Cung ứng điện: S.O.S!
Thông tin Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chỉ có thể chạy thêm không đầy 1 tháng nữa đang gây xôn xao dư luận. Trước tình hình cung ứng điện ngày càng trở nên căng thẳng, ông Đặng Huy Cường - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ngày 25/4, miền Bắc đã có mưa ở vài nơi, điều này có góp phần giảm bớt căng thẳng cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình? Tình hình các nhà máy thủy điện khác trong cả nước ra sao, thưa ông?
Chủ yếu là mưa ở Hà Nội thôi và gần như không có tác dụng gì vì ở các vùng đầu nguồn vẫn chưa có mưa. Mức nước hồ Hòa Bình chỉ còn 89,55m (mực nước chết là 80m), lượng điện phát hiện
Nhà máy Thủy điện Thác Bà, mức nước đo lúc 0h00 ngày 25/4 chỉ còn 48,01m, lưu lượng nước về chỉ đạt 50,1m3/giây (bằng 35% so với tháng 4/2004); thủy điện sông Hinh mức nước còn 203,06m, lưu lượng nước về chỉ đạt 7,2m3/giây (bằng 65% so với tháng 4/2004); thủy điện Hàm Thuận lượng nước về chỉ còn đạt 12,7m3/giây (chỉ bằng 62% so với tháng 4/2004)... Ở Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, chỉ khoảng 1 - 1,5 tháng nữa là hết nước (lưu lượng nước về chỉ bằng 19% so với tháng 4/2004), trong khi có khả năng 3 tháng nữa nước mới về. |
chỉ còn 10 triệu KWh/ngày. Theo tính toán của chúng tôi, trong thời gian tới, nếu tiếp tục không có mưa, không có lũ về thì nhà máy này còn cầm cự phát điện được 27 - 28 ngày nữa.
Ở các nhà máy điện khác, tình hình cũng khá căng thẳng. Thậm chí như hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn B (Bình Định) chỉ còn 30 - 40 cm nữa là tới mức nước chết và thực tế ngày 26/4 đã ngừng phát điện. Trong khi đó, mức tăng phụ tải rất lớn. Mức tăng trung bình của quý I/2005 so với quý I/2004 là 13,2%.
Còn các nhà máy chạy dầu, chạy than, khí và các nguồn điện EVN mua ngoài thì sao?
Hiện nay, mọi nhà máy có thể chạy được đều đã chạy hết công suất. Riêng các nhà máy điện ngoài EVN như Nhà máy Điện Hiệp Phước, Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3... mỗi ngày cũng bán cho chúng tôi được 39 - 40 triệu KWh (chiếm gần 1/4 tổng công suất phát điện cả nước). Một điều rất may là đường dây 500 KV Bắc - Nam hoạt động tốt và một số đường dây 500 KV mới đưa vào hoạt động đúng tiến độ nên đã đưa điện từ Nam ra Bắc, ổn định tình hình cung ứng điện ở đây.
Khả năng thời gian tới sẽ còn rất căng thẳng về điện. EVN đã dự kiến chương trình cắt giảm phụ tải như thế nào?
Việc tiết giảm phụ tải tất nhiên sẽ tính, tùy theo nhu cầu và theo thứ tự ưu tiên. Ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... tất nhiên được ưu tiên cung ứng điện đầy đủ. Còn việc cắt giảm sẽ phân xuống cho các trung tâm điều độ hệ thống điện cấp miền, điện lực ở các tỉnh với các yêu cầu cụ thể.
Ở các sở điện lực đều có danh sách thứ tự cắt giảm điện và được UBND cấp tỉnh phê duyệt trước. Việc cắt điện cũng sẽ thực hiện quay vòng. Chúng tôi dự tính, tình hình sẽ còn rất khó khăn vào nửa cuối tháng 5 tới. Ở miền Bắc cũng có thể phải cắt giảm nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng không bao giờ để Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lâm vào tình trạng không thể phát điện được. Riêng điện cho sản xuất thì kiểu gì cũng đảm bảo cung ứng đầy đủ.
Tình hình khó khăn trong cung ứng điện cho thấy sẽ là rất sai lầm nếu để hệ thống nguồn điện phụ thuộc chính vào các nhà máy thủy điện. Ngành điện đã dự liệu ra sao?
Chúng tôi cũng đã có những dự báo về tình hình khó khăn trong cung ứng điện 3 năm 2005 - 2007 nên từ năm 2004 đã chuẩn bị dự trữ phương tiện, vật tư, nhiên liệu và đã thực hiện việc đại tu, trung tu các nhà máy điện chạy dầu, chạy than... và đầu tư hệ thống đường dây truyền tải 500 KV. Nhờ vậy đã giảm bớt và kiểm soát được tình hình khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn kêu gọi các hộ tiêu dùng điện tiết kiệm hơn nữa. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm 100 MW thôi thì đã tiết kiệm được 2,4 triệu KWh điện, bằng 1/4 lượng điện cung ứng của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Chúng tôi chưa điều tra nhưng cũng biết rằng, còn nhiều tỉnh, thành phố sử dụng điện trong các việc như trang trí quảng cáo, để đèn đường... rất lãng phí và tôi tin đó là con số khá lớn.
Theo Mạnh Quân
Thanh Niên