“Cung - cầu” mại dâm công khai mà địa phương bảo… không biết!
(Dân trí) - “Đi giám sát, các tỉnh đều báo là không biết, tỉnh nhà không có, công an không nắm được, ngành lao động không nắm được… nhưng các cộng đồng mà chúng tôi gặp, trong các câu lạc bộ, mại dâm lại rất… công khai” – Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nói.
Trao đổi với báo giới bên lề phiên thảo luận về dự án luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, liên quan đến đề xuất thí điểm “phố đèn đỏ” ở đặc khu, ông Đặng Thuần Phong khẳng định, không thể thực hiện ý kiến đó khi Pháp lệnh Phòng chống mại dâm hiện hành vẫn đang “cấm”.
Nói lại về vấn đề hợp thức hoá mại dâm để có thể quản lý hiệu quả, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhấn mạnh, nếu có, nội dung này phải được thể hiện bằng luật. Theo ông Phong, đặt vấn đề hợp thức hóa mại dâm thì Hội Liên hiệp Phụ nữ và nhiều tổ chức xã hội khác có thể sẽ phản ứng. Hiện tại, quan điểm về vấn đề này khá phân tán, nơi ủng hộ, nơi không.
“Khi chính sách vẫn đang thực hiện như vậy, nhà nước vẫn đang cấm mại dâm thì sao có thể đưa ra thí điểm. TPHCM cũng từng đề nghị thí điểm khu đèn đỏ riêng, rồi thành phố Hà Nội cũng đề nghị công khai thông tin người mua dâm. Nhưng tất cả những việc đó không thể làm vì liên quan đến quyền con người. Muốn làm gì, pháp luật phù hợp trước”, ông Phong nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng phân tích, khái niệm về mại dâm trong điều kiện hiện nay đã khác nhiều. Hiện tại, thực tế là việc quản lý người hành nghề bán dâm tại cộng đồng không làm được. Còn áp dụng công nghệ cao vào để kiểm soát thì lại phát sinh loại hình mại dâm theo kiểu đi tour du lịch, cũng không thể nắm bắt được.
Ông Phong phân tích, Pháp lệnh về mại dâm có từ năm 2005, được áp dụng cho tới nay, liên quan đến rất nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân. Các bất cập thì đều đã được nhận diện, chỉ tên, thậm chí có không ít đoàn đi học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, tổ chức các cuộc hội thảo trong nước…
Theo ông, cần thiết phải nâng pháp lệnh lên thành luật để giải quyết những bất cập bộc lộ. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phải tham mưu cho Chính phủ để đề xuất trình Quốc hội làm Luật về mại dâm hay luật Phòng chống mại dâm. Sau đó mới có thể bàn vấn đề về chính sách.
“Đi giám sát, các tỉnh đều báo là không biết, tỉnh nhà không có, công an không nắm được, ngành lao động không nắm được… nhưng các cộng đồng mà chúng tôi gặp, trong các câu lạc bộ, mại dâm lại rất… công khai” – ông Phong nói.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội phân tích, có luât sẽ có quy định cụ thể hoạt động nào được phép, nội dung nào thì không, quản lý kiểu gì.
Ông Đặng Thuần Phong dẫn chứng, tại Thái Lan, luật pháp nước này vẫn cấm mại dâm, nhưng thực tế hoạt động của các “phố đèn đỏ” được tổ chức quản lý rất hợp lý. Ngành y tế tiến hành hàng tháng khám bệnh định kỳ cho những người hành nghề. Người làm việc trong các cơ sở nhạy cảm phải có hợp đồng, có chứng nhận khám sức khỏe định kỳ. Ở những khu vực được hoạt động này, các hoạt động có thể diễn ra nhưng gái bán hoa ra đường chẳng hạn, là bị bắt ngay.
“Các nước họ quản lý rất chặt trong khi chúng ta lại không ai nắm được, cứ đổ thừa do văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh. Chúng tôi đã đề nghị bằng văn bản nhưng cơ quan chức năng không chịu làm, với lý do còn phải… nghiên cứu” – ông Phong phàn nàn.
Cũng về vấn đề này, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan nhận xét, dù chưa quy định, nhưng thực tế vấn đề về mại dâm vẫn đang tồn tại.
“Các nước như Thái Lan vẫn cho hành nghề mại dâm, còn chúng ta chưa quy định và phải phòng chống. Thế nhưng nhu cầu vẫn có. Và có cầu thì cũng có cung. Các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng cũng rất khó khăn khi thực hiện pháp luật về quản lý một cách có hiệu quả”, bà Lan nói.
Trước thực tế trên, đại biểu cho rằng, cần phải quy định trong pháp luật, xem cho phép hoạt động đến đâu, quy định người hành nghề ra sao, rồi các cơ quan chức năng phải thực hiện thế nào…
P.Thảo