“Cuộc chiến” với chất thải rắn và trách nhiệm của nhà sản xuất
(Dân trí) - Nhà sản xuất phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được mở rộng tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ trong vòng đời sản phẩm. Quản lý chất thải rắn không những giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, mà sẽ chuyển một phần trách nhiệm cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu,…
Ngày 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (The Extended Producer Responsibility - EPR) trong quản lý chất thải rắn. Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đồng tổ chức.
EPR là “hướng tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ trong vòng đời sản phẩm”. Áp dụng EPR cho quản lý chất thải rắn không những giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, chuyển một phần trách nhiệm cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mà còn giúp gia tăng tỷ lệ thu hồi, tái chế chất thải và giảm áp lực trong xử lý chất thải rắn. Từ những năm 1980, EPR đã được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) như là một chính sách trọng yếu nhằm giải quyết các thách thức ngày càng lớn, phức tạp trong quản lý chất rắn.
Tại Việt Nam, EPR lần đầu tiên được mang tính nguyên tắc trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và tiếp tục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ vào năm 2013 và quy định này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015. Tuy nhiên, hiệu quả của EPR hiện nay còn rất khiêm tốn do chưa thể hiện được tính bao trùm trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thiếu vắng các công cụ tài chính hiệu quả và các hướng dẫn thực thi cụ thể. Do đó, việc hoàn thiện EPR được xem là một trong những công cụ chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách tổng thể về quản lý chất thải rắn nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Cơ chế EPR là một phần quan trọng và không thể thiếu trong quá trình đổi mới chính sách quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng. Chúng tôi đánh giá cao các đối thoại mang tính xây dựng. Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách EPR toàn diện, hiệu quả, công bằng về trách nhiệm, bền vững về tài chính, thuận tiện cho người tiêu dùng, khuyến khích mô hình vật liệu khép kín của nhà sản xuất; từ đó, tạo nên những tác động tích cực, rõ rệt đến môi trường”.
Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: “PRO Việt Nam hiện nay với sự tham gia của 13 nhà sản xuất đồ uống thực phẩm, bao bì và phân phối hàng đầu đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng bao bì đóng gói. Nhìn chung, các hệ thống EPR nhắm tới việc tái chế chất thải bao bì sau tiêu dùng hướng đến tăng trưởng tỷ lệ tái chế, đồng thời duy trì một sân chơi bình đẳng cho tất cả các vật liệu đóng gói".
Phó Chủ tịch PRO Việt Nam chia sẻ thêm, ông vô cùng cảm kích khi nhận được cơ hội đưa ra quan điểm làm thế nào EPR có thể trở thành công cụ chính sách hiệu quả giúp giảm tỷ lệ chất thải và tăng tỷ lệ tái chế bao bì. Ông Fausto Tazzi hy vọng những ý tưởng trong sự kiện hôm nay sẽ hữu ích cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống EPR, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, sạch, đẹp hơn.
Chia sẻ về thành công áp dụng EPR tại Hàn Quốc, TS.Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết: Sau khi áp dụng EPR ở Hàn Quốc, chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tăng 72% từ 1.047 nghìn tấn năm 2003 lên 1.675 nghìn tấn năm 2015; 93% bao bì màng nhựa được tái chế trong năm 2016 (từ 172.000 tấn năm 2003 lên 851.000 tấn năm 2016).
Tại Hội thảo các chuyên gia đã phân tích thực trạng và thách thức của Việt Nam trong triển khai Hệ thống EPR ở Việt Nam, theo đó, các chuyên gia khuyến nghị:
Cần xây dựng hoàn thiện hệ thống EPR ở Việt Nam theo hướng xác định rõ các sản phẩm sau sử dụng phải thu hồi và tỷ lệ thu hồi bắt buộc đối với từng loại sản phẩm thải bỏ; đồng thời quy định cơ chế tài chính mà nguồn hình thành là nhà sản xuất và nhà nhập khẩu một cách minh bạch và có kiểm soát để thực hiện việc thu, nộp, hỗ trợ được hiệu quả. Mô hình EPR trên thế giới rất đa dạng tuy nhiên, ở Việt Nam cần có sự quản lý giám sát của nhà nước cùng với sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân trong hệ thống EPR ở Việt Nam.
Việc triển khai EPR cần được thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể gắn liền với việc phân loại rác tại nguồn và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc phân loại, thải bỏ và thu gom rác một cách quy củ và tự giác. Đây là cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, do vậy cần thiết phải có sự đồng bộ với thị trường tái chế với các tổ chức thu gom, tái chế chuyên nghiệp, bên cạnh đó cần phải có sự hỗ trợ khu vực thu gom tái chế phi chính thức hiện nay ở Việt Nam (mà ta thường gọi là đồng nát và làng nghề tái chế chất thải) nâng cao năng lực và tham gia hiệu quả, đồng bộ vào hệ thống EPR.
Nguyễn Dương