1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Ở đường Chi Lăng (TP Huế), vẫn còn một trong những người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống. Bà tên là Trần Thị Vui. Sáu năm mang danh phận cung nữ là khoảng ký ức đeo đẳng mãi tới cuối cuộc đời bà.

Người cung nữ ngày ấy
 
Đứng trước một ngôi nhà nhỏ ba gian kiểu Huế, tôi vừa nhắc đến tên bà, những người trong nhà vọng ra vồn vã: “Cô đến từ hội từ thiện phải không?”. Ngay sau đó, tôi được kéo đến một căn phòng xi măng nóng nực, hôi hám.
 
Tôi còn ngỡ ngàng, chưa hiểu mọi chuyện thì một người chừng trên 80 tuổi xuất hiện, tự giới thiệu mình là Trần Thị Vui. Dáng điệu bà khắc khổ, không mang những nét cao sang như người ta vẫn nghĩ đến cái danh phận của người cung nữ. Nhưng nét hồ hởi của bà thì hiện rõ. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người nhắc đến cái tên của bà từ thời thiếu nữ xa xôi...
 
Căn gác bà ở trống không, chỉ duy nhất một chiếc tủ nhỏ cũ kỹ thời xưa bằng gỗ. Câu chuyện cứ thế được bắt đầu trong không gian chật và nóng ấy.
 
Mẹ của bà Vui cũng là một cung nữ trong Đại Nội thời vua Khải Định, có tên là Tôn Nữ Thị Biên. Bà Biên có qua lại với một người đàn ông họ Trần, cháu của một phi, vợ vua Đồng Khánh. Khi bà Biên có thai thì không được gia đình kia chấp nhận vì danh phận cung nữ nên bà Biên ở vậy nuôi con. Năm bà Vui lên 16 tuổi thì được mẹ mình giới thiệu vào nội cung làm cung nữ hầu bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại tại cung Từ Diên.
 
Ký ức về một thời làm cung nữ của bà bắt đầu từ đó.
 
Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn - 1
Bà Vui, người cung nữ năm xưa, nhân chứng sống về cuộc sống hoàng cung nơi triều Nguyễn.
 
“Không phải ai cũng được tuyển vào làm cung nữ, chỉ có những người thuộc dòng dõi của nhà vua mới được vào làm. Mẹ tôi là cháu hệ 5, phòng hoàng tử Diễn Quốc Công, vì vậy tôi mới có cái duyên phận được vào làm cung nữ. Làm cung nữ có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất với tôi”, bà Vui nói.
 
Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, những người được tuyển vào làm cung nữ đa số đều chưa có gia đình. Ngày đó, nếu nói nguyên tắc thì không phải, tuy nhiên cuộc sống của vua thì không ai được tiết lộ ra ngoài.
 
Cũng vì lý do đó, những cung nữ khi được tuyển chọn vào cung phải biết nguyên tắc và không ai được đùa giỡn, chuyện trò nhiều. Đối với xã hội ngày ấy, trong con mắt của những người dân thường, cung nữ là người có địa vị cao vì được phép ra vào nơi vua ở, được thấy mặt vua, thấy mặt mẹ vua. Nhưng thực ra thân phận của cung nữ trong nội cung là những thân phận không được tự chủ.
 
Hồi ức về vua Bảo Đại
 
Mặc dù là cung nữ hầu mẹ vua nhưng ký ức của bà Vui lại lưu giữ khá nhiều mảnh ghép liên quan đến vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Bà nhớ lại: “Công việc của tôi ngày ấy là quạt và bóp chân hầu hạ bà Từ Cung. Có đến bốn, năm người hầu hạ bà như chúng tôi. Nhưng điều mà tôi nhớ nhất là những kỷ niệm vụn vặt về vua Bảo Đại”.
 
Theo lời kể của bà Vui, vua Bảo Đại là người rất hiện đại. Ông không có nhiều cung tần, thứ phi như các đời vua trước. Ông và Nam Phương hoàng hậu đã cùng thề thốt với nhau và nên duyên vợ chồng. “Tôi không biết thực tế cuộc sống hôn nhân của ông còn có người khác không nhưng ở trong cung thì chỉ có duy nhất bà Nam Phương hoàng hậu là chính danh vợ vua” - bà Vui cho biết.
 
Cũng theo bà Vui, vì vua không còn nhiều cung tần, thứ phi nên nội cung ngày đó cũng êm thắm, không có nhiều những cảnh các cung phi ghen ghét nhau hoặc ngày ngày chờ vua ban ân sủng.
 
Trong lúc kể chuyện về vua Bảo Đại, bà Vui còn đứng dậy diễn tả lại hành động của vua mỗi khi cùng Nam Phương hoàng hậu đến thăm mẹ. Vua cùng hoàng hậu nhảy xoay tròn một vòng rồi mới vào gặp mẹ.
 
Bà hào hứng kể: “Vua Bảo Đại hiền và dễ tính. Mỗi lần ông đánh cờ, tóc mái xõa xuống, cung nữ quạt hầu khiến tóc ông bay vào mắt nhưng ông không trách mắng gì. Chỉ khi nào Nam Phương hoàng hậu cau mày thì người hầu mới hiểu và tránh quạt mạnh. Vua Bảo Đại rất thích ăn vặt, các món ăn nhà vua thích lúc nào cũng được nhà bếp chuẩn bị sẵn là bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc”.
 
Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm lại cho Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Vui cùng mẹ ruột của mình ra khỏi nội cung và trở về lại cuộc sống đời thường. Sau đó, bà Vui lấy chồng và tập quên đi những tháng ngày trong cung cấm.
 
Bà Vui không may mắn như nhiều phụ nữ khác. Sau khi lấy chồng, bà không sinh được người con nào nên đã phải cưới vợ hai cho chồng. Giờ tuổi già của bà cũng phải nương nhờ vào những người con của chồng.
 
Lãng quên cái thật...
 
Đã bao nhiêu năm trôi qua, bà Vui cũng phải quên dần cái danh phận mình từng mang.
 
Bà nói: “Năm ngoái, một nhóm khách Nhật ghé thăm tôi. Họ luôn hỏi tôi về triều đình nhà Nguyễn, về vua Bảo Đại, sở thích của nhà vua và công việc của cung nữ thực sự như thế nào. Nhưng năm nay thì không thấy ai ghé về nữa...”.
 
Hình ảnh Đêm hoàng cung của Huế với các cung nữ (những sinh viên đóng vai) pha trà, rót nước, nói chuyện... trong tà áo dài đã không còn lạ trong mắt du khách khi đến Huế... Thế nhưng điều mà du khách chiêm ngưỡng vẫn chỉ là những gì người ta dựng lại. Còn người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn vẫn sống thật ở đời chẳng ai biết.
 
Bàn về điều này, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao ngành du lịch Huế lại không nghĩ ra, rằng chính những con người của một thời đó sẽ là đặc sản của ngành du lịch Huế. Chỉ cần bà Vui ngồi đó, mặc áo dài như cung nữ, pha trà và kể lại một vài câu chuyện, sinh hoạt trong cung ngày xưa. Vậy thôi cũng đủ hấp dẫn du khách rồi. Bởi lẽ người dân thường vẫn luôn tò mò: Vua ăn món gì nhỉ? Có phải toàn là những món sơn hào hải vị không?... Tất cả những gì liên quan đến vua chúa, dù là những điều đời thường nhất cũng sẽ là chuyện hay rồi”.
 
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan giải thích: Cung nữ trong vua có hai loại danh phận nhưng đều là những người hầu hạ vua và gia đình nhà vua. Thứ nhất đó là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp. Do họ là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít tài liệu ghi chép về họ.
 
Theo Mai Phương
Báo Pháp luật TPHCM