dân khác.
Được sự hỗ trợ từ chính quyền TP, mỗi hộ dân sẽ được mua trả góp 1 căn hộ chung cư có giá từ 110 - 150 triệu đồng và được giảm ngay 15 triệu trừ thẳng vào khoản tiền mua căn nhà đó. Những cư dân mới tính rằng mỗi ngày sẽ bỏ ra 10 - 20 ngàn bỏ ống để trả tiền mua nhà.
Và một cuộc lên bờ lịch sử đã diễn ra trong niềm vui khôn tả của dân xóm vạn đò trong nỗ lực của chính quyền TP Huế
Nhóm dân đầu tiên được về khu tái định cư 3 tầng phường Phú Hậu cách đó không xa là những người tổ 15 và 16 thuộc phường Phú Hiệp trên sông Đông Ba
Anh Hà Đâu không nằm trong danh sách lên bờ đợt này nói: Là người đã sống trên sông nước từ lọt lòng, đã một lần di dời từ xóm vạn đò Phú An về đây, cảnh cơ cực đã quen nhưng vẫn đang bồn chồn thấp thỏm chờ đợi không biết đến bao giờ đến lượt gia đình mình!
Dự án di dời dân vạn đò sẽ còn kéo dài trong vài năm, nhưng 103 gia đình đầu tiên được lên bờ thì đang lâng lâng trong căn nhà mới chắc chắn, khang trang
Rất khó để diễn tả được tâm trạng của họ khi về nơi ở mới. Người lóng ngóng, người không biết phải bắt đầu công việc từ đâu, nhưng cách dễ dàng nhất để hưởng thụ niềm vui này là công việc dọn dẹp cho tổ ấm trong mơ của mình
Đám thanh niên leo ra ngoài lan can vội vàng hưởng thụ cuộc sống mới theo cách sống của tuổi trẻ cũng bởi họ chưa một lần được làm như thế
Vẫn điếu thuốc và cốc cà phê đó nhưng hôm nay nó mang ý nghĩa nghỉ ngơi khác hẳn: Yên tâm hơn
Một cuộc sống mới đang bắt đầu, dù rằng công việc thường nhật không có nhiều thay đổi
Anh Lương Văn Phó tổ 15 trong diện lên bờ đợt này đang đang thắp nén nhang sửa soạn mâm cúng gia tiên cầu mong cho mẹ và anh trai sớm được lên bờ đoàn tụ
Hữu Nghị