70 NĂM HIỆP ĐỊNH GENEVE: GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI TỪ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO CÁN BỘ (1)
Cuộc dịch chuyển lịch sử của 32.000 học sinh miền Nam ra đất Bắc
Việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.
Lời tòa soạn:
Suốt chặng đường từ Hội nghị Fontainebleau năm 1946 tới Hiệp định Geneve năm 1954, phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng áp dụng, thể hiện một cách nhuần nhuyễn dù ở những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, phát triển, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến). Cái "bất biến" trong tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây được cho là có ba điều: Độc lập, Tự do và Hạnh phúc.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua những hoạt động thực tiễn của Người, cái vạn biến có thể được hiểu là những tình huống cách mạng đã, đang và sắp xảy ra hàng ngày hàng giờ mà chúng ta phải đối phó, phải xử lý để đạt được mục tiêu cách mạng đặt ra.
Ngay từ khi đang thương lượng Hiệp định Geneve năm 1954, Bác và Trung ương Đảng đã dự cảm, nhìn nhận trước về một cuộc trường chinh dân tộc còn gian khổ, kéo dài. Để miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với tầm nhìn chiến lược là xây dựng lực lượng cán bộ kế cận cho cách mạng.
Bài 1: Cuộc dịch chuyển lịch sử của 32.000 học sinh miền Nam ra đất Bắc
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết và công bố tại thành phố cùng tên (Thụy Sỹ) nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương cùng những điều khoản về đình chỉ chiến sự, tập kết và chuyển quân giữa miền Bắc và miền Nam...
Cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với mục tiêu kiên định là xây dựng đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này.
Nhớ về những ngày đầu ra Bắc học tập
Sáng hôm ấy, chúng tôi đến thăm một cựu học sinh miền Nam - bà Nguyễn Thanh Lịch ở Sóc Sơn, Hà Nội. Tuổi ngoài 80, trông bà vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Thấy chúng tôi, bà cười bảo: "Mưa mùa Hè đến nhanh mà tạnh cũng nhanh, trời vừa hửng nắng là bác ra sân đón các con, nóng lòng kể các con nghe chuyện thời đi học lắm…"
Rồi bà đưa chúng tôi vào căn phòng riêng của mình, nơi có ảnh Bác Hồ treo trang trọng và đầy ắp những kỷ vật của thầy cô giáo và các bạn trường học sinh miền Nam dấu yêu. Lật giở cuốn album cũ, ký ức của cô trò nhỏ từ những ngày học tập nơi đất Bắc, những lần được gặp Bác Hồ cứ thế ùa về…
Năm 1954, cô bé Nguyễn Thanh Lịch 10 tuổi, ba má đều hoạt động cách mạng. Ngày nọ, có một cán bộ đến nhà dặn dò gia đình chuẩn bị cho Thanh Lịch và em trai Thanh An ra Bắc đi học.
Ngày đó, người dân miền Nam tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và Bác Hồ, bởi vậy, nghe nói "ra Bắc được đi học, được gặp Bác Hồ," cô bé Lịch vui sướng trong lòng, hào hứng lên đường. Hành lý chỉ có một chiếc giỏ xách, một bộ quần áo. Từ quê nhà Quảng Nam, hai chị em được đưa ra Quy Nhơn rồi lên tàu thủy ra Thanh Hóa.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, con tàu cũng cập bến Sầm Sơn. Bà con Thanh Hóa dùng thuyền nhỏ ra đón các cháu học sinh miền Nam. Lịch say sóng ngất ngư, được một chú bộ đội cõng vào hội trường để ăn cháo gà. Gần đến nơi, cô bé ghé tai chú bộ đội nói nhỏ: "Chú ơi, cháu không ăn cháo gà đâu. Chú cho cháu đi gặp Bác Hồ".
Chú bộ đội cười xòa: "Bác Hồ ở Hà Nội, không ở đây".
Vậy là cô bé nức nở, không chịu ăn cháo. Chú đành dỗ dành: "Thôi bây giờ cháu vào ăn cháo đi đã, rồi mai này sẽ được ra Hà Nội gặp Bác Hồ".
70 năm đã trôi qua mà ký ức ngày đầu ra Bắc vẫn hằn in trong tâm trí bà Lịch như thế. Bà còn nhớ lúc đó là cuối năm 1954, trời rất lạnh. Trẻ em Nam bộ lần đầu tiên biết thế nào là cái lạnh mùa Đông miền Bắc.
"Ăn cháo xong, chúng tôi được phát tư trang mỗi người một áo len, một áo bông chần, một đôi dép cao su, một chiếc mũ nan. Trời rét căm căm nhưng tôi đã bắt đầu nhận được tình cảm ấm áp của đồng bào miền Bắc, điều mà tôi luôn thấy biết ơn trong suốt cả cuộc đời", bà Lịch tâm sự.
Khác với bà Lịch, bà Trần Tố Nga (sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, con gái của liệt sỹ Nguyễn Thị Tú, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam) ra Bắc bằng đường hàng không.
Năm 1955, cô bé Nga 13 tuổi đã bỏ dở việc học tại trường Marie Curie (Sài Gòn) để ra Hà Nội học tập. Cô đã lên chuyến bay cuối cùng từ Sài Gòn ra Hải Phòng bởi chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố từ chối thực thi Hiệp định Geneva, việc tập kết không thể thực hiện được như trước.
"Ra đến sân bay, tôi òa khóc vì không muốn xa gia đình, bạn bè. Mẹ ôm tôi và bảo: 'Đừng khóc, con ra đó học, cho mẹ gửi lời kính thăm Bác Hồ'", bà Nga nhớ lại.
Vậy là cô bé Nga ra Bắc, mang theo niềm tin tưởng tuyệt đối vào Bác Hồ và Trung ương Đảng, chuyên tâm học tập để rồi sau này trở thành phóng viên Thông tấn xã Giải phóng trong thời chiến tranh, hiệu trưởng nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời bình. Đến khi về hưu, bà vẫn tiếp tục tham gia một cuộc chiến đặc biệt: Đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thông qua vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Nga cho rằng việc lập ra các trường miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Dù biết rằng sự nghiệp thống nhất đất nước là một cuộc đấu tranh kéo dài vô cùng gian khổ nhưng Bác vẫn coi trọng việc chuẩn bị cán bộ để xây dựng miền Nam khi thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Hơn nữa, việc đưa con em cán bộ, chiến sỹ cách mạng miền Nam ra Bắc cũng là cách để bảo vệ cho thế hệ mầm non tương lai đất nước vì chiến sự lúc đó vô cùng căng thẳng.
Chăm lo 'núm ruột' của miền Nam
Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi." Lúc sinh thời, Bác cũng luôn tha thiết: "Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi".
Vì lẽ đó, Bác canh cánh bên lòng nỗi lo về các cháu thiếu nhi - "núm ruột" của miền Nam đau thương, ngoan cường, bất khuất. Bác nhiều lần trực tiếp nhắc nhở các lãnh đạo hai miền cố gắng đưa con em cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc, nuôi dưỡng, cho ăn học thành người để về chiến đấu và xây dựng lại quê hương.
Trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hệ thống các trường miền Nam trên đất Bắc (1954-2024) diễn ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu đầu năm 2024, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương cho hay trong suốt 21 năm (1954-1975), hơn 32.000 học sinh miền Nam đã lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, máy bay, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập. Bộ Giáo dục và các bộ ngành liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng những trường nội trú "thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ" dành riêng cho học sinh miền Nam ăn học.
Đã có 28 trường học sinh miền Nam (tên trường được gọi theo số thứ tự từ 1 đến 28) được thành lập ở các địa phương xung quanh Hà Nội, như: Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam… Nơi có nhiều trường nhất gồm Hà Đông (12 trường), thành phố Hải Phòng (10 trường). Ngoài ra, còn có các trại nhi đồng miền Nam, khu học xá ở Quế Lâm, Nam Ninh (Trung Quốc) và hàng nghìn học sinh được gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Bên cạnh Trường Học sinh miền Nam còn có Trại Nhi đồng miền Nam do bà Trương Thị Sáu (vợ của nhà trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh) phụ trách. Trại gồm các cháu từ 3 đến 6 tuổi, đều là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc hoặc vẫn còn đang trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.
Việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với con em đồng bào, chiến sỹ miền Nam.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó."
Những "hạt giống đỏ" được ươm trồng trên đất Bắc sau này đã quay về xây dựng miền Nam, trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Nhiều người trong số họ đã thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sỹ, doanh nhân có uy tín, đóng góp nhiều cho xã hội.
Năm 1975, đất nước thống nhất, các học sinh miền Nam trở lại quê hương tiếp tục học tập, công tác, một số ở lại miền Bắc làm việc và xây dựng gia đình. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng hoàn thành sứ mệnh. Cuộc dịch chuyển học sinh quy mô lớn nhất lịch sử được đánh giá thành công trên cả ba phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo lâu dài.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng bài học kinh nghiệm từ hệ thống trường học sinh miền Nam vẫn giữ nguyên giá trị đối với ngành giáo dục-đào tạo hiện nay. Đó là bài học từ tầm nhìn chiến lược "trồng người" đến việc xác định và kiên định mục tiêu giáo dục, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là bài học tất cả vì học sinh thân yêu, cả hệ thống chính trị, nhà trường, gia đình và xã hội cùng chăm sóc, vun trồng cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Vườn ươm đặc biệt của Bác Hồ và chủ trương của Đảng trong những năm kháng chiến đã gợi mở chiến lược giáo dục-đào tạo ngày nay, như văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: "Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế"; chú trọng "nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Giai đoạn đầu (1954-1968), có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập với các loại hình: Mẫu giáo, cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Các trường chủ yếu tập trung ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình. Từ sau năm 1955, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa các trường về tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Hà Nam. Giai đoạn này cũng có một bộ phận học sinh miền Nam được gửi sang học tại Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ Đức. Một bộ phận nhỏ được học chung với các học sinh địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội).
Từ năm 1968-1975, có thêm khoảng 10.000 con em của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam tiếp tục được đưa ra miền Bắc, chủ yếu bằng đường bộ (theo đường Hồ Chí Minh), nâng tổng số học sinh miền Nam lên 32.000 người. Từ năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền bắc ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định chia nhỏ các trường học sinh miền Nam, sơ tán về các địa phương như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn… và một số được gửi sang Quế Lâm (Trung Quốc).