1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cuộc đoàn tụ xúc động sau gần 15 năm chờ đợi

Đó là một câu chuyện cổ tích dành cho cô bé tật nguyền kém may mắn, được viết bằng tình yêu quá lớn của cha mẹ nuôi.

Ngày 16-9-2014, Bộ Tư pháp trao giấy phép hoạt động cho hai tổ chức của Hoa Kỳ là Dillon International và Holt International Children’s Services để hoạt động trong lĩnh vực con nuôi nước ngoài tại Việt Nam sau khi hiệp định nuôi con nuôi bị gián đoạn năm 2008.

Anh Nguyễn Văn Trong, phụ trách văn phòng Dillon Internationnal, lúc đó rất vui mừng vì cơ hội lại mỉm cười với cô bé Lượm một lần nữa. Chỉ còn không bao lâu nữa cô bé sẽ bước qua tuổi 15 mà luật thì không cho phép giải quyết cho nhận con nuôi quá 15 tuổi. Anh Trong chạy đua với thời gian bởi lo lắng Lượm sẽ vuột mất gia đình một lần nữa.

Chạm vào yêu thương sau tận cùng bất hạnh

Lượm bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi em được sinh ra trong bệnh viện với một hình hài dị tật đáng thương: hở hàm ếch, gương mặt mất cân đối, khoèo tay, bệnh tim bẩm sinh. Bệnh viện đã phải làm thủ tục đưa em vào cơ sở bảo trợ xã hội. Em không có cơ hội được nhận nuôi bởi phần lớn cha mẹ nuôi người Việt đều yêu cầu được nhận trẻ khỏe mạnh.

Trong một cơ duyên gặp Lượm, anh Nguyễn Văn Trong viết về câu chuyện của Lượm trên một trang web. Một thời gian sau, văn phòng của anh nhận được hồi âm của vợ chồng bà Wynne Loveless ở Burleson, Texas, Mỹ. Ông bà muốn nhận nuôi Lượm. Khi nhìn thấy hình ảnh của Lượm, ông bà rất xúc động vì họ cũng có một con trai khi sinh ra bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Con trai của ông bà đã trải qua rất nhiều lần phẫu thuật để tái tạo hàm. Họ tin rằng họ có đủ kinh nghiệm để chăm sóc tốt cho Lượm.

Cô gái Joy Luom (trái) hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình mới. Ảnh: TƯ LIỆU
Cô gái Joy Luom (trái) hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình mới. Ảnh: TƯ LIỆU

Khi hồ sơ đang trong quá trình xúc tiến thì hai nước ngưng chương trình con nuôi. Ông bà Wynne đã rất buồn nhưng họ vẫn thường xuyên gửi thư, gửi đồ chơi cho Lượm, nhờ anh Trong phiên dịch. Họ luôn gọi Lượm là “con yêu”. Lượm có trí não chậm phát triển, em không có khả năng học tập. Nhưng em rất tình cảm, luôn ôm ấp những món đồ “cha mẹ nuôi” gửi cho mình. Năm 2012, ông bà đã liên lạc với các bác sĩ để mổ tái tạo hàm cho Lượm.

Cơ hội mở ra một lần nữa khi hai nước Việt-Mỹ tái khởi động chương trình con nuôi. Nhưng Luật Nuôi con nuôi quy định hết sức chặt chẽ nên hồ sơ nào cũng kéo dài từ vài tháng đến hơn cả năm. Yêu cầu quan trọng nhất là phải có ý kiến đồng ý của cha mẹ ruột.

Anh Trong nhờ địa phương - nơi đăng ký khai sinh cho bé Lượm tìm giúp địa chỉ cha mẹ ruột của em. Họ đều là những người lao động nghèo, thay đổi chỗ ở trọ liên tục. Anh lần theo họ rất lâu mới gặp.

Thiêng liêng tình cảm gia đình

Hồ sơ của Lượm được hoàn thành khi còn đúng 10 ngày nữa là em bước qua tuổi 15. Em là đứa trẻ đầu tiên được gặp cha mẹ nuôi sau khi chương trình con nuôi được hai quốc gia nối lại.

Ngày đầu tiên được gặp con gái, bà Wynne ôm chặt Lượm nức nở khóc. Mọi người chứng kiến đều không cầm được nước mắt. Tháng 10-2016, Lượm đã bay qua Mỹ đoàn tụ với gia đình. Em hòa nhập rất nhanh và hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ nuôi.

Khi tôi xin phép gia đình được viết về câu chuyện của Lượm, bà Wynne trả lời: “Hãy viết những gì bạn muốn, bạn cũng không cần phải che mặt cô bé, hãy nói với cả thế giới về cô gái tuyệt vời của chúng tôi”. Bà đặt tên cô bé là Joy Luom. Trong lá thư gửi cho PV, bà viết: “Tình trạng bệnh tim của Joy gây ra một số chứng chậm phát triển, chúng tôi đã không nhận thức trước khi chúng tôi gặp cô bé. Joy là một cô gái vui vẻ, chu đáo, tràn đầy năng lượng, tài năng, nghệ thuật, hữu ích, yêu thương mọi người và không cho phép bất kỳ khuyết tật nào ngăn cản nó! Nó vừa hoàn thành biểu diễn tại một nhà hát cộng đồng”.

Và thật kỳ diệu, vượt qua mọi bệnh tật, kể cả chứng chậm phát triển và không thể học tập trước đó, Joy Luom được học ở nhà, cô bé đã thành thạo phép cộng và phép trừ và được mẹ nuôi khoe “đang học ngữ âm một cách nhanh chóng”.

Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết trong lần đi dự hội thảo về con nuôi tại Ý, bà đã hết sức xúc động vì tình cảm của những cặp vợ chồng người Ý dành cho con nuôi.

Bà Bình Minh nói: “Tôi đã dùng mọi cơ hội khi phát biểu tại hội nghị cũng như khi tiếp xúc trực tiếp với những gia đình nuôi con nuôi để cám ơn họ. Khi đó tôi đã nhận được những câu trả lời lay động tâm can: “Đây là món quà của thượng đế dành cho chúng tôi” hay “Bé bây giờ là lẽ sống của chúng tôi”... Mà các bé có phải khỏe mạnh, xinh đẹp gì đâu! Phần lớn các bé bị sứt môi , hở hàm ếch, dị tật chân tay mắt mũi, nhiễm HIV, không hậu môn, bệnh tim bẩm sinh...

Có những cặp vợ chồng đang trong quá trình làm hồ sơ xin nhận con nuôi, họ cài ảnh trên điện thoại, khoe nhau và mong ngóng đến ngày được bay sang Việt Nam để đón con về. Bạn có thấy kỳ lạ không khi nghe câu khẩu hiệu của họ “Hãy nuôi con đẻ như nuôi con nuôi”. Hoàn toàn không khó hiểu đâu! Nói vậy để hiểu rằng họ đã yêu thương con nuôi bằng cả tấm lòng. Họ nuôi con nuôi không mong báo đáp, không mưu cầu lợi lộc cho bản thân mà chỉ đơn giản là muốn bù đắp cho những đứa trẻ bất hạnh trong đời, mồ côi mồ cút, bệnh tật khổ đau và tặng cho chúng một mái nhà thật sự là gia đình!”.

65% trẻ làm con nuôi nước ngoài là trẻ có nhu cầu đặc biệt

Từ năm 2011 đến 2015, TP.HCM đã giải quyết 677 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. 92% trong số đó sống ở các cơ sở nuôi dưỡng. Số lượng trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt (trẻ khuyết tật, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ lớn hơn năm tuổi, hai trẻ là anh chị em ruột cần được chăm sóc…) chiếm tỉ lệ 65%.

Trẻ có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được nhận làm con nuôi trong nước chỉ chiếm 1,4% trong tổng số các em được nhận nuôi.

(Nguồn: Sở Tư pháp TPHCM)

Theo Hồng Minh
Pháp luật TPHCM