Cục Đường cao tốc nói về 3 tuyến sắp vận hành chưa có trạm dừng nghỉ

Thế Hưng

(Dân trí) - Sáng 29/4, cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khánh thành đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, 2 tuyến cao tốc này cùng với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chưa có trạm dừng nghỉ.

Hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khánh thành sáng ngày 29/4, kịp phục vụ việc đi lại của người dân trong kỳ nghỉ lễ.

Với 2 dự án này, thời gian ô tô di chuyển giữa TPHCM và thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) rút ngắn còn 2-2,5 giờ, thay vì 5-6 giờ như hiện nay; thời gian di chuyển Hà Nội - Thanh Hóa rút ngắn còn khoảng 1,5-2 giờ.

Tuy nhiên, hai tuyến cao tốc này cùng với dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết khánh thành vào 19/5 đều chưa có trạm dừng nghỉ. 

Cục Đường cao tốc nói về 3 tuyến sắp vận hành chưa có trạm dừng nghỉ - 1

Ba tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ (Ảnh: Đỗ Quân).

Trả lời vấn đề này, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản trả lời Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Theo đó, trong quá trình phê duyệt dự án, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 39 trạm dừng nghỉ nhưng dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 trạm. 

Tính đến nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (dài 2.063 km) đã đưa vào khai thác 5 trạm trên phạm vi 643 km và 2 trạm (trên cao tốc La Sơn - Túy Loan và trên cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang). 30 trạm dừng nghỉ còn lại đã hoạch định vị trí, quy mô.

Trước mắt, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư cho 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Các trạm dừng nghỉ này đã được Bộ GTVT chấp thuận vị trí, quy mô và giao cho các Ban QLDA khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các đơn vị có liên quan phối hợp làm việc và báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở xem xét, phê duyệt trong tháng 4.

Theo Cục Đường Bộ Việt Nam, ngoài chức năng phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, trạm dừng nghỉ là nơi có thể kinh doanh dịch vụ. Chính vì vậy, hầu hết các trạm dừng nghỉ được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa (huy động nguồn lực đầu tư tư nhân). 

"Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ với đường cao tốc", Cục Đường cao tốc Việt Nam lý giải.

Nhằm khắc phục tình trạng cao tốc không đồng bộ với trạm dừng nghỉ, Cục Đường Cao tốc Việt Nam đã cố gắng rút ngắn tối đa thời gian các công đoạn, thủ tục. 

Tổng thời gian lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định thầu khoảng 113 ngày. Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, thời gian dự kiến khoảng 171 ngày.

Cục Đường cao tốc Việt Nam dự kiến tháng 8 hoặc tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063km. Quy mô tuyến từ 4-6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe.

Đến nay, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác khoảng 643km (bao gồm các đoạn: Lạng Sơn (Chi Lăng) - Hà Nội, Hà Nội - Cao Bồ (Ninh Bình), Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua hầm Cù Mông và hầm Đèo Cả, Dầu Giây - Long Thành, Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.