1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cục CSGT tham gia ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Trần Thanh

(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đã dẫn đầu đoàn cán bộ chiến sỹ tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Phú Thọ sau vụ sập cầu Phong Châu.

Tối 9/9, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, ngay khi nhận được tin sự cố sập cầu Phong Châu lúc 10h ngày 9/9, Cục CSGT đã triển khai lực lượng tham gia cứu hộ ban đầu dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Cục CSGT đã điều 33 cán bộ chiến sỹ, 6 ô tô và 1 xuồng máy chuyên dụng để triển khai tìm kiếm cứu nạn ban đầu. 

Cục CSGT tham gia ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu - 1

Đoàn công tác của Cục CSGT do Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục CSGT (ngoài cùng bìa phải) làm trưởng đoàn tới hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích (Ảnh: Cục CSGT).

Hồi 14h, đoàn công tác đã làm việc với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương, được thành lập tại hiện trường xảy ra vụ việc và triển khai lực lượng, phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã 3 quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh không để người dân đi lại, tụ tập đông người tại hai đầu cầu thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao.

Bên cạnh đó, Cục CSGT cũng phối hợp, phân luồng giao thông tại hai đầu cầu Trung Hà sau khi có lệnh cấm phương tiện lưu thông qua cầu. 

Cục CSGT cũng hạ 1 xuồng máy tại khu vực xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (cách hạ lưu cầu Phong Châu khoảng 3km) để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.

Cục CSGT tham gia ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu - 2

Công tác cứu nạn đang được khẩn trương triển khai (Ảnh: Cục CSGT).

Đến 15h, đoàn công tác của Cục CSGT cùng với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cùng một số lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội để triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân và phương tiện gặp nạn.

Cục CSGT tham gia ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu - 3

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cụ thể, lực lượng chức năng điều tiết giao thông, để người dân đi lại bảo đảm an toàn. Cấm các phương tiện qua cầu Trung Hà để bảo đảm an toàn.

Chặn hai đầu cầu Phong Châu bằng dải phân cách cứng để hạn chế, ngăn chặn người dân đi lại gần khu vực cầu.

Triển khai lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ tăng cường công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn.

Sở GTVT Phú Thọ vừa ra phương án phân luồng giao thông như sau (Thời gian bắt đầu phân luồng từ 16h30 ngày 9/9 cho đến khi khắc phục, sửa chữa xong hư hỏng của các cầu):

Xe từ huyện Tam Nông đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thành phố Việt Trì và ngược lại.

Xe đi qua địa bàn huyện Tam Nông đi Vĩnh Phúc, Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - vào nút giao IC9/cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thị xã Phú Thọ) - đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Từ Tam Nông đi theo hướng quốc lộ 32 - đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo quốc lộ 2D đi Việt Trì. Từ Việt Trì đi theo quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc đi qua cầu Văn Lang - qua Ba Vì - đi theo quốc lộ 32 đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại.

Xe từ các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội (và ngược lại) di chuyển theo phương án:

- Hướng thứ nhất: Đi đến km69+00 quốc lộ 32 (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) - rẽ phải vào ĐT.317G - tiếp tục đi đến km17+400 đường tỉnh 317G (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) - rẽ trái vào đường tỉnh 317E - đi qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Ngoài ra, các xe đi từ thành phố Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc quốc lộ 32.

Xe lưu thông từ Hà Nội đi các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa và đi tỉnh Yên Bái (và ngược lại) di chuyển theo các phương án:

- Hướng thứ nhất: Từ Tam Nông đi vào đường tỉnh 315 - đường tỉnh 315D (đường Liên Vùng) - qua đường tỉnh 313C - đi theo quốc lộ 32C đi Cẩm Khê, Hạ Hòa - tỉnh Yên Bái và ngược lại.

- Hướng thứ hai: Theo hướng quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) - đi theo hướng quốc lộ 2D - qua cầu Hạ Hòa - tiếp tục theo hướng quốc lộ 32C đi huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

- Hướng thứ ba: Theo quốc lộ 32 - theo đường Hồ Chí Minh (qua cầu Ngọc Tháp) đến thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC7, IC8, IC9 đến nút giao IC10, IC12 đi huyện Cẩm Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Dòng sự kiện: Sập cầu Phong Châu