Cúi rạp người trên những bãi nghêu
(Dân trí) - Những người phụ nữ gần như cúi rạp người trên bãi cát. Những chiếc muôi, chiếc cào lạo xạo xục xuống “đãi” cát để cào lấy những con nghêu bé tí ti. Chúng có thể là bữa ăn tối, cũng có thể là một vài bơ gạo chống đói trong mùa cuối năm.
2h chiều, bãi biển Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nắng chói chang dù đang là giữa đông. Từng con sóng lăn tăn vỗ vào bờ rồi lại dạt ra xa. Nước lấp lóa dưới ánh mặt trời. Bờ cát dài thoai thoải in hình những vệt sóng lạ. “Vết cào nghêu hôm qua đó” – cụ Trần Thị Huận nói với tôi, mắt vẫn nhìn chòng chọc xuống nền cát đang bị chiếc cào trên tay cụ xới lên.
Với cụ Nhưng, cào nghêu chỉ đơn giản là kiếm thêm vài miếng trầu.
Bà Nguyễn Thị Hoàn năm nay cũng hơn 60 tuổi nhưng hãy còn nhanh nhẹn lắm. Bà sống một mình nên cào nghêu trở thành “nghề” chính. Cứ 2h chiều, khi nước thủy triều cạn, bà Hoàn ra bãi đào nghêu. Đồ nghề của bà chỉ là cái muôi sắt và chiếc rổ con. Mỗi buổi cũng cào được hơn 1 cân nghêu cả to lẫn nhỏ. Giá mỗi cân bán chừng 10-15 nghìn đồng, đủ để bà mua mấy bơ gạo hay mớ cá vụn ăn trong ngày.
Một buổi cào nghêu cũng giúp bà Hoàn kiếm được tầm 10-15 nghìn đồng, đủ lo cho bữa cơm tằn tiện cho người phụ nữ đơn chiếc này.
Bà Hoàn hãy còn khỏe, xương khớp cũng chưa đến nỗi rệu rã nên vẫn ngồi cào nghêu được. Cụ Huận hay cụ Đào Thị Những tuổi cao, sức yếu, những khớp chân chẳng thể đỡ nỗi thân hình tàn tạ nên chẳng thể ngồi hàng giờ mà cào cát. Mỗi cụ sắm cho mình một chiếc cào bằng tre, hì hụi kéo trên cát ẩm.
Cụ Những năm nay 74 tuổi, người đẫy đà, nụ cười hãy còn tươi lắm. Cũng phải thôi, bởi với cụ, cào nghêu chỉ là một thú tiêu khiển, như kiểu người ta tập thể dục. Đời cụ hết bốc cá thuê ở chợ, gánh nước thuê cho các thuyền hay đóng gạch sò thì cũng ngót nghét 20 năm sống với nghề cào nghêu. “Lũ con cháu nó chẳng cho đi cào nghêu đâu, tôi trốn đi đấy. Cào cho vui, cho đỡ buồn tay buồn chân chứ tiền bán nghêu cũng chỉ đủ tiền ăn trầu”, cụ nói.
Xương khớp không cho phép cụ Huận ngồi nữa nên cụ phải dùng cào để bắt nghêu. Với cách này, tuy mất nhiều sức hơn nhưng bù lại sẽ bắt được nghêu to hơn, bán được giá hơn.
Không thảnh thơi như cụ Những, cụ Huận sống với chồng. Ông chồng già yếu chẳng làm được gì nữa nên cụ Huận trở thành “lao động chính”. Ở tuổi cụ biết làm gì ngoài cào nghêu bởi nghêu thì sẵn đấy, cứ đợi thủy triều xuống là có thôi. Tuổi của cụ cũng chưa hẳn là quá già nhưng cái thân hình gầy gò, tiều tụy ấy có vẻ đường như không thể theo được nghề này nữa.
Chứng bệnh đau khớp xương không cho phép cụ ngồi, bởi vậy cụ phải đứng cào nghêu. Chiếc cào làm bằng hai thanh tre, nối với nhau bằng dây thép mỏng. Cụ nắm hai thanh tre, tỳ một đầu vào bờ vai gầy guộc, cố sức nhủi đầu kia thật sâu xuống cát. Đôi bàn tay gầy guộc cố kéo cào về phía mình nhưng dường như nó chẳng muốn nghe theo ý chủ nhân, bởi vậy, kéo được chừng vài ba bước chân, bà cụ lại phải nghỉ lấy hơi rồi kéo tiếp.
Sức yếu, cào được vài ba bước chân, cụ Huận phải dừng lại nghỉ lấy sức. Mỗi hôm cụ cũng kiếm được tầm 15-20 nghìn đồng, đủ đong gạo cho hai ông bà.
Cào nghêu bằng cách này tuy có mệt nhưng lại đào được sâu, sẽ bắt được những con nghêu to hơn, bán được giá hơn. Mỗi ngày cụ kiếm được 15-20 nghìn, hai ông bà đủ nương tựa vào nhau lần hồi qua ngày.
Bà Ngô Thị Chiên chẳng dùng muôi mà cũng chẳng dùng cào để bắt nghêu. Bà ngồi trên chiếc ghế nhựa, cứ dùng hai bàn tay không mà xục xuống cát để cào. Chồng chết sớm, nhà neo người, hai cô con gái lấy chồng xa nên bà Chiên sống một mình. 66 tuổi nhưng khớp xương không còn tuân theo sự điều khiển của trí não, đôi mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ nên cách duy nhất là dùng tay để cào. Cào trúng vật cứng sẽ dùng tay “nhìn” xem là đá, là vỏ sò hay là nghêu.
Xương khớp rệu rã, đôi mắt gần như bị mờ hẳn, bà Chiên phải dùng 10 đầu ngón tay để cào nghêu. Chồng chết sớm, hai con gái lấy chồng xa, bà sống chật vật bằng nghề cào nghêu.
“Sống một mình nên cũng chẳng ăn uống chi nhiều, cứ có cơm cho no, bát canh nghêu nấu canh vặt là qua ngày thôi. Cào nghêu, con nhỏ thì để ăn, con to thì bán. 2h chiều ra đây, tầm 4h, nước lên lại cắp rổ về. Ngồi còng lưng hai tiếng đồng hồ, mười đầu ngón tay buốt rồi chai cứng lại cũng chẳng thấy đau nữa. Mỗi bữa kiếm được cân hơn, cân kém, bán cũng được mươi, mười lăm nghìn, cũng chẳng phải lo đói”, nhướng đôi mắt gần như trắng đục, bà Chiên vẫn lạc quan về cuộc sống. “Nghêu có quanh năm, cứ tay làm thì hàm có nhai, biển chẳng phụ ai bao giờ”, bà Chiên nói.
Nắng đã nhạt, biển không còn lấp lóa mà bắt đầu chuyển sang màu đỏ sẫm. Thủy triều lên, bãi cát nhanh chóng chìm dưới nước, đàn nghêu lại sinh sôi. Nồi cơm của những người đàn bà làng biển cứ vơi rồi lại đầy theo con nước.
Hoàng Lam